Những Thực Phẩm Không An Toàn Khi Cho Con Ăn Dặm

  7936

Các bác sỹ nhi khoa khuyên bạn không cho con ăn dặm cho đến khi bé được 6 tháng tuổi, và nên lưu ý một số thực phẩm không an toàn cho con sau đây

Khi đến thời điểm tập ăn dặm, con bạn có thể sẽ háo hức hóng những món ăn từ bát đĩa của bố mẹ, và ngược lại, bạn cũng sẽ háo hức muốn giới thiệu cho con những của ngon vật lạ trên đời.

Nhưng hãy cẩn thận nhé, không phải thứ nào rất tuyệt cho người lớn cũng tốt và an toàn cho bé đâu!

Lưu ý: Hầu hết các bác sỹ nhi khoa khuyên bạn không cho con ăn dặm cho đến khi bé được 6 tháng tuổi, hoặc ít nhất là 4 tháng tuổi. Trong giai đoạn từ mới sinh cho đến lúc này, hãy chỉ cho bé bú sữa mẹ hoặc sữa công thức.

Rồi đến khi cho con ăn dặm, bạn hãy lưu ý những loại thực phẩm dưới đây:

- Sữa bò và sữa đậu nành có chứa những protein quá sức với hệ tiêu hóa của con, chúng không có đủ dưỡng chất mà con cần - chẳng hạn như chất sắt, kẽm, vitamin C, E… trong khi lại chứa những lượng khoáng chất có thể làm hại thận của con. Cho trẻ con uống sữa tươi (sữa bò) quá sớm có thể bị những vấn đề tiêu hóa.


- Nhiều người mẹ không cho con ăn cá vì sợ rằng mình nhặt xương không kỹ, có thể còn sót lại, gây nguy hiểm cho con. Nhưng ngoài ra, có một lý do khác nữa mà bạn cần cẩn thận đó là có những loài cá và hải sản nói chung, đặc biệt là những loại có vỏ như tôm, cua, sò điệp, có thể gây dị ứng. Đặc biệt nếu trong gia đình bạn có truyền thống dị ứng thì hãy tránh cá cho đến khi bé được ít nhất là 2 tuổi, hệ miễn dịch đã mạnh hơn một chút.

Và có lẽ ít người làm việc này nhưng cẩn thận không thừa: bạn đừng cho con ăn các loại cá lớn như cá kiếm, cá mập, cá kình, cá thu - là những loại cá có lượng thủy ngân cao mà ngay cả người lớn cũng không nên ăn nhiều.

- Có nhiều lợi ích từ việc ăn rau quả tươi sống, nhưng hãy cân nhắc thật kỹ trước khi đưa chúng cho em bé của mình. Nhiều loại rau tươi sống khá cứng nên các bé sẽ không thể nhai được; những miếng trái cây hoặc thịt lớn (to hơn một hạt đậu) cũng là nguy cơ lớn. Tốt nhất, bạn hãy cắt nhỏ thực phẩm cho con, đặc biệt nếu nó có hình tròn vì những thứ tròn tròn rất dễ chui tọt vào miệng, vào họng bé và nếu kích thước lớn sẽ gây nguy hiểm cho bé.

- Những loại thực phẩm mềm, dính, quánh, chẳng hạn như kẹo dẻo, thạch jelly, bơ đậu phộng có thể trôi tọt và dính trong họng của bé. Những loại thực phẩm nhỏ và cứng, chẳng hạn như kẹo cứng, bắp rang, các loại hạt cũng vậy, có thể dễ khiến bé bị hóc.


- Nói riêng về các loại hạt, có nhiều lý do cho việc bạn nên trì hoãn giới thiệu chúng cho con mình. Đầu tiên: loại thực phẩm này dễ gây hóc cho trẻ con dưới 4 tuổi; thậm chí các loại bơ làm từ hạt (như bơ đậu phộng) cũng có thể gây nguy hiểm cho trẻ nhỏ vì kết cấu đặc quánh của chúng. Thậm chí những loại hạt rất nhỏ không gây hóc nghẹn được thì cũng có thể bị mắc kẹt ở đường thở của bé và gây nhiễm trùng. Không chỉ vậy, các loại hạt còn là một trong những tác nhân gây dị ứng phổ biến, nên nếu trong gia đình bạn hoặc chồng có bất kỳ ai bị dị ứng đậu phộng hay đậu nành chẳng hạn, hãy trao đổi với bác sỹ của con trước khi cho bé sử dụng bất kỳ loại thực phẩm nào có dính dáng đến chúng.

- Bất kỳ thứ gì có chứa caffeine, bao gồm cả soda hoặc trà đá. Caffeine chẳng đem lại cho chúng ta bất kỳ loại vitamin hay dưỡng chất nào, cũng chẳng phải là người bạn tốt của một chế độ sống lành mạnh. Với người lớn đã vậy thì với trẻ nhỏ lại càng không nên, chất caffeine rất dễ khiến bé bị đau bụng, buồn nôn, khiến bé trở nên khó chịu và khó ngủ.

- Thân thiện hơn những thức uống chứa caffeine đó là nước trái cây, tuy nhiên hãy lưu ý rằng nếu uống quá nhiều thì con bạn có thể bị tiêu chảy.

- Mật ong rất bổ dưỡng, cung cấp cho chúng ta nhiều vitamin và dưỡng chất thiết yếu, giúp cải thiện tình hình sức khỏe… Nhưng những điều đó chỉ đúng với những người trên 1 tuổi vì trong mật ong có thể chứa bào tử vi khuẩn Clostridium botulinum, khiến trẻ sơ sinh bị ngộ độc, thậm chí có thể gây tử vong.


- Không chỉ vậy, nhiều người còn nói rằng trứng cũng là loại thực phẩm bạn chưa nên cho bé dùng lúc này bởi cho rằng trứng, cụ thể là lòng trắng trứng có thể gây đau bụng, eczema, dị ứng và các vấn đề tiêu hóa khác cho trẻ dưới 12 tháng tuổi. Nếu con bị dị ứng với trứng, bé có thể có những dấu hiệu như nổi mẩn, đỏ, tim đập nhanh, khó thở sau khi ăn các loại thực phẩm có trứng; cách duy nhất để biết liệu có phải thật sự con bị dị ứng trứng hay không là đưa bé đến bác sỹ hoặc bác sỹ chuyên về lĩnh vực này.

Trước khi cho con tập ăn dặm, tốt nhất bạn hãy trao đổi với bác sỹ nhi, họ sẽ cho bạn biết khi nào nên cho bé thử những loại thực ăn mới, và nên tránh những loại nào.

+ Xem thêm:

BỆNH DỄ MẮC PHẢI KHI CHO CON ĂN DẶM SỚM

TRÁI BƠ - SIÊU PHẨM SỐ 1 CHO BÉ ĂN DẶM


Nguồn bài viết: wtt
Chia sẻ cảm nghĩ của bạn về bài viết này: