Ai bảo chăm con trai là đơn giản nào? Phức tạp ra phết đấy! Chăm sóc con trai, mẹ cần để ý đến những biểu hiện sau của con để có cách giải quyết kịp thời, đảm bảo sau này con sẽ là chàng trai mạnh khỏe, tự tin nhé!
Sưng tấy bộ phận sinh dục
Bất thường này rất dễ được phát hiện. Nếu mẹ thấy đầu dương vật của con hơi đỏ, bị sưng và đôi khi có mủ thì cần đưa con đi kiểm tra. Hiện tượng này thường xảy ra đối với những bé bị hẹp da quy đầu. Vì vậy, khi mẹ tắm cho con, hãy rửa ráy cẩn thận bộ phận sinh dục cho bé. Mẹ cũng chú ý giữ sao cho bộ phận sinh dục của bé không bị hấp hơi, ẩm ướt. Không nên cho con mặc quần áo chật, hoặc các loại quần áo khó thấm bằng vải tổng hợp hay cao su. Nếu cho con đi tắm biển mùa hè, hãy kiểm tra kỹ để đảm bảo cát không lọt vào bộ phận sinh dục và lưu lại ở đấy.
Mẹ hãy chăm sóc chàng trai bé bỏng của mẹ để sau này lớn lên con là chàng trai khỏe mạnh, tự tin mẹ nhé!
Lỗ tiểu thấp
Bất thường này mẹ cũng có thể nhận ra khi con trai có lỗ tiểu không ở giữa đầu dương vật mà lại ở phía dưới dương vật. Trường hợp này, con cần phải được phẫu thuật để tạo ra đường ống tiểu thẳng bình thường. Trường hợp lỗ tiểu đóng thấp ở nửa giữa thân dương vật và gốc bìu dương vật, thậm chí sát hậu môn, dễ gây ra vô sinh. Thành ra, bé cần được thực hiện phẫu thuật càng sớm càng tốt, tốt nhất là trước khi trẻ 2 tuổi.
Hẹp da quy đầu
Khi mới sinh, đa số trẻ bị hẹp bao quy đầu sinh lý, tức là bao quy đầu không kéo tuột xuống được do có tình trạng dính tự nhiên giữa bao quy đầu và quy đầu. Trước đây, người ta cho rằng những trường hợp này cần phải phẫu thuật lớp da bao quy đầu ngay khi bé còn nhỏ để đảm bảo vấn đề vệ sinh. Hiện nay, các bác sĩ khuyên các mẹ không cần thiết phải lo sớm như thế, bởi nhiều bé trai có da bọc chật như vậy là điều tự nhiên và lớp da này sẽ rộng ra khi các cháu lớn lên. Chỉ cần thực hiện cắt bao quy đầu sớm nếu tình trạng hẹp bao quy đầu khiến bé khó khăn khi đi tiểu (nước tiểu làm phồng quy đầu, khiến nước tiểu khó thoát ra ngoài). Khi da bọc quy đầu bị sưng đỏ, tiểu thấy đau rát, có mủ, các mẹ có thể chữa trị bằng thuốc bôi sát trùng sau khi rửa sạch.
Tinh hoàn sai vị trí
Mẹ có thể nhận biết bất thường này khi quan sát thấy trong túi đựng tinh hoàn (bìu) của bé chỉ có 1 tinh hoàn. Trường hợp này xảy ra không hẳn do bé bị thiếu một tinh hoàn, mà do “hột” này còn nằm ở phần bụng, chưa tụt xuống túi. Mẹ hãy đặt bé nằm dài trên giường, hoặc trong bồn tắm nước ấm, sau đó dùng tay ấn nhẹ vào phía trên bộ phận sinh dục, ngang tầm háng để làm cho một tinh hoàn nằm trong đó, tụt xuống dưới. Trước khi đến tuổi dậy thì, có thể cái “hột đi lạc” này sẽ tụt xuống nằm đúng vị trí của nó ở trong túi. Sau 6 tuổi, nếu anh bạn lạc đường này chưa về tới nhà thì bé cần được làm một cuộc phẫu thuật nhỏ để mọi thứ về đúng vị trí.
Kinh nghiệm của một mẹ "Trúc Phương" trên Facebook: Trường hợp bé bị tinh hoàn sai chỗ ad đưa thông tin vậy dễ gây hiểu lầm cho các mẹ. Nếu tinh hoàn sai chỗ thì sau 1 tuổi phải phẫu thuật ngay vì tinh hoàn ko thể xuống tự nhiên dc nữa và càng để lâu càng ảnh hưởng đến sinh sản sau này. Bé đến 6t mà chưa phẫu thuật chắc chắn vô sinh sau này và có nguy cơ ung thư cao hơn các bé khác. Bé nhà mình bị như thế nên mình tìm hiểu kĩ lắm.
Bìu to bất thường
Nhiều mẹ sinh con lần đầu rất lo lắng khi thấy bộ phận sinh dục của con lớn bất thường. Mẹ đừng lo nhé, nếu con có bất thường thì các bác sĩ phụ sản sẽ phát hiện và thông báo với mẹ ngay.Thực tế, các bé trai mới sinh ra có bìu to vì có chất lỏng bên trong cùng với các tinh hoàn. Sau một vài tuần, chất lỏng này sẽ tiêu đi và bìu lại có kích thước bình thường. Lúc đó mẹ hoàn toàn yên tâm nhé!
Xoắn tinh hoàn
Mẹ lưu ý: xoắn tinh hoàn là một trong những nguyên nhân thường gặp nhất dẫn đến phải cắt bỏ một bên tinh hoàn ở những bé trai. Hơn nữa, nếu bé từng bị xoắn tinh hoàn một bên thì bên còn lại cũng có nguy cơ cao. Biểu hiện của triệu chứng này là đột ngột đau ở vùng tinh hoàn là đau ở một bên tinh hoàn, bé quấy khóc, bìu sưng to, đỏ và rát, tiểu buốt và tiểu gắt. Khi đó, bé cần được mổ tháo xoắn ngay để cứu cho tinh hoàn khỏi bị hư hoại, tránh cho bé khỏi tình trạng tinh hoàn “một mất, một còn” khiến bé tự ti sau này.
Viêm đường tiết niệu
Biểu hiện của triệu chứng này là đau bụng, sốt, quằn quại, quấy khóc, bỏ ăn, bỏ bú. Do biểu hiện bệnh không khác gì so với các bệnh thông thường trẻ hay gặp, nên mỗi khi thấy trẻ sốt cao, mẹ sờ vào bụng thấy bé khóc to hơn thì có thể con bị bệnh đường tiêu hóa hoặc bệnh viêm đường tiết niệu. Bé cần được đi xét nghiệm nước tiểu, hoặc chụp X-quang trong trường hợp bị dị tật bẩm sinh. Nếu kết luận là bị viêm đường tiết niệu, bé cần được dùng thuốc kháng sinh ngay. Mẹ chú ý: bệnh này phải chữa trị lâu, phải làm xét nghiệm nước tiểu nhiều lần để kiềm tra và là bệnh khó chữa. Viêm đường tiết niệu sẽ nguy hiểm với nhiều dạng biến chứng: nhiễm trùng gây họai tử ống thận, bể thận mãn do xơ hóa vỏ thận, ứ mủ, viêm quanh thận, xơ teo thận, trào ngược bàng quang (bệnh thận trào ngược). Chính vì thế, khi bị bệnh này, con cần được điều trị dứt điểm.
+ Xem thêm:
+ BÍ QUYẾT ĐỂ SINH ĐƯỢC CON TRAI: KHÓ... NHƯNG MÀ CỰC DỄ!
+ 9 SỰ THẬT CÁC MẸ SINH CON TRAI ĐỀU CẦN BIẾT