Sai Lầm Mẹ Hay Mắc Phải Khi Chăm Sóc Tai Mũi Họng Cho Bé

  7627

Trong quá trình nuôi con, phụ huynh thường mắc phải một số sai lầm có thể ảnh hưởng đến sức khỏe, thậm chí sinh mạng của bé.

Trong quá trình nuôi con, phụ huynh thường mắc phải một số sai lầm có thể ảnh hưởng đến sức khỏe, thậm chí sinh mạng của bé.

Chăm sóc tai quá mức

Bác sĩ (BS) Võ Quang Phúc - Bệnh viện (BV) Tai - Mũi - Họng TP.HCM khuyên: “Lấy ráy tai thường xuyên bằng tăm bông có thể đẩy ráy tai vào sâu và làm rụng mất lông tai khiến trẻ dễ bị viêm tai hơn. Vì vậy, không nên dùng tăm bông lấy ráy tai cho bé”. Ngoài ra, khi nhà có trẻ em cần để các loại: thuốc, tăm bông, hóa chất… vào tủ thuốc ngoài tầm tay với của trẻ để tránh việc trẻ tự ý dùng gây hậu quả nghiêm trọng.

Tai họa từ chữa bệnh mũi

Khi bé bị sổ mũi, người mẹ thường dùng nước muối rửa mũi cho con, nhưng nếu nhỏ một lượng nước quá lớn, trong tư thế nằm, đúng lúc bé đang hít, dễ gây phản xạ co thắt thanh quản gây tím tái, viêm phổi… Vì vậy, nếu không có chuyên môn, không nên tự rửa mũi cho con. BS Võ Quang Phúc nhắc nhở: “Các loại tinh dầu chứa menthol, nhất là những viên thuốc tròn bỏ vào nồi xông, tuyệt đối không được sử dụng xông cho trẻ dưới hai tuổi, bởi niêm mạc mũi của bé mỏng manh, xông không đúng liều lượng sẽ làm hư niêm mạc khiến bé dễ bị các bệnh viêm VA, viêm amiđan, viêm hô hấp trên… Ngoài ra, còn một sai lầm nguy hiểm nữa là cho bé dùng thuốc nhỏ mũi của người lớn, BV đã từng cấp cứu không ít ca bị co giật do cha mẹ dùng thuốc nhỏ mũi người lớn cho con dưới hai tuổi!”.

Nhiễm bệnh từ núm vú giả, rơ mật ong

Theo BS Đinh Tấn Phương - Khối Cấp cứu BV Nhi Đồng 1 TP.HCM, ngậm núm vú giả không đảm bảo vệ sinh sẽ khiến bé bị nhiễm bệnh. Để vệ sinh lưỡi cho bé không nên dùng mật ong, chỉ cần dùng gạc tiệt trùng cùng nước muối sinh lý hoặc nước đun sôi để nguội. Quấn gạc vào ngón tay út (ngón này yếu và nhỏ không làm đau miệng bé) lau từ bờ lưỡi bên này qua bờ lưỡi bên kia, chỉ cần một lần là đủ.

Tai nạn bất ngờ, cấp cứu không đúng cách

BS Cao Minh Thức - BV Nhi Đồng 2 TP.HCM cho biết: “Ngoài mắc bệnh do chăm sóc sai lầm, bé còn có nguy cơ bị những tai nạn bất ngờ, nếu được cấp cứu không đúng cách sẽ gây nguy hiểm cho bé. Vừa qua, BV Nhi Đồng 2 TP.HCM cấp cứu và nội soi gắp ra một dây thun nhỏ từ bệnh nhi 14 tháng tuổi. Do cấp cứu trễ, não thiếu oxy quá lâu nên bé phải sống đời thực vật”. Có trường hợp, bé từ chối ăn, uống thuốc… thay vì kiên nhẫn để bé ăn, người chăm sóc bé dùng tay bịt mũi khiến bé không thở được, buộc phải há miệng để thở thì thuốc và thức ăn lọt sang khí quản gây ngưng tim, ngưng thở. Nếu cấp cứu không đúng cách, bé có thể tử vong.

Bé cũng có thể tự gây tai nạn cho mình khi đút tất cả những món đồ nhỏ vào tai, mũi và họng. Vì vậy, trong gia đình có con nhỏ cần lưu ý thực hiện “nhà không, phòng trống”, không cho bé ăn các loại hạt hoặc trái cây còn hạt. Khi mua đồ chơi cho bé cần đọc kỹ tuổi được chơi để tránh những hậu quả đáng tiếc.

+ Xem thêm:

CÁCH LẤY RÁI TAI AN TOÀN CHO BÉ

5 SAI LẦM MẸ NÀO CŨNG MẮC PHẢI KHI CHĂM CON NHỎ


Nguồn bài viết: phunuonline
Chia sẻ cảm nghĩ của bạn về bài viết này: