Những Sai Lầm Khi Nấu Cháo Mẹ Tưởng Tốt Hoá Ra Hại Con

  206664

Nhiều mẹ có suy nghĩ rằng khi cho dầu ăn vào cháo sẽ khiến bé bị đau bụng, hay khiến bé không thể nào hấp thụ được dưỡng chất.

Nhiều thói quen sai lầm khi nấu cháo cho trẻ ăn dặm khiến cháo mất chất, con chậm lớn

Nhiều mẹ khi nấu cháo cho bé có tư tưởng nêm nếm mắm muối cho  “vừa miệng….mẹ" rồi nghĩ rằng ăn như vậy trẻ mới cảm thấy ngon, mới ăn được nhiều. Nhưng thực tế, đây là một sai lầm cực kỳ nghiêm trọng.

Theo trang SH của Trung Quốc đưa tin, một em bé mới 8 tháng tuổi ở nước này đã sớm gặp phải các vấn đề về thận, đe doạ sức khoẻ nghiêm trọng đến mức phải nhập viện cấp cứu, tất cả chỉ vì thói quen nấu cháo sai lầm của mẹ.

Lý do dẫn em bé sơ sinh này đến tình cảnh đau lòng như vậy là bởi mẹ của em bé khi nấu cháo cho con thường xuyên nêm nếm rất nhiều muối. Chế độ ăn này kéo dài liên tục nhiều tháng đã tạo gánh nặng cho thận của bé. Trẻ sơ sinh các cơ quan nội tạng chưa phát triển đủ, việc ăn muối quá mức đã khiến thận của bé bị quá tải, dẫn đến cả rối loạn chức năng tim.

Các bác sĩ cho biết, trẻ sơ sinh ăn muối khiến bé dễ bị đau bụng và khó chịu ở dạ dày. Tình trạng kéo dài, rất dễ khiến con bị biếng ăn, thậm chí suy dinh dưỡng do bé không hấp thụ được. “Trẻ sơ sinh dưới 12 tháng tuổi chỉ nên ăn thức ăn đơn giản, không bổ sung thêm gia vị. Tất cả những thực phẩm chế biến tươi, không cần nêm gia vị đã chứa đủ các chất dinh dưỡng bé cần”, bác sĩ của trang SH chia sẻ.

Ngoài việc nêm nếm quá nhiều muối và gia vị nói chung vào cháo cho trẻ, cha mẹ cũng nên lưu ý một số lỗi sai khi nấu cháo sau có thể khiến bé không tăng cân, chậm lớn:

Cho thêm ngũ cốc vào cháo

Khi cho bé ăn dặm, nhiều mẹ có tư tưởng bỏ thêm thật nhiều thành phần, đặc biệt là ngũ cốc vào cháo và bột để nấu cho con.

Tuy nhiên, đây lại là điều sai lầm bởi mặc dù ngũ cốc khá giàu chất dinh dưỡng nhưng gần như lại không hoàn toàn phù hợp với hệ tiêu hóa còn khá non yếu của con (đặc biệt là với các bé dưới 1 tuổi). Vì những thực phẩm này sẽ khiến con bị khó tiêu hóa, có cảm giác lưng lửng dạ và lâu dần sẽ gây ra hiện tượng biếng ăn ở trẻ.

Đập thêm trứng vào cháo cho bé

Nhiều chị em khi nấu cháo cho trẻ thường thích đập một quả trứng sống vào bát cháo rồi trộn đều lên cho bé ăn với suy nghĩ làm như vậy sẽ khiến bát cháo thêm thơm ngon bổ dưỡng. Tuy nhiên nếu đập trứng sống vào cháo nóng, dù nhiệt độ cháo còn cao thì vi khuẩn còn sót lại trên vỏ trứng vẫn không thể bị tiêu diệt.

Cách nấu tốt nhất là mẹ nên đập trứng vào nồi cháo và quấy đều, đun sôi một lần nữa rồi mới múc ra cho con ăn.

Vo gạo quá kỹ dẫn đến mất vitamin B1

Vitamin B1 hay còn gọi là thiamin rất quan trọng đối với trẻ nhỏ. B1 có vai trò chuyển hóa Gluxit giúp kích thích ăn. Do đó ở trẻ nhỏ, thiếu vitamin B1 sẽ gây ra hiện tượng đặc trưng nhất là mất cảm giác ngon miệng, biếng ăn và táo bón – điều rất nhiều bà mẹ lo sợ. Nếu thiếu nặng có thể dẫn tới phù ở chân, teo cơ, rối loạn tinh thần, hôn mê, suy tim. Trẻ đang trong thời kỳ bú sữa mẹ có thể bị tử vong đột ngột do suy tim nếu người mẹ bị thiếu vitamin B1.  

Vì Vitamin B1 rất dễ bị hòa tan trong nước và tiêu biến ở nhiệt (nhất là với B1 có trong đậu xanh), mẹ cần có những chú ý đặc biệt trong chế biến thức ăn, đặc biệt là trong cách nấu cháo cho trẻ ăn dặm để không làm hao hụt vitamin B1.

Để khẩu phần ăn có đủ vitamin B1, cần chú ý không nên xay xát gạo quá kỹ vì các vitamin nhóm B có nhiều ở lớp vỏ ngoài ngay sát hạt gạo. Cứ 100 gr gạo tẻ giã có 0,12 mg vitamin B1; 100 gr gạo tẻ máy vừa phải có 0,1 mg vitamin B. 

Trước khi nấu cháo cho bé, không nên vo gạo quá kỹ làm mất lớp cám gạo chứa nhiều vitamin B1. Thực hiện đúng nghĩa rửa gạo: tức là cho gạo vào xoong, nồi… khuấy nhẹ tay, gạn nước nhằm loại trừ trấu, sạn. Khi nấu cháo cho bé chỉ cho nước vừa đủ, không cho nhiều để phải chắt bỏ nước cơm làm mất vitamin B1 (có thể mất tới 60%). 

Nấu cháo cho bé ăn cả ngày

Vì việc nấu cháo mất khá nhiều thời gian, nên nhiều mẹ thường “tiện thể” nấu cho con 1 nồi cháo to  để ăn cả ngày cho đỡ mất công.

Tuy nhiên, mẹ nên biết rằng ở điều kiện nhiệt độ bình thường, cháo chỉ có thể để trong vòng 2 giờ đồng hồ là đã bắt đầu có dấu hiệu ôi thiu. Còn bảo quản ở ngăn mát tủ lạnh, các vi sinh vật gây ôi thiu trong thịt sẽ tồn tại ở dạng bào tử để chờ đợi cơ hội phát triển lại, nên trước khi cho con ăn, mẹ nên đun sôi lại cháo để tiêu diệt những bào tử này.

Vì vậy, để tiết kiệm thời gian, mẹ có thể nấu trước 1 nồi cháo trắng, và khi cho con ăn, múc một phần cháo đó nấu cùng các loại rau thịt để tránh hiện tượng mất chất và an toàn cho bé.

Kiêng dầu ăn cho bé

Nhiều mẹ có suy nghĩ rằng khi cho dầu ăn vào cháo sẽ khiến bé bị đau bụng, hay khiến bé không thể nào hấp thụ được dưỡng chất. Những điều này là hoàn toàn sai lầm, bởi dầu ăn sẽ giúp cho con yêu hấp thụ được nhiều chất dinh dưỡng khác trong thức ăn hàng ngày. 

Bên cạnh đó, dầu ăn cũng được xếp vào trong nhóm thực phẩm cung cấp chất béo cho cơ thể, cùng với những thực phẩm giàu chất béo khác như là mỡ thực vật, bơ…. 

Chính vì vậy, các mẹ nên cho vào trong khẩu phần cháo của con yêu từ 1 đến 2 thìa dầu ăn (bao gồm cả dầu thực vật, mỡ và dầu cá…). Tuy nhiên, mẹ nên cho dầu ăn vào khi cháo sắp chín. Không nên cho dầu ăn vào cháo ngay từ khi bắt đầu nấu.

+ Xem thêmn:

NẤU CHÁO BẰNG NƯỚC HẦM XƯƠNG CON CHẬM PHÁT TRIỂN

MÁCH MẸ CÁCH NẤU CHÁO CÁ LÓC CỰC NGON CHO BÉ BIẾNG ĂN


Nguồn bài viết: eva
Chia sẻ cảm nghĩ của bạn về bài viết này: