Những Điều Thai Nhi Học Được Từ Mẹ Trong 40 tuần Thai kỳ

  29589

Ai trong chúng ta nghĩ rằng thai nhi trong bụng chỉ nằm đó và chờ đợi ngày khai hoa nở nhụy để cất tiếng khóc chào đời? Thực ra, ngay từ trong cung lòng mẹ, thai nhi đã được rất nhiều điều đấy, cùng tìm hiểu nhé!

Ai trong chúng ta nghĩ rằng thai nhi trong bụng chỉ nằm đó và chờ đợi ngày khai hoa nở nhụy để cất tiếng khóc chào đời? Thực ra, ngay từ trong cung lòng mẹ, thai nhi đã rất bận rộn với hàng tá công việc mà ít người mẹ nào biết đến.

1. Thai nhi học cách thích nghi với các loại thực phẩm

Những thay đổi hormone trong thai kỳ khiến nhiều thai phụ xuất hiện những cơn thèm ăn khác lạ. Để chiều theo ý mẹ, thai nhi cũng đành phải học cách để thích nghi với tất cả những thực phẩm mẹ tiêu thụ. Bắt đầu từ tuần 20, tất cả những thức ăn được mẹ dung nạp vào thai nhi đều có thể cảm nhận rất rõ mùi vị. Đó là lý do nhiều chuyên gia khuyên các mẹ bầu nên có thói quen ăn uống lành mạnh và đa dạng ngay trong thai kỳ để bé sinh ra sẽ dễ dàng hơn trong chuyện ăn uống.

Ngoài ra, khi bạn nếm phải những mùi vị khó chịu, thai nhi trong bụng cũng phản ứng lại bằng những cái đạp nguẫy nữa đấy!

2. Thai nhi học cách vượt qua những căng thẳng

Tại trường đại học Durham và Lancaster ở nước Anh, trong một công trình nghiên cứu, các nhà khoa học đã cho thấy thai nhi trong bụng mẹ phản ứng dữ dội với trạng thái tâm thần căng thẳng của người mẹ. Cụ thể, mỗi khi người mẹ rơi vào trạng thái căng thẳng, thai nhi thường dùng tay che mặt như một cách để chống lại trạng huống xấu đang diễn ra. Minh chứng này cho thấy xúc cảm của người mẹ trong thai kỳ sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến tinh thần và sự phát triển của thai nhi. Do vậy, các nhà khoa học luôn khuyến cáo các thai phụ cố gắng tạo cho mình môi trường sống và một tâm lý ổn định nhất khi bước vào thai kỳ.

3. Thai nhi học cách biểu cảm trên khuôn mặt

Thông qua những bằng chứng từ hình ảnh siêu âm 4D, các nhà khoa học thuộc trường đại học Durham và Lancaster đã chứng minh thai nhi biết cười ngay từ lúc được 24 tuần tuổi. Các biểu cảm phức tạp và đa dạng hơn như nhăn mặt, cau có, nhíu chân mày, nhún mũi, ngáp lớn… có thể xuất hiện khi bé đạt 36 tuần.

4. Thai nhi cũng biết khóc

Trước đây, chuyện thai nhi khóc thành tiếng đã trở thành đề tài tranh cãi lớn trong dư luận và cả trong khoa học. Một video gần đây của một nghiên cứu đã cho thấy trong 3 tháng cuối thai kỳ, khi chịu tác động của những âm thanh lớn và đột ngột, thai nhi bắt đầu có biểu hiện thở gấp, môi run rẩy và òa khóc. Mặc dù trong video này không ghi nhận thanh âm của tiếng khóc song một lần nữa nó cũng minh chứng rằng môi trường sống quá ồn ào thực sự không có lợi cho thai nhi.

5. Thai nhi bận rộn với việc học thuộc lòng

Các nhà khoa học thuộc trường đại học Florida đã nhờ các bà mẹ lặp lại 2 lần một câu thơ cho thai nhi vào mỗi ngày trong tuần. Kết quả cho thấy sau 2 tuần liên tiếp thực hiện, nhịp tim của thai nhi đều có dấu hiệu chậm lại khi mẹ hoặc bất cứ ai đó đọc lại câu thơ này. Điều này cho thấy não bộ thai nhi có khả năng tiếp nhận và xử lý thông tin được nhắc lại nhiều lần.

Tương tự, các nhà khoa học cũng nhận thấy trẻ sơ sinh có phản ứng tích cực với đoạn nhạc được mở cho nghe thường xuyên khi còn trong bụng mẹ.

6. Thai nhi bận rộn với việc tập bú mẹ

Cũng theo kết quả nghiên cứu của các nhà khoa học thuộc trường Đại học Durham và Lancaster cho thấy thai nhi khi vào đến giai đoạn cuối thai kỳ thường mở miệng rộng, có động tác đút tay vào miệng để tập mút. Điều này cho thấy bú mẹ không phải là một kỹ năng bỗng chốc xuất hiện mà nó là kết quả của một quá trình luyện tập mang tính bản năng.


Nguồn bài viết: Eva.
Chia sẻ cảm nghĩ của bạn về bài viết này: