Chó, mèo đều là những vật nuôi gần gũi với con người. Tuy nhiên, đối với những người có cơ địa dị ứng, việc tiếp xúc quá gần với chó, mèo sẽ đem lại những hậu quả xấu cho sức khỏe.
Theo bác sĩ Nguyễn Văn Đĩnh, khoa Dị ứng, Miễn dịch lâm sàng, Bệnh viện Bạch Mai, ở Việt Nam, tỷ lệ dị ứng do lông chó, mèo ở khoảng 5% – 7%, thường gặp ở những người có cơ địa dị ứng như hen, viêm mũi xoang dị ứng, chàm, viêm kết mạc mùa xuân, nổi mề đay…
Việc tìm ra nguyên nhân dị ứng và tránh xa chúng là biện pháp tốt nhất ngăn chặn sự tái xuất hiện dị ứng. Tuy nhiên, điều đó không hề đơn giản vì phải trải qua nhiều công đoạn như khai thác tiểu sử dị ứng khi tiếp xúc, xét nghiệm…
Cấp cứu vì đùa với chó, mèo
Từ nhỏ, cu Tuấn nhà chị Hà (phường Ngọc Khánh, Ba Đình, Hà Nội) đã bị bệnh hen phế quản, thường xuyên phát cơn hen mỗi khi thời tiết thay đổi. Tuy nhiên, thời gian gần đây, cu Tuấn thường xuyên bị hắt hơi, chảy nước mũi, thở khò khè dù thời tiết ấm áp.
Đưa con đi khám, kết quả test cho thấy Tuấn bị dị ứng với lông chó, mèo. Chị Hà cho biết, gia đình mới nuôi một chú chó con. Tuấn rất thích nên thường xuyên bế ẵm và chơi đùa với “người bạn” mới của mình.
Thạc sĩ Hà Minh Lợi, khoa Mũi xoang dị ứng, Bệnh viện Tai Mũi Họng Trung ương, cũng cho biết, cơ sở này vừa cấp cứu cho cháu B. bị viêm xoang gây khó thở nặng. Bệnh nhân từng điều trị nhiều lần tại bệnh viện nhưng điều lạ là khi ở bệnh viện, sức khỏe của cháu ổn định khá nhanh, nhưng mỗi lần xuất viện về nhà thì các cơn khó thở lại tái phát nhiều hơn.
Qua thăm khám, các bác sĩ được biết gia đình bệnh nhi có nuôi mèo và cháu thường xuyên bế ẵm con vật đó. Lông mèo chính là thủ phạm khiến bệnh nhân bị các cơn khó thở hoành hành. “Cần hết sức thận trọng, không nên thường xuyên tiếp xúc quá gần với chó, mèo”, thạc sĩ Lợi cảnh báo.
Lông chó, mèo gây dị ứng nhiều nhất
Theo bác sĩ Đĩnh, da của những con vật này sau khi lão hóa bị bong ra thành vảy. Khi chó, mèo gãi hay rũ lông, các vảy cùng với hạt bụi trong lông của chúng sẽ bay ra, bám lại trên thảm và các vật dụng trong nhà. Chính vì thế mà lông chó mèo dễ gây dị ứng nhất, người có cơ địa dị ứng sẽ bị dị ứng ngay cả khi không tiếp xúc trực tiếp với con vật.
Biểu hiện của người bị dị ứng với lông chó, mèo cũng giống như dị ứng với các dị nguyên khác là khi tiếp xúc xuất hiện chảy nước mũi, ho, ngứa mắt, ngứa mũi, nổi mày đay, kết mạc đỏ và ngứa. Ở bệnh nhân hen, có thể khởi phát cơn hen cấp tính gây khó thở, khò khè, tức ngực nặng và thậm chí xuất hiện cơn hen nặng, đe dọa tính mạng.
Quá trình điều trị bệnh dị ứng với lông chó, mèo có thể kéo dài 3 – 5 năm và rất tốn kém. Biện pháp phòng ngừa duy nhất, đặc biệt ở người hen và viêm mũi dị ứng, là không nuôi chó, mèo. Nếu có sở thích nuôi thú thì nên giữ các con vật này cách xa nơi sinh hoạt và phòng ngủ. Bên cạnh đó, cần thường xuyên hút bụi, lau nhà bằng nước sát trùng, rửa tay ngay sau khi chơi đùa hoặc bế chó, mèo.
+ Xem thêm:
8 LOẠI THỰC PHẨM DỄ GÂY DỊ ỨNG CHO BÉ MẸ CẦN TRÁNH
CÁC MÓN ĂN DỄ GÂY ĐỘC HẠI CHO TRẺ EM