Những Thói Quen Xấu Nhưng Lại Tốt Cho Con

  4554

Thái độ bướng bỉnh, hay ăn vạ của trẻ chứng tỏ trẻ có nhu cầu thể hiện chính kiến của bản thân, muốn khẳng định tiếng nói của riêng mình.

Ăn vạ, bày bừa, vung vãi đồ ăn... hóa ra lại rất tốt cho sự phát triển của trẻ nhỏ.

Hãy đến với chuyên mục Làm Mẹ để hiểu hơn về Mẹ Và Bé, bí quyết Chăm Sóc Trẻ Sơ Sinh, cách Đặt Tên Cho Con. Chia sẻ những điều cần biết khi trẻ Ăn Dặm, hay những câu Truyện Cổ Tích hay cho bé.

Đối với các bé từ 1-3 tuổi, có những thói quen bố mẹ cho là “xấu” nhưng thực chất lại mang đến lợi ích bất ngờ cho sự phát triển của bé. Đừng vội “sôi máu” và cáu giận khi con có những hành động dưới đây và điều quan trọng nhất là cha mẹ cần có cách xử lí phù hợp trong từng tình huống:

Bướng bỉnh, hay ăn vạ

Mẹ không đếm được hết đã bao nhiêu lần bé yêu ngang bướng, nhăn mặt, nhất quyết không chịu nghe lời mẹ? Đây thực sự là một điều bình thường và tự nhiên. Một đứa trẻ lúc nào cũng nhất nhất phục tùng mệnh lệnh của bố mẹ sẽ thiếu cá tính và khó độc lập, tự tin, mạnh dạn trong cuộc sống hơn so với trẻ có nhu cầu thể hiện chính kiến của bản thân, muốn khẳng định tiếng nói của riêng mình. Điều quan trọng ở đây là mẹ cần có cách phản ứng lại cho phù hợp.

 Thái độ bướng bỉnh, hay ăn vạ của trẻ chứng tỏ trẻ có nhu cầu thể hiện chính kiến của bản thân, muốn khẳng định tiếng nói của riêng mình. (Ảnh minh họa)

Mặc dù khuôn mặt và thái độ bướng bỉnh của trẻ có thể khiến mẹ nhiều khi phải tức giận, đừng quát nạt, bắt ép trẻ phải làm theo ý mình. Hãy kiên nhẫn giải thích lí do vì sao trẻ cần làm vậy và hướng dẫn trẻ cách làm.

Nghịch ngợm thức ăn

Với bố mẹ nào đang có con nhỏ từ 1-3 tuổi, việc dọn dẹp “bãi chiến trường” sau khi con ăn xong, nhìn gương mặt nhoe nhoét thức ăn của con khiến nhiều bố mẹ cảm thấy ngao ngán. Tuy nhiên, nhiều nghiên cứu khoa học đã chỉ ra rằng nghịch thức ăn giúp trẻ ghi nhớ, phân biệt các món ăn dễ dàng hơn. Để con trong tâm trạng thoải mái chơi đùa còn giúp bé học cách cảm nhận, hương vị, hình dạng của những món ăn phong phú, đa dạng khác nhau. Vì thế, không nên bực bội khi thấy con nghịch thức ăn mà hãy tạo cho con những giờ ăn thoải mái, giúp con khám phá.

Hay thắc mắc

Bậc làm cha làm mẹ nào cũng có những giây phút phải “phát điên” trước hàng núi câu hỏi “Tại sao, tại sao...” của con trẻ. Mới đầu những câu hỏi ngô nghê có thể khiến các phụ huynh cảm thấy thú vị và dễ thương nhưng càng về sau, tính tò mò của trẻ có thể khiến cha mẹ nhức đầu, khó chịu.

Tuy nhiên, đừng vì thế mà nạt nộ, bắt trẻ dừng lại việc đặt ra câu hỏi hay phớt lờ không giải đáp con. Trẻ có nhiều thắc mắc chứng tỏ là đang rất háo hức được tìm hiểu về thế giới xung quanh và đây cũng một trong những dấu hiệu thể hiện sự thông minh của trẻ.

Hiếu động, nghịch ngợm

 Hiếu động, hay nghịch ngợm là dấu hiệu đáng mừng của một em bé ưa khám phá, phát triển tốt cả về thể chất lẫn tinh thần. (Ảnh minh họa)

Đừng vội la hét, quát mắng khi thấy con mải mê nghịch đất cát, dầm mưa hay leo trèo, chạy nhảy luôn chân luôn tay. Đây là cách trẻ học hỏi nhiều điều mới lạ và tăng cường vận động. Mặc dù việc trông chừng những em bé không bao giờ chịu ngồi yên một chỗ rất mệt mỏi nhưng đó là dấu hiệu đáng mừng của một em bé ưa khám phá, phát triển tốt cả về thể chất lẫn tinh thần.

Sợ sệt

Bố mẹ không nên phàn nàn khi thấy con hay tỏ ra sợ hãi. Thể hiện nỗi sợ là tín hiệu tốt cho thấy trẻ nhận thức được những nguy cơ, những điều nguy hiểm có thể xảy ra để phòng tránh. Việc cần làm của bố mẹ là hiểu rõ con đang sợ cái gì và để cho con biết sợ hãi là phản ứng bình thường của con người. Chẳng hạn như nếu trẻ sợ sấm sét, đây là điều đáng mừng vì trẻ sẽ không tự tiện chạy nhảy ra ngoài trời lúc có sấm sét, tránh gặp rủi ro. Lúc này, bố mẹ cần giải thích cho con biết sấm sét là hiện tượng bình thường của tự nhiên và chỉ cần ở nơi an toàn trong nhà, không ra ngoài trời thì không có gì phải sợ cả.

+ Xem thêm:

NHỮNG THÓI QUEN MẸ CẦN RÈN ĐỂ CON KHÔNG BAO GIỜ BỆNH

10 THÓI QUEN GÂY NGUY HIỂM CHO CON HẦU NHƯ MẸ NÀO CŨNG MẮC PHẢI


Nguồn bài viết: eva
Chia sẻ cảm nghĩ của bạn về bài viết này: