Bệnh viêm tai giữa có thể gặp ở mọi lứa tuổi và trẻ nhỏ thường hay bị mắc phải. Nếu bệnh không được phát hiện và kịp thời chữa trị sẽ gây ra những biến chứng cực kỳ nguy hiểm cho não bộ.
Đây là bệnh liên quan đến tình trạng viêm ở vùng tai giữa. Khi khám viêm tai, bác sĩ thường chú ý tới dạng viêm tai giữa cấp - hiện tượng có dịch, điển hình là mủ, tích tụ trong tai giữa, gây đau, đỏ màng nhĩ và sốt. Có một số dạng viêm tai giữa khác nhau.
Nguyên nhân
Viêm tai giữa ở trẻ em thường là viêm cấp tính do nhiễm trùng
Viêm tai giữa ở trẻ em thường là viêm cấp tính do nhiễm trùng hoặc ứ đọng dịch trong hòm nhĩ gây ra. Viêm tai giữa có thể do một hoặc nhiều nguyên nhân, cụ thể chia làm 2 nhóm:
Nguyên nhân tự thân: Do hệ thống miễn dịch của trẻ chưa hoàn thiện, mắc những bệnh bẩm sinh về miễn dịch. Những trẻ có cấu trúc giải phẫu học bất thường vùng mũi - họng (như hở vòm hầu), viêm VA; trẻ bị tình trạng rối loạn chức năng vòi nhĩ…
Nguyên nhân do sự tác động từ bên ngoài: Trẻ nằm bú sữa bình không cẩn thận khiến sữa tràn vào trong tai gây viêm; trẻ bị cảm lạnh; chọc ngoáy tai; bị tát; hít khói thuốc là và các tác nhân như phấn hoa, bụi, lông thú vật; chất xuất tiết ở mũi họng lan lên tai giữa khiến tai giữa bị viêm nhiễm…
Viêm tai giữa phổ biến ở bé trai hơn bé gái, đặc biệt là những em có tiền sử bệnh trong gia đình. Bệnh cũng thường xảy ra vào mùa đông, mùa của các bệnh viêm nhiễm đường hô hấp trên và cảm lạnh.
Giai đoạn ủ bệnh và phát bệnh
Ủ bệnh
Ở giai đoạn đầu, biểu hiện của bệnh viêm tai giữa không rõ rệt, trẻ không sốt, không đau tai, rất ít khi ù tai, không chảy dịch. Triệu chứng duy nhất là trẻ bị nghễnh ngãng và lầm tưởng trẻ thiếu tập trung. Khi chuyển sang giai đoạn mạn tính mới có hiện tượng chảy mủ tai. Nếu phát hiện sớm, bác sĩ sẽ chủ động chích rạch dẫn lưu hoặc sau khi vỡ mủ được điều trị cẩn thận thì bệnh sẽ khỏi sau 1-2 tuần, không để lại di chứng.
Phát bệnh
Biểu hiện bệnh có thể đi từ nhẹ đến nặng:
- Tư thế nằm, nhai và bú có thể gây ra những cơn đau do sự thay đổi áp suất trong tai giữa. Vì thế, trẻ thường ăn ít hơn hoặc khó ngủ.
Cần được bác sĩ thăm khám và chỉ định điều trị, theo dõi chặt chẽ các biến chứng
- Dịch trong tai giữa đọng nhiều, thúc ép lên màng nhĩ gây đau tai. Do đó, trẻ lớn có thể kêu tai, còn trẻ nhỏ thì có thể kéo giật tai mạnh, hoặc có biểu hiện khó chịu và khóc nhiều hơn bình thường.
- Nếu áp suất từ dịch tích tụ quá nhiều, nó có thể làm thủng màng nhĩ, dẫn tới rò rỉ dịch trong tai. Hiện tượng này sẽ làm giảm áp suất dưới màng nhĩ, khi đó trẻ sẽ bớt đau hơn.
Ngoài ra, chất dịch đọng trong tai giữa có thể gây cản trở đường truyền âm thanh, dẫn tới tình trạng khó nghe tạm thời.
Lưu ý các triệu chứng có thể xuất hiện riêng lẻ hoặc cùng lúc. Nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời, vài ngày sau (2-3 ngày) bệnh sẽ tiến triển sang giai đoạn vỡ mủ do màng nhĩ bị thủng, mủ tự chảy ra ngoài. Khi đó trẻ sẽ đỡ sốt, bớt khóc, ăn được, ngủ được, hết rối loạn tiêu hóa, đi ngoài trở lại bình thường, không kêu đau tai nữa.
Các bà mẹ thường lầm tưởng bệnh đã lui nhưng thực ra bệnh đã bắt đầu chuyển sang giai đoạn mãn tính, và thường chảy mủ tai tái đi tái lại có thể làm tổn thương màng nhĩ, xương tai và cấu trúc tai giữa, có thể gây điếc vĩnh viễn.
Viêm tai giữa có lây?
Bệnh viêm tai không truyền nhiễm, song do có liên quan đến chứng cảm lạnh (rất dễ lây lan) nên nó cũng có thể phát tán.
Bệnh kéo dài trong bao lâu?
Viêm tai giữa thường tự biến mất trong 2-3 ngày, thậm chí không cần bất kỳ liệu pháp đặc trị nào. Nếu bác sĩ cho trẻ dùng kháng sinh thì liệu trình 10 ngày là tối đa. Đối với những trẻ từ 6 tuổi trở lên bị viêm nhẹ hoặc trung bình, chỉ nên dùng một liều kháng sinh từ 5-7 ngày.
Tuy nhiên, kể cả sau khi đã điều trị bằng kháng sinh hết một đợt viêm, dịch vẫn có thể đọng lại trong vùng tai giữa trong vài tháng sau đó.
Biến chứng nguy hiểm
Viêm tai giữa cấp ở trẻ nhỏ có thể gây thủng màng nhĩ, làm tiêu xương... ảnh hưởng đến khả năng nghe của trẻ và dẫn đến rối loạn ngôn ngữ. Nếu không được điều trị triệt để, bệnh có thể gây các biến chứng nhiễm trùng sọ não rất nguy hiểm như viêm màng não, áp xe não, viêm tắc tĩnh mạch bên hoặc gây liệt dây thần kinh mặt (dây số 7).
+ Xem thêm:
Bố Mẹ Cố Làm Điều Này Sẽ Khiến Con Viêm Tai Giữa Thậm Chí Bị Điếc
Bệnh Viêm Tai Giữa Ở Trẻ Có Thể Biến Chứng Nguy Hiểm Tính Mạng