BS. Nhơn đang khám bệnh cho trẻ bị sốt vì viêm phế quản do siêu vi. Nắng nóng kéo dài nhiều ngày qua tại TPHCM và các tỉnh lân cận đã làm xuất hiện những dấu hiệu bất thường về dịch bệnh, đặc biệt là với đối tượng trẻ em.
Tại bệnh viện (BV) Nhi đồng I, có ngày số bệnh nhi đến khám và điều trị lên đến 3.000 trẻ; Ở BV. Nhi đồng II, số lượng bệnh nhi đến khám cũng tăng vọt trong những ngày qua. Chúng tôi đã trao đổi với BS. Trần Hữu Nhơn (Trưởng khoa Nội tổng hợp BV. Nhi đồng II) về 4 loại bệnh thường gặp: Viêm phế quản cấp do siêu vi, sốt phát ban, sốt cao co giật do siêu vi và tiêu chảy cấp mất nước nặng.1. Bệnh viêm phế quản cấp do siêu vi
Đây là bệnh viêm nhiễm đường hô hấp chính ở trẻ em trong những ngày qua, chiếm tới 80% lượng bệnh nhi nhập viện. Bệnh thường bắt đầu với triệu chứng ho khan kéo dài và có đàm ngày càng nhiều. Bệnh thường gây các biến chứng như viêm tai giữa, viêm xoang, viêm phổi. Vì vậy, khi phát hiện, phải sớm đưa trẻ đến các cơ sở y tế để điều trị, đồng thời cách ly trẻ mắc bệnh. Để phòng ngừa, cần cho trẻ đeo khẩu trang khi đi ngoài đường để tránh khói bụi, chú ý mặc ấm cho trẻ khi đi đường. Đảm bảo chế độ dinh dưỡng trong ăn uống, không để trẻ thức khuya, tránh tiếp xúc với khói thuốc lá.
2. Sốt cao co giật do siêu vi
Biểu hiện thường gặp nhất là trẻ đang khỏe mạnh, chơi đùa bình thường bỗng tỏ ra mệt mỏi, sau đó sốt cao và lên cơn co giật. Cha mẹ trước khi đưa trẻ tới bệnh viện cần lau mát cơ thể bằng khăn nhúng nước ấm, thấp hơn nhiệt độ cơ thể lúc bấy giờ ít nhất là 20C.
3. Sốt phát ban
Triệu chứng ban đầu thường là sốt, ho, sổ mũi và xuất hiện ban đỏ; Lúc đầu ở mặt, sau đó lan xuống bụng, tay, chân. Đặc điểm để phân biệt ban do hậu quả của sốt phát ban và ban do các nguyên nhân khác là ở chỗ: Thường thể hiện những chấm mịn như cám, màu đỏ, tuyệt đối không có các chấm bể miệng. Trẻ sốt phát ban thường không gây nhiều lo lắng cho cha mẹ như trẻ sốt lên cơn co giật do siêu vi, nhưng bệnh lại thường được phát hiện muộn nên dẫn tới nhiều hậu quả khác. Khi xử lý tại nhà, phụ huynh lưu ý chỉ cho trẻ ăn những loại thức ăn nhẹ như cháo, sữa; Tránh những thức ăn dễ gây dị ứng ngoài da như cá biển, cua, ốc… Việc lau rửa, vệ sinh cho trẻ chỉ tiến hành vào buổi trưa, dùng nước ấm và lau nhanh.
4. Tiêu chảy cấp mất nước nặng
Các thức ăn, nước uống, nhất là hàng rong vào thời điểm này rất dễ nhiễm các loại vi khuẩn như E.coli. Vi khuẩn hay siêu vi theo thức ăn vào ruột gây viêm ruột non cấp tính và gây rối loạn hấp thu. Bệnh thường khởi phát đột ngột với các triệu chứng như ói, sau đó đi tiêu ra phân lợn cợn nước, có đàm, chướng bụng… Trong trường hợp trẻ tiêu chảy cấp mất nước nặng thì sẽ có 2 trong 4 dấu hiệu đặc trưng như li bì hoặc hôn mê, mắt trũng, khát nước nhưng không uống được nhiều, véo vào da thấy dấu véo mất chậm. Trong tình trạng này, việc cần thiết là phải bù ngay lượng nước và khẩn trương đưa trẻ tới cơ sở y tế để cấp cứu.
+ Xem thêm:
Nắng Nóng Lịch Sử - Cảnh Báo 4 Tình Trạng trẻ Gặp Nguy Hiểm Vì Nắng Nóng
Mùa Nắng Nóng Bé Dễ Bị Tiêu Chảy Mẹ Phải Xử Lý Thế Nào