Những Kỹ Năng Con Nhất Định Phải Có Trước Khi Vào Lớp 1

  5573

Ngoài việc chuẩn bị tâm lý thì trang bị cho trẻ các kĩ năng tối thiểu này sẽ giúp con tự tin hơn khi bước vào lớp 1.

Ngoài việc chuẩn bị tâm lý thì trang bị cho trẻ các kĩ năng tối thiểu này sẽ giúp con tự tin hơn khi bước vào lớp 1.

Giai đoạn chuyển từ mầm non sang lớp 1 là một bước chuyển lớn và quan trọng với các bé. Nhiều trẻ sẽ tỏ ra bỡ ngỡ và có thể gặp không ít khó khăn khi mới vào lớp 1. Chính vì vậy việc, ngoài việc chuẩn bị tâm lí sẵn sàng cho bé thì việc chuẩn bị các kĩ năng tối thiểu cho trẻ trước khi bước vào lớp 1 cũng rất cần thiết và quan trọng không kém.

Để giúp cha mẹ định hình rõ hơn những kĩ năng tối thiểu bé cần làm tốt trước khi lên lớp 1, cha mẹ hãy cùng Nuôi Dạy Con Thông Minh tham khảo 8 kĩ năng cho trẻ sau đây:

1. Kĩ năng đọc và viết

Nắm bắt được bảng chữ cái tiếng Việt, các con số trước khi bước vào lớp 1 là điều cơ bản đầu tiên mà các bậc phụ huynh cần rèn luyện cho các bé. Bé cũng cần biết phân biệt khái niệm chữ in hoa và chữ thường để quá trình học chính thức khỏi bỡ ngỡ.

Cha mẹ có thể kết hợp hình thức học mà chơi, chơi mà học để rèn luyện cho con học thuộc bảng chữ cái, nhận biết chữ, số tốt nhất, đồng thời khả năng đọc tròn vành rõ từng chữ cái cũng là điều nên làm.

2. Kĩ năng tự bảo quản đồ dùng cá nhân

Khi bé bắt đầu học Tiểu học, chắc chắn trong chiếc cặp sách khi mang đến trường của bé sẽ chứa thêm rất nhiều đồ dùng học tập mới như là hộp đựng bút, compa, sách, vở. Chính vì vậy bé cần phải học cách có trách nhiệm hơn với đồ dùng cá nhân của mình, bé cần biết cách bảo quản và không để sai vị trí của những đồ dùng học tập đó. Nếu cho bạn mượn đồ thì trẻ cần đảm bảo món đồ sẽ được trả lại sau đó để tiếp tục sử dụng. Cha mẹ có thể giúp bé bằng cách dán tên hoặc kí hiệu nào đó để nhận diện đồ dùng riêng của bé, tránh bị nhầm lẫn với đồ của bạn.

3. Kĩ năng giữ gìn vệ sinh cá nhân

Việc giữ gìn vệ sinh cá nhân cũng là một kĩ năng cơ bản và tối thiểu mà trẻ cần được đào tạo trước khi vào lớp 1. Việc này sẽ giúp bé phòng tránh nguy cơ nhiễm trùng, lây bệnh.

Cha mẹ cần trực tiếp hướng dẫn và thao tác cùng bé các việc như rửa tay với xà phòng trước và sau bữa ăn, sau khi đi vệ sinh, sau khi lau hoặc hỉ mũi, sau khi ho hoặc hắt hơi, sau khi chạm vào các khu vực nguy cơ có nhiều vi khuẩn như các nút bấm, tay nắm cửa, mặt bàn, sau khi chạm vào rác hoặc vật thể nào đó bị bẩn, sau khi tiếp xúc với vật nuôi để giữ cho cơ thể sạch sẽ, hạn chế nguồn lây nhiễm bệnh.

4. Kĩ năng về giờ giấc

Ở độ tuổi này, bé đang bắt đầu bước vào độ tuổi đi học chính thức nên cần hiểu khái niệm về các con số và nắm bắt thời gian để luôn đi học đúng giờ, sinh hoạt nề nếp.

Cha mẹ nên dạy bé cách xem giờ bằng đồng hồ có kim chỉ giờ và số. Hướng dẫn bé cách xem giờ, đọc số thời gian, thường xuyên gợi ý bé về các mốc thời gian như thời gian ăn cơm, đi ngủ, xem tivi, đi chơi để bé ý thức được về giờ giấc cho từng hoạt động, kể cả thời gian đi học.

5. Kĩ năng sử dụng tiền

Khi bé bắt đầu bước vào môi trường học tập chính thức thì đây cũng là lúc bé cần thêm khoản tiền tiêu vặt để mua đồ ăn sáng, đồ dùng học tập, đóng quỹ lớp hay mua đồ ăn vặt tại trường. Chính vì vậy, cha mẹ hãy chuẩn bị cho con kĩ năng sử dụng số tiền mà bé có.

Để hiện thực hóa kĩ năng này, cha mẹ hãy để bé được thực hành mua - bán bằng tiền khi cùng đi mua đồ ăn, mua vé xem phim, hoặc khi thanh toán tiền ở cửa hàng tạp hóa, siêu thị. Ngoài ra, mẹ cũng có thể cùng bé chơi trò bán hàng, mẹ đóng vai chủ cửa hàng còn bé là khách hàng. Sau đó cùng tìm hiểu và khơi gợi cho bé cách dùng tiền thanh toán các món đồ mà bé muốn mua.

6. Kĩ năng ứng xử

Rèn luyện cho bé kỹ năng giao tiếp tốt, hành vi ứng xử văn minh, lịch sự cũng là tạo cho bé sự cởi mở và khả năng thích nghi với bạn bè, thầy cô nhanh hơn.

Để giúp bé có kĩ năng ứng xử đẹp, bố mẹ hãy dạy bé nói "xin vui lòng" khi đề nghị điều gì đó, "cảm ơn" khi nhận được điều gì hoặc được giúp đỡ, "xin lỗi" khi làm sai hay làm ai đó bị đau (cho dù là không cố ý), xin phép người lớn trước khi làm điều gì đó, không đưa ra nhận xét tiêu cực về ai đó, gõ cửa và chờ phản hồi trước khi vào phòng, không nói tục, chửi bậy, không trêu chọc hoặc bắt nạt người khác, không đùa cợt và đem người khác ra làm trò đùa, không ngắt lời khi người khác đang nói (trừ trường hợp khẩn cấp). Ngoài ra, cha mẹ cũng nên là tấm gương về cách hành xử đẹp, giao tiếp lịch sự với bé và mọi người trong gia đình để bé làm theo.

7. Kĩ năng tổ chức, sắp xếp

Một ngày đến trường của bé sẽ bị quá tải nếu bé không biết tự mình lên kế hoạch và sắp xếp những gì cần và không cần mang theo. Vì vậy, mỗi buổi tối, mẹ hãy cùng bé xem lịch học của ngày hôm sau, hướng dẫn bé cách chuẩn bị sách vở, đồ dùng cần thiết để mang theo và sắp xếp gọn gàng vào trong cặp. Mẹ cũng nên nhắc nhở bé thường xuyên kiểm tra cặp và bỏ những món đồ thủ công để lâu còn sót trong cặp, hoặc lấy ra những đồ dùng không cần thiết.

8. Kĩ năng tự chăm sóc bản thân và xử lý các nhu cầu cá nhân

Một trong những nhu cầu cá nhân hàng ngày của bé đó là đi vệ sinh. Đây cũng là một kĩ năng tối thiểu mà cha mẹ không được bỏ qua khi chuẩn bị cho bé bước vào môi trường mới. Bé cần hiểu rằng mỗi khi con muốn đi vệ sinh thì cần vào toilet thay vì bĩnh ra quần, khi con có nhu cầu thì không giữ quá lâu mà cần xin phép thầy cô đi vệ sinh ngay để đảm bảo sức khỏe và tập trung học tập.

Mẹ cần hướng dẫn bé các thao tác trước, trong và sau khi đi vệ sinh, hỏi xem liệu bé có muốn sử dụng giấy vệ sinh hoặc khăn ướt để làm sạch không, nếu bé muốn thì mẹ để vào cặp cho bé mang đến trường dùng. Hãy động viên bé tự giác và độc lập với những công việc cá nhân như vậy. Ngoài ra bé cũng cần học cách tự thực hiện các công việc cá nhân khác như mặc quần áo, đội mũ, đi tất, đi giày của chính bản thân bé để chuẩn cho mỗi ngày đến trường.

Theo parents

Chuẩn Bị Những Gì Cho Con Vào Lớp 1 ?

Con Vào Lớp 1: Ba Mẹ Cần Chuẩn Bị Những Gì


Nguồn bài viết: afamily
Chia sẻ cảm nghĩ của bạn về bài viết này: