Những Sai Lầm Của Bố Mẹ Khiến Bé Chậm Nói

  6895

Dưới đây là một số sai lầm bạn hay mắc phải khiến việc phát triển ngôn ngữ của con gặp khó khăn, làm con chậm biết nói:

Bậc làm cha mẹ thường có những thói quen tường chừng vô hại nhưng trên thực tế lại có tác động tiêu cực không ngờ tới khả năng phát triển ngôn ngữ của bé.


Nhiều bậc phụ huynh có suy nghĩ đơn giản rằng "nói" là bản năng tự nhiên của con người, bé đến tuổi sẽ tự động học được cách nói mà không ngờ, khả năng trẻ nói sớm hay muộn phụ thuộc một phần rất lớn vào cách nuôi dạy của chính họ. Dưới đây là một số sai lầm bạn hay mắc phải khiến việc phát triển ngôn ngữ của con gặp khó khăn, làm con chậm biết nói:

Cho bé xem TV, điện thoại thông minh không giới hạn

Một số nghiên cứu khoa học đã kết luận rằng có một mối quan hệ mật thiết giữa việc bé tiếp xúc với màn hình và sự phát triển về mặt ngôn ngữ của con. Bé càng dành nhiều thời gian để xem TV, điện thoại thì càng chậm biết nói. Tại sao lại như vậy?

2 năm đầu đời của bé là khoảng thời gian cực kì quan trọng cho não bộ phát triển. Tiếp xúc với màn hình công nghệ quá nhiều sẽ “cướp” mất khoảng thời gian dành cho việc khám phá, tương tác, tiếp xúc với những người xung quanh con – khoảng thời gian thực sự cần thiết để bé phát triển về mặt tư duy, tình cảm.

Cần nhớ rằng, khi bé cười với những chương trình trên TV, điện thoại, máy tính bảng,..., những đồ vật này không thể cười lại với con. Cái con đang cần là sự tương tác qua lại, cần có người hồi đáp, trả lời trẻ, cần nghe giọng nói thật từ những người xung quanh để bắt chước theo và có người sửa sai cho trẻ. Để bé “chìm đắm” trong thế giới màn ảnh nhỏ là bạn đã vô tình làm chậm lại quá trình phát triển ngôn ngữ tự nhiên của con.

Lười nói chuyện với con

Nhiều bậc phụ huynh không có thói quen “tám” chuyện với bé yêu của mình vì nghĩ con chưa hiểu gì, có nói cũng bằng... vô ích mà quên mất rằng, chính việc thường xuyên nói chuyện với bé từ giai đoạn sơ sinh mới kích thích con nhanh biết nói. Dù bé không thể hiểu được những từ bạn đang nói, dù bé chưa nói được câu nào hoặc mới chỉ bập bẹ, ê a vài từ thì bạn cũng cần trò chuyện hàng ngày với bé. Chỉ cần nói những câu rất bình thường, kể lể lại những chuyện bạn gặp thường ngày,... cũng giúp trẻ phát triển khả năng ngôn ngữ, tăng vốn từ vựng.

Không đáp lại lời con

Không chỉ có việc chủ động nói chuyện với bé mới giúp con phát triển khả năng ngôn ngữ mà cách bạn đáp lời với trẻ cũng đóng vai trò cực kì quan trọng. Mỗi khi con có điều gì cần nói với bạn, dù chỉ là bập bẹ những từ vô nghĩa, bạn không được bỏ qua mà cần nhìn thẳng vào mắt con, thể hiện biểu cảm rõ ràng trên khuôn mặt và trả lời con nhiệt tình.

Ít cho con ra ngoài găp gỡ với mọi người

Trẻ được đặt trong môi trường có nhiều người, đặc biệt là có nhiều bạn bè đồng trang lứa, con sẽ tự khắc nảy sinh nhu cầu muốn được giao tiếp, muốn nói thành lời. Thường xuyên để bé trong nhà, ở môi trường tĩnh lặng, không có sự tương tác giữa người với người thì không những bé chậm biết nói mà sự phát triển về mặt tư duy, tình cảm của con cũng bị cản trở. Do đó, các bậc cha mẹ cần tránh tình trạng bảo bọc bé trong 4 bức tường suốt cả ngày hay để điện thoại thông minh, máy tính bảng, tivi,... thay thế vai trò “bảo mẫu” cho bé.

+ Xem thêm:

LỊCH PHÁT TRIỂN KỸ NĂNG NÓI CỦA BÉ TỪ 0-8 TUỔI

DẠY CON NÓI LỜI XIN LỖI 


Nguồn bài viết: sưu tầm
Chia sẻ cảm nghĩ của bạn về bài viết này: