Dỗ trẻ sơ sinh chịu ngủ mà không cần phải bế bồng là một trong những thử thách đầu tiên bạn có thể gặp phải khi mới được “lên chức”. Vòng tay bố mẹ luôn ấm áp êm ái hơn giường hay cũi hay bất cứ nơi nào, khiến cho hầu hết mọi đứa trẻ đều có thể say sưa giấc ngủ. Tuy nhiên, điều này lại không tốt cho chúng ta, những người lớn cũng cần được ngủ, hoặc ít nhất là cần đôi tay để tranh thủ làm việc gì khác trong khi con ngủ.
Vậy, hãy thử những cách uốn nắn dưới đây nếu con bạn chỉ chịu ngủ khi được bế:
Việc quan trọng đầu tiên cần thực hiện đó là hãy giúp con dịu lại khi chuẩn bị đến giờ đi ngủ bằng cách giảm cường độ hoạt động, cho bé đi tắm, thay quần áo, bú sữa, hát ru… Dù có thể phải tầm 6-7g bố mẹ mới đi làm về và rất muốn chơi đùa thật nhiều với con nhưng hãy lưu ý giờ ngủ của bé. Trái với suy nghĩ rằng cứ để con mệt thì sẽ dễ ngủ hơn, sự thật là mệt quá bé cũng sẽ không thể ngủ được đâu. Vậy nên bạn đừng cho con thức quá 90 phút, đừng cho con ngủ muộn, không chỉ để bé không bị quá mệt mà còn là cách bạn uốn con dần vào nề nếp, khuôn khổ.
Và nhân nói về nề nếp, hãy tạo thời gian biểu ăn-thức-ngủ. Bạn nghĩ cảnh tượng con thiếp ngủ khi đang ôm bình sữa là đáng yêu nhất ư? Khi bé theo được nề nếp ăn-thức-ngủ còn đáng yêu hơn nhiều! Khi quen được với thời gian biểu, bé sẽ ít phụ thuộc vào việc phải được bú, hay được ru (trên tay bạn) thì mới có thể ngủ.
Bạn có thể thử theo ví dụ này:
7 giờ sáng - ăn: thức dậy, bú;
7 giờ 15 - thức: thay tã, chơi đùa (trong 90 phút hết cỡ, nhớ nhé!);
9 rưỡi sáng - ngủ: chợp mắt giấc đầu;
[giờ thức dậy] - ăn: thức dậy, bú
…
Hãy duy trì những thói quen này lặp lại mỗi ngày - cả về thứ tự hoạt động lẫn thời gian; và tốt nhất cả hai bố mẹ đều cùng nên tham gia để con không bị quá lệ thuộc vào một người nào đó và không thể ngủ được khi bố/ hoặc mẹ không có ở bên.
Để giúp bé dễ ngủ hơn, bạn cũng đừng ngại sử dụng những quyền trợ giúp như:
Ti giả
Âm thanh trắng - vì trẻ sơ sinh dễ giật mình nên những tiếng động như tiếng quạt khe khẽ, tiếng đồng hồ đều đều có thể giúp pha loãng những âm thanh bên ngoài, chẳng hạn như tiếng cậu anh 3 tuổi chạy huỳnh huỵch;
Treo rèm che ánh sáng, giữ cho căn phòng đủ tối và yên tĩnh;
Chăn quấn bé - cảm giác vừa khít quấn hai cánh tay con lại sẽ tạo cảm giác gần giống như khi con được bế trong vòng tay bố mẹ.
Sau những chuẩn bị kỹ càng trên đây, bước cuối cùng và không kém phần quan trọng đó là bạn nên đặt bé xuống vào lúc nào. Thời điểm đó chính là lúc con bạn buồn ngủ đủ để muốn ngủ, nhưng chưa thiếp đi hẳn, làm như vậy sẽ giúp bé phát triển khả năng tự dỗ cho mình ngủ, tránh cú sốc khi bé tỉnh giấc thấy mình đang ở trong cũi thay vì trong vòng tay bố mẹ, và tự hỏi “tôi là ai, đây là đâu, sao tôi lại ở đây…”
Bạn cũng có thể cần chấp nhận đặt con xuống ngủ ở một vài chỗ khác nhau, chẳng hạn như trong cũi, trong xe đẩy, thậm chí trên chăn trải trên sàn… những địa điểm khác nhau có thể sẽ hiệu quả ở những thời điểm khác nhau, quan trọng là con không chỉ ngủ trên tay bạn! Đó là trừ khi bạn cảm thấy cho con ngủ trong vòng tay mình cũng có sao đâu vì con quá sức dễ thương, vì con sẽ lớn rất nhanh và có thể không chịu cho bạn ôm ấp nữa, hoặc vì lý do nào đi nữa nếu bạn hạnh phúc khi con thích ngủ trong vòng tay mình thì cứ việc thôi.
+ Xem thêm:
ĐÁNH VÀO MÔNG SẼ GÂY ẢNH HƯỞNG ĐẾN TRÍ THÔNG MINH CỦA TRẺ
TƯ THẾ NGỦ CỦA MẸ BẦU TỐT CHO THAI NHI