Sơ Cứu tai nạn Ở Trẻ Mẹ Nào Cũng Nên Biết

  5055

Trẻ dưới 6 tuổi thường hay bị các tai nạn như trầy xước, bỏng, con trùng đốt…Mẹ hãy học Cách Sơ Cứu 6 Tai Nạn Ở Trẻ để chăm sóc bé tốt hơn nhé!

Tai nạn là điều không ai mong muốn, nhưng không ai có thể tránh được. Tuy không phải lúc nào bạn cũng có thể bảo vệ được thiên thần nhỏ của mình khỏi bị thương, song có khá nhiều việc mà bạn có thể làm để giảm bớt hậu quả không đáng có.

Vết rách da hoặc trầy xước

Sơ cứu: Nếu có chảy máu, trước tiên hãy dùng một chiếc khăn sạch ấn chặt vào vết thường cho đến khi máu hết chảy (khoảng từ 3 – 15 phút).

Rửa sạch vết thương dưới vòi nước ấm và thấm nhẹ cho khô.

Nếu vết thương bị dính bụi bẩn hoặc do động vật cào, hãy rửa bằng nước và xát nhẹ với xà phòng.

Nếu da bị rách, bôi một lớp mỏng mỡ kháng sinh thông thường (như Neosporin hoặc Bacitracin), sau đó che vết thường bằng băng hoặc băng dính.

Nếu không thể cầm máu sau vài lần thử bằng cách ấn trực tiếp, hãy gọi bác sĩ hoặc đưa bé đến phòng cấp cứu.

Nếu da bị lóc một mảng lớn, hãy gói nó vào một mảnh vải sạch, ẩm, cho vào túi và đặt lên miếng đá lạnh – bác sĩ có thể khâu lại chỗ da đó. Vết cắn của động vật khiến da bị rách sâu cần được bác sĩ xem xét.

Chăm sóc: Chấm mỡ kháng sinh và thay băng mới hàng ngày (hoặc hai ngày một lần, nếu vết thương rộng hoặc sâu) cho đến khi vết rách liền lại, sao cho bé không thể đụng chạm vào đó.

Nếu vết thương có vẻ có mủ hoặc bị sưng, nề hay đỏ, thì cần đưa bé đến ngay bác sĩ để xử lý nhiễm trùng.

Sau khi vết thương đã liền, bôi kem chống nắng có chỉ số 30 cho đến khi nó mờ đi, vì da mới liền dễ bị bắt nắng, khiến cho sẹo lộ rõ hơn.

Vết bỏng

Sơ cứu: Ngay lập tức để vết bỏng dưới vòi nước mát hoặc đắp một chiếc khăn ướt và mát lên vết bỏng cho đến khi đau dịu đi. Che những nốt phỏng nhỏ bằng băng hoặc gạc; gọi bác sĩ càng sớm càng tốt nếu vết bỏng nằm trên mặt, tay hoặc bộ phận sinh dục, hoặc nếu nó lớn hơn 3cm ở bất kỳ chỗ nào trên cơ thể.

Nếu vết bỏng có vẻ sâu – da có màu trắng hoặc nâu và khô – hãy đến phòng khám cấp cứu. Nếu vết bỏng chiếm từ 1/10 cơ thể trở lên, không sử dụng gạc lạnh; gọi cấp cứu và dùng một tấm vải sạch hoặc chăn sạch phủ cho bé để đề phòng hạ thân nhiệt cho đến khi có sự trợ giúp.

Chăm sóc: Không tự chọc vỡ nốt phỏng. Nếu da bị rách, bôi kem kháng sinh và che vùng bị bỏng bằng băng hoặc gạc cho đến khi vết bỏng liền. Để ý xem vết bỏng có bị đỏ, sưng, nề hoặc chảy dịch – những dấu hiệu của nhiễm trùng.

Bạn có biết? Bỏng do thức ăn hoặc chất lỏng nóng là tai nạn bỏng hay gặp nhất ở trẻ em từ 6 tháng đến 2 tuổi.

