Những Rủi Ro Khi Mang Thai Mẹ Bầu Cần Lưu Ý

  3622

Các rủi ro về sức khỏe này có thể ảnh hưởng đến mẹ và bé, thậm chí có thể đe dọa đến tính mạng. Dưới đây là những nguy cơ mẹ thường phải đối mặt khi bắt đầu có em bé:

Mang thai là thời kỳ mẹ bầu có nhiều biến chuyển về cơ thể nhất. Đây cũng là khoảng thời gian mẹ dễ gặp các vấn đề rủi ro về sức khỏe nhiều nhất. Một số các rủi ro mẹ có thể phòng tránh được, nhưng một số rủi ro mẹ không may đành phải chấp nhận. Các rủi ro về sức khỏe này có thể ảnh hưởng đến mẹ và bé, thậm chí có thể đe dọa đến tính mạng.

Dưới đây là những nguy cơ mẹ thường phải đối mặt khi bắt đầu có em bé:

1. Thai ngoài tử cung (CNTC):


Đây là rủi ro sớm nhất mà mẹ có thể bị. Nếu phôi thai sau khi được hình thành không di chuyển theo vòi tử cung vào buồng tử cung để làm tổ bình thường thì mẹ bầu sẽ bị chửa ngoài tử cung. Lúc này phôi thai mắc kẹt ở bên ngoài. 

Nguyên nhân gây ra CNTC là do mẹ bị viêm nhiễm phụ khoa, lạc niêm mạc tử cung, bị khối u buồng trứng hoặc có khối u ở vùng tiểu khung gây chèn ép lên vòi tử cung và làm chúng thay đổi vị trí. Mẹ đã từng phẫu thuật vùng chậu hay mổ lấy thai gây viêm dính… cũng khiến dẫn đến CNTC.

Khi bị CNTC mẹ có thể bị chảy máu âm đạo, đau bụng âm ỉ. Trường hợp nguy hiểm có thể vỡ gây ngập máu ổ bụng, có thể dẫn đến tử vong. Thường khi mắc phải triệu chứng này, mẹ bầu buộc phải bỏ em bé để giữ gìn sức khỏe cho mẹ.

2. Sẩy thai:

Sẩy thai có thể xảy ra vào bất cứ giai đoạn nào của thai kỳ. Thai bị sẩy có thể bị đẩy ra ngoài hoặc chết lưu ở bên trong. Nguyên nhân gây sẩy thai đa dạng, có thể do thể chất của mẹ, cũng có thể do tác động từ bên ngoài như va chạm mạnh, thức ăn đồ uống không phù hợp. 

Thường tuổi càng cao, tỷ lệ sẩy thai ở mẹ bầu cũng lớn hơn.

Khi bị sẩy thai mẹ sẽ bị chảy máu, dẫn đến mất máu. Thai nhi càng lớn mẹ càng mất nhiều máu nhé. Nếu thai nhi bị sẩy mà không được xử lý kịp thời có thể gây ra nhiễm trùng tử cung và cả phần phụ do bị sót nhau.

3. Đẻ non:


Đẻ non là khi mẹ sinh em bé khi mới 29 đến 37 tuần. Có khoảng 10% các bà mẹ sinh non. Phần lớn các trường hợp đẻ non không xác định được nguyên nhân. Một số các trường hợp đẻ non khác là do mang đa thai, tử cung dị dạng, sức khỏe mẹ bầu không tốt bị thiếu máu, suy thận, tiền sản giật hoặc căng thẳng thần kinh. Ô nhiễm môi trường và nguồn nước ô nhiễm cũng khiến cho mẹ có thể sinh non.

Trẻ sinh non thường nhẹ cân, suy hô hấp, dễ mắc các chứng vàng da, thị lực bị ảnh hưởng.

4. Huyết áp cao

Sau tuần 20 của thai kỳ mẹ có thể bị huyết áp cao. Đây là dấu hiệu của bệnh tiền sản giật và nhiễm độc thai nghén. Cao huyết áp xảy ra thường do mẹ bầu lớn tuổi, có tiền sử cao huyết áp trong gia đình, chế độ dinh dưỡng không hợp lý, mang đa thai hay có nước ối quá nhiều. Mẹ bầu bị mắc một số bệnh như viêm thận mãn tính hay tiểu đường cũng dễ cao huyết áp.

Các triệu chứng của bệnh như đau dạ dày, mờ mắt… Thường nếu tình trạng không kiểm soát được bác sĩ sẽ chỉ định mẹ bầu sinh sớm khi đã qua tuần 37 để đảm an toàn khỏe cho mẹ và bé.

5. Tiểu đường thai kỳ

Nội tiết tố thay đổi hay khẩu vị bỗng dưng thèm đồ ngọt của mẹ bầu khiến cho mẹ bị mắc chứng tiểu đường trong thai kỳ. Tiểu đường thai kỳ khiến cho bé phát phì trong bụng mẹ. Nguy hiểm hơn cả là nó dễ sinh ra các biến chứng khi mẹ sinh nở. Mẹ có thể phải sinh mổ do em bé quá lớn.

6. Tiền sản giật

Không phải mẹ bầu nào cũng bị tiền sản giật. Nhưng tiền sản giật là một triệu chứng nguy hiểm trong thai kỳ. Nó khiến cho mẹ bầu bị tổn hại đến tim, phổi, sưng phù toàn thân, xuất huyết não. Chứng này cũng khiến cho thai nhi chậm tăng trưởng. Tiền sản giật đe dọa đến tính mạng của cả mẹ và bé. Thường mẹ bầu bị béo phì, tiểu đường, cao huyết áp, hay có tiền sử người trong nhà bị tiền sản giật thì dễ mắc chứng này.

Các triệu chứng tiền sản giật như mẹ cảm thấy đau đầu thường, chân tay phù nề, tăng cân bất thường như tăng 2 kg/ngày, mắt mờ và cảm thấy như bị cúm dù không có các biểu hiện của bệnh như đau họng hay sổ mũi.

7. Nôn ói nặng

Nôn ói trong thai kỳ là bình thường thế nhưng một số mẹ bầu lại nôn ói nặng nề. Triệu chứng nặng đến nổi mẹ không thể nào ăn được bất cứ thực phẩm nào do cơ thể không chịu dung nạp. Điều này khiến cho mẹ rơi vào tình trạng mất nước hoặc thiếu chất dinh dưỡng trầm trọng. Lúc này cả mẹ và bé đều gặp nguy hiểm. Mẹ bầu nên đến khám bác sĩ để được hỗ trợ vượt qua giai đoạn bất thường này nhé.

8. Các tai biến trong quá trình sinh:

Trong khi chuyển dạ cũng có nhiều rủi ro mẹ mà bầu phải đối mặt. Không phải mẹ bầu nào cũng có cuộc chuyển dạ suông sẻ và thấy mặt con nhanh chóng. 

Mẹ có thể bị tử vong do các biến chứng tiền sản giật, tắc mạch ối, nhiễm khuẩn. Mẹ cũng có thể bị chảy máu sau đẻ do đường sinh dục ( tử cung, âm đạo, âm hộ, bàng quang, trực tràng…) bị tổn thương khi mẹ sinh em bé. Chảy máu cũng xảy ra khi mẹ bị đờ tử cung, sót rau thai. 

Nhiễm trùng nhẹ ở niêm mạc tử cung có thể dễ dàng điều trị với kháng sinh. Nhưng nếu mẹ bị viêm nhiễm nặng thì ảnh hưởng đến toàn bộ tử cung, để lại hậu quả khó lường sau này.

Như vậy trong thai kỳ, mẹ bầu có những nguy cơ rất lớn phải đối mặt. Vì vậy khi quyết định mang thai, mẹ nên tìm hiểu thật kỹ càng về sức khỏe thai kỳ và quan tâm chăm sóc cho cơ thể thật tốt nhé.

+ Xem thêm:

TƯ THẾ ĐỨNG NẰM NGỒI CHUẨN CHO MẸ KHI MANG THAI

NHỮNG MÓN ĂN CẦN TRÁNH KHI MANG THAI


Nguồn bài viết: yeutre
Chia sẻ cảm nghĩ của bạn về bài viết này: