Phục vụ con mù quáng, nuôi con cho béo, không cho con ra ngoài trời... là những quan niệm sai lầm trong việc nuôi dạy con có thể ảnh hưởng đến sức khỏe và tinh thần của trẻ sau này.
1. Phục vụ con mù quáng
Đây là quan niệm nuôi con của rất nhiều mẹ Việt. Đặc biệt nếu nhà nào sinh được con trai (độc tôn) thì áp dụng triệt để và vô tình biến con thành "ông tướng" trong nhà.
Những đứa trẻ được cha mẹ nuôi nấng, phục vụ từ "trong trứng" lâu dần sẽ giống như cây tầm gửi, dựa dẫm vào cha mẹ. Cha mẹ biết con lười biếng, ỷ lại nhưng lại thương con nên chấp nhận còng lưng nuôi con dù con đã đến tuổi đi làm, lập gia đình. Thậm chí, nhiều đứa trẻ đã có gia đình riêng vẫn về ăn bám bố mẹ và bố mẹ vẫn chấp nhận là chuyện dễ nhận thấy ở xã hội Việt Nam hiện tại.
2. Không dám cho con ra ngoài trời mưa rét
Giữ con trong nhà và nuôi con thật sạch, thật ấm áp là thói quen của nhiều mẹ Việt. Điều này không sai vì xuất phát từ mục đích nuôi con khỏe. Tuy nhiên, việc làm này của cha mẹ vô tình đánh mất cơ hội được trải nghiệm bản thân với thiên nhiên và kích hoạt hệ miễn dịch.
Trời mưa rét không hề xấu như cha mẹ nghĩ. Cho trẻ dầm mưa không hề có hại cho trẻ. Trẻ dầm mưa sẽ có cơ hội hoạt động hệ miễn dịch, tăng cường hệ miễn dịch và phòng bệnh tốt hơn.
Người Nhật Bản coi việc cho trẻ tiếp xúc với mưa gió là cơ hội để rèn luyện cho trẻ sự cứng cỏi, khả năng thích nghi. Thậm chí kể cả khi trẻ ốm, trẻ vẫn phải đến trường để chúng nhanh chóng quên đi việc ốm (trừ trường hợp bệnh quá nặng, truyền nhiễm).
Trẻ em ở xứ sở nào cũng giống nhau, chúng cần được rèn luyện dưới thiên nhiên khắc nghiệt để học cách thích nghi thay vì bị nhốt trong nhà quá sạch sẽ, quá ấm cúng và dễ dàng "gục ngã" nếu chẳng may ra đường vào ngày mưa rét.
3. Nuôi con béo mới khỏe
Đây là quan niệm của rất nhiều ông bố, bà mẹ hiện đại. Đó là lí do Việt Nam ngày càng tăng tỉ lệ trẻ béo phì. Đây là quan niệm hoàn toàn sai lầm và đáng cảnh báo. Béo phì là bệnh thế kỷ, cả thế giới đang gióng lên hồi chuông báo động về nạn béo phì.
Trẻ không cần béo, chúng chỉ cần khỏe, năng động và vui vẻ. Béo sẽ khiến trẻ đối diện với nhiều bệnh mãn tính, dậy thì sớm và ảnh hưởng đến cuộc sống, tinh thần, sức khỏe sau này.
4. Điểm số đánh giá con thông minh hoặc yếu kém
Nhiều cha mẹ chỉ chăm chăm quan tâm đến điểm số của con ở trường mà không cần biết con thích gì, con muốn gì, vì sao con điểm kém.
Thậm chí để con học giỏi hơn, cha mẹ tích cực thuê gia sư, nhồi nhét cho con đi học thêm, thúc ép con học ngày đêm mà quên rằng, con còn nhiều hoạt động khác ngoài việc học, ngoài điểm số. Bởi hầu hết các bậc làm cha mẹ đều đánh giá sự thông minh của con trên điểm số mà không biết rằng, điểm số chỉ là một phần mà thôi. Sự thông minh còn được đánh giá ở nhiều yếu tố khác như kỹ năng vận động, giao tiếp...
Do đó, thay vì ép con học, cha mẹ hãy cho con thơi gian vui chơi, nghỉ ngơi, thư giãn, tiếp xúc với thế giới bên ngoài.
5. Dạy con giống... con nhà người ta
Nếu con hàng xóm biết tiếng anh, mẹ nhất định phải cho con học tiếng anh. Nếu con hàng xóm biết bơi, mẹ nhất định cho con học bơi. Nếu con hàng xóm học nhạc, mẹ nhất định cho con học nhạc... và rất nhiều từ "nếu" nữa từ con nhà người ta.
Nhất định con nhà mình phải như con nhà người ta hoặc hơn mà không biết rằng, mỗi đứa trẻ đều có ưu nhược điểm khác nhau, chúng la cá thể độc lập chứ không phải "thú cưng".
Quan điểm nuôi dạy con như thú cưng, như con nhà người ta có thể thui chột khả năng sáng tạo, niềm đam mê của riêng con.
+ Xem thêm:
6 Kiểu Chăm Con Sai Lầm Mà 99% Bà Mẹ Mắc Phải
5 Sai Lầm Về Giấc Ngủ Mẹ Mắc Phải Khiến Trẻ Kém Thông Minh