Chảy máu mũi

Sơ cứu: Cho bé ngồi thẳng, nhưng đừng ngửa đầu ra sau. Nới lỏng áo quanh cổ. Kẹp lấy đầu mũi sát hai cánh mũi và cho trẻ cúi ra trước trong khi bạn tiếp tục giữ chặt trong 5 – 10 phút. Đừng thả ra và kiểm tra mũi; máu có thể chảy lâu hơn.

Chăm sóc: Nếu chảy máu mũi là do chấn thương, giảm sưng bằng cách đặt túi chườm đá lên sống mũi sau khi máu đã chảy chậm lại. Nếu máu vẫn tiếp tục chảy sau 10 phút hoặc sau đó lại chảy lại, hãy gọi bác sĩ hoặc đưa bé đến cơ sở y tế để kiểm tra.

Dằm hoặc mảnh thủy tinh

Sơ cứu: Dùng xà phòng và nước để rửa quanh chỗ dằm đâm. Dùng cồn lau sạch một chiếc nhíp và nhẹ nhàng rút cái dằm ra. Rửa lại một lần nữa.

Nếu dằm cứng và khó lấy, hãy để nguyên một ngày xem liệu nó có tự ra không.

Nếu bé giẫm phải mảnh thủy tinh và bạn không thể dễ dàng lấy ra được, hãy dùng khăn sạch quấn nhẹ chỗ bị thương và tới ngay cơ sở y tế.

Hỏi bác sĩ xem có cần chụp phim không cho dù bạn nghĩ mảnh thủy tinh đã bật ra ngoài; việc chụp phim sẽ phát hiện ra những mảnh vụn có thể dẫn tới nhiễm trùng.

Chăm sóc: Nếu dằm không ra sau vài ngày hoặc khiến bé bị đau, chỗ dằm đâm bị đỏ hoặc có mủ, hãy đến gặp bác sĩ để lấy nó ra một cách an toàn.

Chấn thương mắt

Sơ cứu: Khi bé bị đau nhiều, thường xuyên chảy nước mắt, sợ ánh sáng hoặc nhìn mờ sau khi bị va đập vào mắt, hãy đặt vào mắt một chiếc khăn ướt và mát rồi đến ngay cơ sở y tế. Bé có thể bị vết thương ở bề mặt mắt cần điều trị bằng thuốc nhỏ mắt hoặc thuốc mỡ theo đơn bác sĩ và sẽ liền trong vòng 48 giờ. Nếu bị hóa chất bắn vào mắt, hãy giữ cho mắt bé mở và rửa bằng nước ấm và gọi cấp cứu.

Chăm sóc: Theo dõi đau và các vấn đề về thị lực trong vài tuần sau khi bị chấn thương mắt. Chúng có thể là dấu hiệu của viêm mống mắt do chấn thương hoặc vết thương ở sâu hơn.

Côn trùng hoặc ong đốt

Sơ cứu: Nếu côn trùng để lại ngòi, dùng móng tay hoặc thẻ nhựa cào nhẹ lên da để lấy ngòi ra mà không làm gãy. (Dùng nhíp để kẹp vào ngòi có thể khiến nọc độc thoát ra nhiều hơn).

Gọi cấp cứu nếu bé bị khó thở, ho hoặc khàn tiếng, nổi mề đay, sưng môi hoặc lưỡi.

Theo dõi: Để trị ngứa, đắp một miếng gạc lạnh lên chỗ vết thương trong một phút, hoặc bôi lotion alamine, kem hydrocortisone 1% hoặc thuốc kháng histamin tại chỗ (nếu da không bị rách hoặc trầy xước).

Liên hệ với bác sĩ nếu bạn nghi bé bị ve đốt. Bác sĩ có thể muốn xét nghiệm bệnh Lyme và các bệnh khác do ve truyền.

+ Xem thêm:

BÀI THUỐC DÂN GIAN TRỊ ‘MÁ NẺ CÀ CHUA’ CHO BÉ CỰC NHANH

5 BÍ QUYẾT ĐỂ BÉ YÊU KHÔNG BAO GIỜ BỊ ỐM


Nguồn bài viết: sưu tầm
Chia sẻ cảm nghĩ của bạn về bài viết này: