Những chia sẻ về cách chữa bệnh còi xương bằng thực phẩm dinh dưỡng này có hàng ngàn lượt yêu thích và chia sẻ chia sẻ với tốc độ lan truyền cực nhanh, làm không ít các mẹ hoang mang, bất chấp nội dung của bài viết không đưa ra được bất cứ dẫn chứng y học hay nghiên cứu khoa học nào để chứng minh cho điều đó.
Để làm sáng tỏ những thông tin này và mang đến góc nhìn khách quan, đúng chuyên môn, Mẹ & Bé đã có cuộc trò chuyện với bác sĩ Nguyễn Trí Đoàn - Giám đốc Y Khoa Bệnh viện Quốc tế Victoria Healthcare một bác sĩ được rất nhiều bà mẹ gửi gắm niềm tin mỗi khi con mắc phải chứng bệnh này!
Xin chào bác sĩ! Hiện nay bệnh còi xương khiến các mẹ rất lo lắng cho sức khỏe của con mình. Vậy lí do vì sao trẻ lại bị bệnh còi xương?
BS Trí Đoàn: Còi xương là do thiếu canxi, trẻ không được nạp đủ lượng mà cơ thể cần. Cũng giống như suy dinh dưỡng, có nhiều lí do khiến trẻ không nạp đủ lượng canxi như bú không đủ, bú vào nhưng thải ra ngoài nhiều do bị tiêu chảy. Tình trạng này kéo dài khiến trẻ có nguy cơ bị thiếu chất. Còn trẻ bú bình thường, phát triển bình thường theo "kênh của trẻ" thì trẻ sẽ phát triển hoàn toàn bình thường.
Phát triển theo "kênh của trẻ" nên được hiểu như thế nào, thưa bác sĩ?
BS Trí Đoàn: Nghĩa là não trẻ luôn báo tín hiệu cho cơ thể cần từng này chất dinh dưỡng, thì trẻ sẽ tiếp nhận bấy nhiêu đó, chứ không phải theo ý chúng ta mong muốn. Và gen của trẻ quyết định trẻ tăng trưởng bao nhiêu, thì trẻ sẽ phát triển bấy nhiêu, nó là "kênh riêng" chứ không phải là so sánh sự phát triển của trẻ với một con số cụ thể. Mỗi trẻ có sự phát triển khác nhau nên không thể so sánh với nhau.
Nhưng tâm lý các mẹ thường hay sốt ruột nếu thấy trẻ tăng trưởng thấp hơn "chuẩn". Trong 3 tháng đầu đời, nếu trẻ tăng mỗi tháng 300-500gr cân nặng và 1cm chiều cao, thì liệu trẻ có bị tăng cân chậm hay còi xương không?
BS Trí Đoàn: Điều này hoàn toàn không đúng bởi cơ thể con người không phải lúc nào cũng tăng trưởng giống nhau, quan trọng nằm ở mốc cuối cùng. Ví dụ, tôi muốn đi từ đây đến Hà nội, có thể trong vòng 3 ngày đầu tôi muốn rong chơi, những ngày sau tôi vọt lên, sau đó tôi lại đi rong chơi tiếp, so với người ngày nào cũng đi đều đặn thì là như nhau, miễn sao tôi đến Hà Nội là được.
Tuy nhiên, có một bài viết trên mạng khẳng định, chỉ cần có cùng lúc các biểu hiện như "chiếu liếm", "đổ mồ hôi trộm", thao thức trằn trọc và tăng cân ít là có thể khẳng định chắc chắn trẻ bị còi xương?
BS Trí Đoàn: Kết luận này hoàn toàn không đúng. Cơ thể con người có hai hệ thống thần kinh cân bằng với nhau: thần kinh giao cảm và thần kinh đối giao cảm. Ở trẻ, thần kinh giao cảm mạnh hơn rất nhiều, giúp tim trẻ đập nhanh hơn, máu dồn nhanh hơn, phản ứng hóa học mạnh hơn, chuyển hóa nhanh hơn... bởi trẻ cần có năng lượng và hoạt động liên tục để lớn nhanh.
Càng lớn tuổi thì thần kinh giao cảm càng yếu đi và thần kinh đối giao cảm lại mạnh lên, do đó càng về già, người ta càng sợ lạnh, càng nhỏ càng sợ nóng. Do đó, môi trường lý tưởng cho trẻ là dưới 24 độ C đến 20 độ C. Nhưng bố mẹ không hiểu được điều đó, thường mở máy lạnh 27 - 28 độ C, nhiệt độ này là quá nóng với trẻ, khiến trẻ phải tự cân bằng nhiệt cách toát mồ hôi nếu không trẻ sẽ sốt.
Trẻ bị nóng, đổ mồ hôi thì sẽ không ngủ được mà trằn trọc. Nếu trẻ biết lăn biết bò, trẻ sẽ đến chỗ có máy lạnh hoặc mát mẻ, còn trẻ nhỏ xíu còn chưa thể làm được gì nên trẻ sẽ tỏ ra khó chịu. Thêm vào đó, đầu ra mồ hôi khiến trẻ bị ngứa. Ngứa thì trẻ phải lắc qua lắc lại – một cách “gãi đầu” của trẻ vì trẻ còn quá bé, tay còn quá ngắn, không đưa lên đầu gãi được.
Bên cạnh đó, chu kỳ rụng tóc của trẻ rơi vào tháng thứ 2 và thứ 3 sau khi sinh. Ngay cả mẹ cũng rơi vào chu kỳ này bởi sự thay đổi nội tiết tố. Nơi nào cọ xát nhiều thì sẽ rụng nhiều, tạo ra hình dạng mà dân gian hay gọi là “chiếu liếm”, “tóc vành khăn”,… Thực ra, trong khoa học, người ta chỉ gọi là rụng tóc. Tóc cũng rụng ở vị trí khác nhưng ít hơn nên bố mẹ không để ý. Vì không được được tận gốc của vấn đề nên người ta thường gán ghép cho… chuyện khác. Và chuyện dễ gán ghép nhất là thiếu canxi. Thực ra, còi xương không bao giờ có những triệu chứng như vậy!
Vậy triệu chứng thực sự của bệnh còi xương là gì, thưa bác sĩ?
BS Trí Đoàn: Trước hết trẻ phải nằm trong trường hợp của triệu chứng thiếu canxi như tôi đã nêu ở lúc đầu. Sau đó, trẻ có các biểu hiện bị co rút cơ, hoặc triệu chứng như bị co giật - tay co và giật. Nhưng để chuẩn đoán thì bác sĩ phải theo dõi để xem trẻ có bị thiếu nguồn cung cấp hay không: như không có sữa để uống, hoặc uống vào bị tiêu chảy, cộng thêm bị vọp bẻ, bị co giật, lúc đó bác sĩ mới tiến hành cho xét nghiệm máu. Phải phân tích rất kỹ các biểu hiện của trẻ, có nghi ngờ thiếu canxi thì lúc đó xét nghiệm máu mới chính xác.
Để kết luận trẻ có bị còi xương hay không phải trải qua phương pháp xét nghiệm máu phải không, thưa bác sĩ?
BS Trí Đoàn: Đúng vậy! Còn nếu trẻ vẫn ăn uống bình thường, vui chơi bình thường, vẫn tăng trưởng theo “kênh của trẻ”, thì khả năng thiếu canxi là rất thấp. Có lẽ không cần xét nghiệm máu, mà chỉ cần trấn an các bà mẹ là đủ. Bởi đó là một quá trình cần theo dõi rất cẩn trọng và sát sao mới có thể kết luận được.
Theo thống kê trong ngành Nhi khoa, bệnh còi xương ở lứa tuổi nào là bị nhiều nhất?
BS Trí Đoàn: Ở lứa tuổi nào trẻ cũng có thể bị bệnh còi xương nếu không được đáp ứng đủ nhu cầu cần thiết của cơ thể. Tình trạng thiếu vitamin D kéo dài thì mới dẫn đến bị còi xương.
Vậy bác sĩ có thể chia sẻ phương pháp đúng để trị bệnh còi xương?
BS Trí Đoàn: Nếu nguyên nhân là do nguồn cung cấp không đủ thì mình chỉ cần cung cấp đủ cho trẻ: cho trẻ bú đủ nhu cầu bằng sữa mẹ hoặc sữa bình là được. Còn nếu nguyên nhân là do trẻ bị tiêu chảy, do dị ứng của đường ruột, nhiễm trùng đường ruột, do những bệnh nhiễm trùng khác, thì phải tìm ra rõ nguyên nhân mới có thể điều trị được.
Thế nhưng có rất nhiều mẹ truyền tai nhau rằng có thể sử dụng các loại thực phẩm dinh dưỡng là chắc chắn có thể chữa khỏi bệnh còi xương, liệu điều đó có đúng?
BS Trí Đoàn: Thực chất các loại thực phẩm dinh dưỡng đó đều là vitamin tổng hợp. Mà vitamin duy nhất trẻ cần cung cấp là vitamin D, nhất là đối với trẻ bú mẹ. Còn những loại vitamin khác thì không cần thiết bổ sung thêm. Sau 1 tuổi, nếu trẻ ăn uống đa dạng, thì không cần bổ sung thêm bất kỳ loại vitamin nào.
Có những ý kiến cho rằng nếu mẹ ăn uống kham khổ thì sữa sẽ không đủ chất, nên bổ sung sữa ngoài. Điều này có đúng không, thưa bác sĩ?
BS Trí Đoàn: Chất lượng của sữa mẹ không phụ thuộc vào thức ăn bởi chất dinh dưỡng trong sữa được lấy từ chính trong cơ thể của mẹ. Do đó, các bà mẹ không cần phải quá lo lắng về điều này. Chỉ cần cho con bú đủ và bổ sung thêm vitamin D là trẻ có thể phát triển hoàn toàn bình thường.
Cám ơn bác sĩ về cuộc trò chuyện này!
+ Xem thêm:
CÁCH CHỮA BỆNH NHIỆT MIỆNG CHO TRẺ HIỆU QUẢ
4 THỰC PHẨM ĐỘC HẠI MẸ VIỆT THƯỜNG CHO BÉ ĂN