Ngày nay, một số ông chồng và gia đình chồng thì muốn bà bầu về quê nội sinh con, song tâm lý chung của các mẹ là muốn ở lại thành phố sinh nở rồi đón bà lên trông cháu hoặc về với ông bà ngoại để có cảm giác thoải mái và yên tâm. Vì vậy, việc sinh con ở đâu trở thành tranh cãi và đang khiến không ít cặp vợ chồng trẻ phải điên đầu.
Điên đầu chuyện sinh con ở đâu?
Về quê sinh con hay ở lại thành phố, đang là câu hỏi đặt cho nhiều ông bố, bà mẹ trẻ, nhất là với những cặp vợ chồng sinh con lần đầu. Chuyện về quê sinh con không chỉ khiến nhiều cặp vợ chồng ở quê lên phố sinh sống phải điên đầu mà không ít cô gái thành phố trót lấy chồng quê cũng rơi vào cảnh lao đao.
Vợ chồng chị Sen, anh Tuấn quê Thanh Hóa ra Hà Nội đi làm nhiều năm, từ khi anh chị còn chưa quen nhau. Kết hôn xong, vợ chồng anh chị tiếp tục cảnh thuê nhà trọ ở Thủ đô sinh sống. Từ lúc chị Sen có bầu, hai vợ chồng đã lo tính chuyện sinh con ở đâu thuận tiện nhất. Chị Sen thì muốn sinh ở Hà Nội, vừa gần chồng mà điều kiện chăm sóc cũng tốt hơn, rồi đón bà ngoại lên chăm cho tiện. Nhưng anh Tuấn thì muốn vợ về quê, sinh xong nuôi con cứng cáp rồi mới quay trở lại đi làm. Gần đến ngày sinh, anh chồng vẫn kiên quyết bắt vợ về quê, trong khi đó nói đến về nhà chồng sống, chị Sen lo lắng sẽ xảy ra nhiều va chạm và không thoải mái bên gia đình chồng, nhất là khi không có chồng ở nhà. Thế là hai vợ chồng cãi nhau không thèm nhìn mặt cả tuần nay chỉ vì chuyện sinh con ở đâu.
Còn chị Vũ Thị Dung quê Thái Bình lấy chồng ở Ninh Bình, cả hai vợ chồng đều đang làm việc tại một công ty truyền thông ở Hà Nội. Chị Dung mang bầu còn gần 1 tháng nữa đến ngày sinh, anh chị bàn với nhau nên để chị ở lại Hà Nội sinh cho an toàn hay về quê ngoại cho chị có cảm giác thoải mái. Tuy nhiên, bố mẹ chồng thì một mực bắt chị về quê chồng sinh con cho đỡ tốn kém và cũng tiện cho ông bà chăm sóc đích tôn. “Tiến thoái lưỡng nan” hai vợ chồng đau đầu suy nghĩ làm sao cho “vẹn cả đôi đường”. Sợ về nhà chồng “nằm ổ” chị lấy cớ công ty nơi anh chị làm việc đã đóng bảo hiểm y tế ở bệnh viện trên Hà Nội nên sinh nở cũng không mấy tốn kém mà chuyên môn y bác sĩ cũng yên tâm hơn. Dù không mấy hài lòng nhưng cuối cùng bố mẹ chồng cũng đồng ý ra chăm cháu.
Trường hợp chị Thùy Linh quê Bắc Cạn nghe có vẻ thê thảm hơn, trước khi sinh 1 tháng mẹ chồng liên tục gọi điện giục con dâu về quê. Nhà chồng cách bệnh viện thị xã cũng không xa, nhà lại có dì ruột của chồng làm bác sĩ ở đó. Hơn nữa, chuẩn bị đón cháu nội, gia đình chồng đã sơn sửa nhà cửa xong xuôi. Trái ý mẹ chồng chị kiên quyết sinh con ở Hà Nội, vợ chồng chị phải tự xoay sở không dám thuê người giúp việc, cuối cùng bà nội cũng phải “đầu hàng”, dẹp việc ở nhà ra với cháu . Vì con trai và cháu đích tôn, bà nội vẫn lên chăm cháu nhưng lại không thèm nhìn mặt con dâu nhiều ngày nay, quan hệ mẹ chồng, nàng dâu thường xuyên nảy sinh mâu thuẫn. “Sinh ở quê điều kiện làm sao tốt bằng ở Hà Nội được, mình chỉ muốn tốt cho con thôi. Thêm vào đó, nhà chồng mình ở ngay mặt đường quốc lộ, ô tô, xe tải chạy ầm ầm. Mình là người lớn nhiều hôm đang ngủ còn giật mình thon thót, trẻ con chịu làm sao được. Đó là chưa nói ông bà bận rộn việc buôn bán suốt ngày” – chị Linh phân trần.
Nên về quê sinh con hay ở lại thành phố?
Việc ở đâu sinh con nên linh hoạt theo hoàn cảnh, làm sao để mẹ bầu thấy dễ chịu và thuận lợi nhất, không gây ảnh hưởng đến sức khỏe hai mẹ con, lại không làm mất lòng ông bà nội ngoại.
Chị Thúy quê Hà Giang lấy chồng ở Sơn Tây (Hà Nội), trước lúc sinh, cả nhà chồng Thúy đều muốn chị về quê chồng sinh nở và ở cữ. Tuy nhiên, bố mẹ chồng Thúy làm hàng bán ở chợ nên 9h – 10h tối đã đi ngủ hết để sáng hôm sau 3h dậy sớm làm hàng bán buổi sáng. Ở nhà còn có bà nội năm nay đã gần 90 tuổi, “ông bà làm hàng bận rộn bao nhiêu việc còn chăm cụ nội nữa thì làm sao chăm hai mẹ con mình được? Năn nỉ chồng cùng thuyết phục bố mẹ cho ở lại thành phố để sinh, mẹ chồng vẫn không chấp nhận. Cuối cùng cứ làm liều, hết cữ vợ chồng thuê taxi đưa cháu về với ông bà nội 1 tháng, cháu khỏe mạnh ông bà bỏ qua hết” – Thúy chia sẻ.
Vợ chồng chị Hiền Trang quê Nghệ An đấu tranh quyết liệt cũng không thắng được nhà chồng. Các cụ lấy lý do sợ ở bệnh viện Hà Nội đông đúc, lộn xộn, lo sợ người ta trao nhầm cháu, mà ông bà cũng bận việc không ra trông được, thuê người giúp việc thì không yên tâm. Trang đành lầm lũi theo chồng về quê chờ đến ngày sinh. Trước ngày sinh theo dự kiến 1 tuần, chị bỗng dưng bị đau bụng, gia đình chồng đưa lên trạm xá xã. Sinh xong chị bị băng huyết và mất rất nhiều máu. Nửa đêm gia đình chuyển gấp chị xuống bệnh viện đa khoa tỉnh, cả nhà được phen hú vía.
Những cặp vợ chồng quê ra Hà Nội làm việc sinh sống còn “dở khóc dở cười” chuyện về quê sinh hay ở lại. Một số thiếu nữ Hà Thành lấy chồng quê còn bi thảm hơn, “không về thì nhà chồng bảo khinh thường nhà quê, về thì không quen lại lo điều kiện vật chất không bằng ở Hà Nội”.
Chị Thu Hằng ở Đống Đa là một trường hợp rơi vào hoàn cảnh như vậy. Lấy chồng chồng quê Hà Tĩnh xa xôi, hai vợ chồng cùng công tác ở Hà Nội, hàng năm chị chỉ về nhà chồng 1 lần vào dịp Tết hoặc có công việc gia đình. Anh Hùng, chồng chị lại là con trai độc nên cả nhà mong cháu nội từng ngày. Từ khi có bầu, bố mẹ chồng đã dặn đi dặn lại là về quê sinh nở. Không muốn về quê nhưng cũng không thể phật lòng bố mẹ chồng, chị đành về quê sinh con. Chồng làm việc ở xa nên cũng không mấy khi về thăm hai mẹ con được, “cảnh một mình sống bên gia đình chồng đáng sợ lắm. Không biết chia sẻ với ai, muốn nhờ việc gì cũng không dám gọi, có khi phải tự làm. Mình chỉ mong làm sao nhanh hết thời gian ở cữ để xin ra Hà Nội” – chị Hằng kể lại.
Trên thực tế những lo lắng của các bà mẹ trẻ hay những suy nghĩ của chồng và gia đình chồng cũng đều có lý và có cơ sở. Về quê sinh con thì điều kiện chăm sóc sẽ không tốt bằng ở Hà Nội và tinh thần các bà đẻ cũng sẽ bị ảnh hưởng rất nhiều. Các cụ vẫn nói “chửa cửa mả”, trong lúc sinh không ít trường hợp xảy ra những biến cố. Ở quê cơ sở vật chất không đảm bảo, lúc khẩn cấp “nước xa không cứu được lửa gần”, có chuyển tuyến lên trên cũng mất rất nhiều thời gian. Tâm lý chung của chị em cứ tìm chỗ tốt nhất để đẻ cho an toàn và có chồng ở bên cũng đỡ tủi thân. Tuy nhiên, nếu sinh ở quê cũng có những lợi thế nhất định. Vừa ít tốn kém, không phải mất tiền thuê người, chồng cũng đỡ vất vả lại được người thân chăm sóc chu đáo.