3 tuổi, con vẫn còn bé bỏng lắm, nhưng con cũng đã bắt đầu có ý thức tự lập hơn. Mẹ đừng cố gắng làm mọi việc thay con nữa mà hãy tranh thủ sự tự lập này để hướng dẫn, khuyến khích bé tự làm những việc nhỏ vừa với khả năng nhé, để tránh sau này phải thở vắn than dài những câu kiểu như “Sao con tôi khờ quá! Sao con tôi bám mẹ quá! Sao con tôi chẳng biết làm gì hết cả thế này!”
Ở tuổi này, con bạn đã có đủ khả năng để:
Biết tự múc ăn
Tùy theo khả năng của mỗi đứa trẻ mà bé có thể dùng muỗng gọn gàng hoặc vẫn còn vương vãi nhiều, dù thế nào thì bạn cũng hãy xác định: đã đến lúc con cần tự múc ăn. Việc làm này không chỉ nhàn mẹ mà còn giúp bé tự chủ, tự tin, nuôi dưỡng niềm yêu thích với việc ăn uống. Và để việc này diễn ra dễ dàng, bạn hãy chuẩn bị cho con một bộ bát đĩa nhựa có hình thù và màu sắc mà con thích, nhỏ vừa tay của bé, thức ăn của con cũng cần được cắt miếng vừa ăn, dễ múc.
Tuy nhiên, cũng hãy nhớ rằng dù sao con cũng vẫn còn nhỏ, bạn không cần phải quá nghiêm khắc làm gì, thỉnh thoảng khi con nhõng nhẽo thì bạn cũng có thể múc cho bé một muỗng rồi nói nhẹ nhàng để bé tiếp tục tự ăn.
Biết tự dọn đồ chơi
Bạn hãy tập cho con từ sớm ý thức thứ gì mình bày ra thì cần tự dọn lại, nếu không thì trẻ con tuổi này sẽ bày đồ chơi ra suốt ngày và bạn sẽ suốt ngày phải hết cả hơi để bảo đảm nhà cửa gọn gàng. Mặc dù vậy, bạn cũng luôn cần nhớ là: đừng hỏi hỏi con phải dọn được hiệu quả như mẹ! Với khả năng tập trung ở độ tuổi này, bé chỉ có thể dọn được một phần “bãi chiến trường” mà mình gây ra thôi, và cần được mẹ giúp đỡ phần còn lại.
Và để việc này dễ dàng hơn, bạn hãy chuẩn bị những thùng đựng có màu sắc khác nhau và đặt ở vị trí thuận lời để con dễ nắm được cách phân loại và dọn dẹp nhé! Dần dà, từ việc dọn đồ chơi của chính mình, con bạn sẽ bắt đầu có thể tham gia nhiều hơn vào các công việc gia đình và trở thành trợ thủ rất đắc lực của mẹ đấy, chỉ cần mẹ đưa ra cho bé những yêu cầu đơn giản thôi.
Biết nghe và làm theo hướng dẫn, biết lựa chọn
Nếu bạn muốn con hợp tác thì thay vì đưa ra yêu cầu mang tính áp đặt hoặc quá mềm mỏng năn nỉ, hãy nhờ bé một cách nhẹ nhàng nhưng cương quyết. Chẳng hạn bạn hãy nói “Con nhặt đồ chơi lên nhé!” thay vì “Con nhặt đồ chơi lên được không?” vì tuổi lên 3 rất thích nói “không”. Sau khi con làm xong việc, bạn hãy nhớ cám ơn và khen con làm tốt.
Bắt đầu tập tự mặc đồ
Đây có thể là một nhiệm vụ căng thẳng với mẹ không kém gì với con, khi phải nhìn bé chật vật lâu ơi là lâu mãi không xong việc mà bạn có thể làm trong tích tắc. Tuy nhiên bây giờ đã đến lúc để con bạn tập làm việc này, vì thật sự là bé đã có thể. Vậy nên khi con đòi “Để con! Cho con!” bạn hãy cho bé được tự vật lộn xỏ chiếc tất vào chân, hoặc xỏ (cả 2 chân) vào ống quần, hãy sẵn sàng để giúp đỡ nhưng cũng hãy thật kiên nhẫn với con.
Các chuyên gia đều đồng ý rằng để việc tập ngồi bô và bỏ tã thành công, bạn đừng nóng vội cho con tập quá sớm. Hãy chờ đến khi con đồng ý, sẵn sàng và thể hiện sự quan tâm. Hãy bắt đầu bằng việc cho con ngồi bô vào cùng thời điểm mỗi ngày để tạo thói quen; sau khoảng vài tuần như vậy, nếu bé tỏ ra khó chịu hoặc những “sự cố” vẫn xảy ra thường xuyên, bạn hãy cho bé nghỉ khoảng 1 tháng trước khi tiếp tục trở lại.
Biết kết bạn và chơi chung với bạn
Trước thường chỉ chơi một mình hoặc chơi với bố mẹ, trẻ con 3 tuổi giờ đây đã sẵn sàng với việc chơi bên cạnh với những người bạn cùng lứa, với sự giúp đỡ của người lớn. Cách chơi này giúp bé tăng khả năng giao tiếp, và tuy bé vẫn chưa giỏi trong việc chia sẻ nhưng sẽ dần dần nhận biết được cảm xúc của người khác thay vì chỉ của mình.
+ Xem thêm:
23 KỸ NĂNG SINH TỒN CẦN DẠY CON CÀNG SỚM CÀNG TỐT
NHỮNG KỸ NĂNG MẸ NÊN DẠY BÉ 3 TUỔI TỰ LÀM