Không ít các bà mẹ vẫn nghĩ chỉ khi thời tiết nóng bức, bé đổ mồ hôi nhiều mới tạo điều kiện cho rôm sảy xuất hiện. Điều này không hoàn toàn đúng. Thực tế, nhiều trẻ vẫn bị rôm sảy ngay trong những mùa có thời tiết mát mẻ.
Nhận biết trẻ bị nổi rôm
Trẻ bị rôm sảy sẽ nổi hột mụn li ti thành từng mảng gây đỏ trên bề mặt da.
Không khó để nhận biết trẻ bị rôm sảy dựa trên những biểu hiện rất đặc trưng: nổi hột mụn li ti thành từng mảng gây đỏ trên bề mặt da và có lẫn một vài đốm mủ nước nhỏ. Các trẻ mắc rôm sảy thường ngứa ngáy, khó chịu và hay khóc quấy. Những vùng dễ nổi rôm bao gồm: bẹn, cổ, trán và lưng.
Có 3 dạng rôm thông thường:
- Rôm dạng tinh thể (miliaria crystalina): Thường gặp ở những trẻ có cơ địa phản ứng chậm trong việc tiết mồ hôi. Trường hợp này đi kèm với sốt cao, không biểu hiện viêm và xuất hiện những mảng da bong tróc khi bệnh đã khỏi.
- Rôm đỏ (miliaria rubra): Đây chính là loại rôm phát triển mạnh nhất trong điều kiện thời tiết nóng ẩm.
- Rôm sâu (miliaria profunda): Khi trẻ gặp "trục trặc" về tuyến mồ hôi sẽ dẫn đến dạng rôm sâu. Phần lớn trường hợp rôm sâu là do trẻ đã bị trình trạng rôm sảy kéo dài gây tổn hại đến cấu trúc da.
Hệ lụy từ rôm sảy
Phần lớn trường hợp trẻ bị rôm sảy đều có thể tự lặn và không để lại biến chứng nguy hiểm gì. Tuy nhiên, nếu không được chăm sóc đúng cách, tình trạng rôm sảy lan thành diện rộng và kéo dài có thể khiến trẻ ngứa ngáy. Khi đã khó chịu, trẻ sẽ tìm cách gãi. Gãi mạnh có thể làm những nốt rôm đỏ bị tróc, trầy và tạo điều kiện cho vi khuẩn xâm nhập gây nên nhiễm trùng. Nếu để phát triển đến dạng rôm sâu có thể tổn thương vĩnh viễn đến tuyến mồ hôi của trẻ.
Mùa hè nóng bức nên cho trẻ mặt thoáng và lau khô mồ hôi, tắm rửa thường xuyên.
Do đó, mẹ không thể chủ quan khi thấy bé nổi rôm sảy dù nhiều trường hợp có thể tự khỏi. Mùa hè nóng bức nên cho trẻ mặt thoáng và lau khô mồ hôi, tắm rửa thường xuyên. Mùa đông, khi mặc ấm cho trẻ phải chú ý những lúc bé chạy nhảy để lau khô mồ hôi tiết ra nhằm tránh tạo điều kiện cho rôm sảy xuất hiện.
Khi trẻ đã bị rôm sảy, hạn chế để trẻ tự gãi ngứa và làm tổn thương vùng da bị rôm vì trẻ có thể nhiễm trùng nặng hoặc nặng hơn có thể bị viêm cầu thận.
Chăm sóc trẻ bị rôm sảy
Điều nên làm
- Nếu bé chỉ nổi rôm sảy thông thường, không nhất thiết phải được điều trị bằng thuốc. Bé có thể tự khỏi nếu mẹ thường xuyên tắm rửa và giữ thân thể cho bé luôn khô ráo. Chú ý lau kỹ những vùng da có nếp gấp như bẹn, đùi, nách. Với quần áo của trẻ phải được giặt sạch và phơi phóng nơi có ánh sáng mặt trời để diệt khuẩn. Cắt hết móng tay, móng chân của trẻ nếu dài.
- Khi thấy rôm có các đầu mủ và xuất hiện với diện rộng trên bề mặt da, nên đưa trẻ đi khám để được điều trị bằng thuốc nhằm tránh những biến chứng nặng hơn.
- Thông thường, thuốc bôi trị rôm sẽ là: dung dịch Calamine có tác dụng giảm ngứa, Anhydrous lanolin giúp ngăn chặn tình trạng bít tuyến mồ hôi và ngưng phát sinh các sang thương mới. Khi phải dùng thuốc bôi có chứa steroids là con bạn đã bị rôm sảy nặng.
- Vitamin C có thể hỗ trợ trong việc tái tạo tế bào da và làm dịu các sang thương. Do đó, mẹ có thể cho bé uống thêm nước cam, nước bưởi, nước ép kiwi bên cạnh việc bổ sung nước lọc đầy đủ để hỗ trợ điều trị bệnh đạt hiệu quả cao.
Cho bé uống nhiều nước cam
Ngoài ra, cách tốt nhất để đối phó với rôm sảy là việc phòng ngừa tái phát. Nên cho trẻ sinh hoạt ở nơi thoáng mát, có không khí điều hòa tốt. Lau khô mình trẻ mỗi lúc trẻ ra mồ hôi và tắm rửa sạch sẽ hàng ngày. Có thể pha nước dung dịch trị rôm để tắm cho bé hoặc dùng những bài thuốc tắm rôm dân gian để làm mát cho trẻ. Mặc quần áo thoáng mát khi trời nóng và uống đủ nước. Mùa đông mặc ấm nên nhớ chậm mồ hôi những lúc trẻ chạy nhảy, vui đùa. Sau cùng, nhớ bổ sung vitamin C để tăng cường sức đề kháng.
Không nên
+ Bôi phấn rôm lên vùng da đang bị tổn thương để tránh bít các lỗ chân lông, làm cản trở quá trình bài tiết mồ hôi.
+ Vắt nhiều nước chanh vào nước tắm của trẻ sẽ khiến axit trong chanh làm tổn thương da.
+ Nước lá có thể làm tình trạng viêm nhiễm da thêm nặng nên không tùy tiện dùng nếu chưa được bác sĩ chỉ định.
+ Tắm sữa tắm có chất tẩy mạnh của người lớn sẽ làm kích ứng da.
+ Không tự ý dùng thuốc bôi khi chưa có ý kiến của bác sĩ.
Những bài thuốc trị rôm sảy
Tắm nước mướp đắng
Mướp đắng tươi dùng để nấu nước tắm rôm cho trẻ.
Dùng hai trái mướp đắng còn tươi đem cắt khúc hoặc giã dập và đun sôi với nước. Đợi nước nguội đem tắm cho trẻ. Dùng liên tục trong 5 ngày sẽ giúp trẻ khô đét các vùng da có rôm nổi.
Tắm nước dâu tằm
Cân khoảng 200 gr lá dâu tằm và cho vào túi vải nấu lửa vừa với khoảng 5 lít nước. Đun từ từ cho lá tiết hết chất ra. Sau khoảng 15 - 20 phút tắt bếp và để nguội. Dùng nước này tắm cho bé từ 3 - 5 ngày để trị rôm sảy.
Tắm nước gừng tươi
Tương tự, bạn có thể dùng gừng tươi đập dập và nấu nước để tắm cho những trẻ bị nổi rôm cũng rất hiệu quả.
Uống bột sắn dây
Bột sắn dây có tác dụng làm mát, thanh nhiệt. Bạn có thể hỗ trợ điều trị rôm bằng cách cho trẻ uống nước sắn dây ấm từ 2 - 3 lần trong ngày. Tốt nhất nên uống lúc chiều hoặc sau khi ngủ dậy.