Người Mẹ Bệnh Tim Chết Khi Cố Sinh Con Khiến Bác Sĩ Tức Giận

  7917

"Tôi giận chị, tại sao chị không mạnh mẽ cho con, sao biết mình bị bệnh tim mà lại muốn làm mẹ. Tôi không hiểu. Và tôi cũng không muốn hiểu. Chị có cần phải trả giá quá đắt cho cái nghĩa vụ thiêng liêng của người phụ nữ không?"

Vài giờ sau khi vượt cạn, trái tim người mẹ ngừng đập. Đứa con mà chị cố sinh ra cũng ra đi sau đó.

Sản phụ bệnh tim trải qua ca sinh mổ tại bệnh viện phụ sản, được chuyển qua khoa Tim mạch Bệnh viện Chợ Rẫy do suy tim. Chàng sinh viên y khoa năm cuối Nguyễn Thanh Sang có nhiệm vụ làm hồ sơ nhận sản phụ vào khoa.

Băng ca đẩy vào phòng cấp cứu, sản phụ nằm nhợt nhạt, thở hổn hển. Chị còn tỉnh nhưng đôi mắt nhắm nghiền. Bệnh nhân phải thở oxy, dùng thuốc vận mạch... Sắp xếp xong xuôi mọi việc, Sang đứng theo dõi bệnh nhân suốt 15 phút. Đến khi hơi thở bệnh nhân bớt gấp, môi hồng trở lại, cậu thực tập sinh mới gọi thân nhân người bệnh để hỏi thăm bệnh sử. 

Sản phụ bị bệnh tim bẩm sinh. Chị từng cố gắng mang thai một lần và không giữ được khi bé mới 25 tuần thai. Biết bệnh tình của mình không được phép mang thai, chị vẫn quyết tâm có bầu một lần nữa. Hơn ai hết chị khao khát được làm mẹ, chứng minh tình yêu với chồng của chị - người đàn ông giờ đây đang đứng cạnh giường bệnh của vợ với khuôn mặt khắc khổ.

"Con bé nói rằng nếu sinh được cho chồng một đứa con thì nó có chết cũng cam lòng", bà ngoại nhỏ giọng. "Khi lập gia đình, anh biết chị ấy bị bệnh tim chưa", Sang hỏi người chồng. "Biết rồi. Bác sĩ nói nếu cưới thì vợ em không được mang thai vì có thể chết cả mẹ lẫn con, nhưng chúng em yêu nhau nên vẫn quyết định đến với nhau. Vợ ham em bé quá nên muốn có cho bằng được", người chồng chưa đầy 30 tuổi buồn bã buông lời.

Hồ sơ chuyển viện ghi thai 30 tuần, Sang thắc mắc về em bé. "Bà nội đang ở bên viện nhi với bé. Vợ em mang thai mệt mỏi không ăn uống được nên bé hơi nhỏ, 1,1 kg", người chồng nói. Cảm xúc hỗn loạn, Sang không biết nên thương hay nên giận. Bé quá nhỏ, đồng nghĩa rất khó giữ được mạng sống sau khi chào đời. Tấm lòng hy sinh của người mẹ, tình yêu to lớn của người vợ khiến Sang cảm động.

Sang ghi thông tin vào bệnh án rồi giải thích với người nhà rằng tình trạng bệnh rất nặng. Dù không muốn nhưng bác sĩ phải nói rằng bệnh nhân có thể mất bất kỳ lúc nào do tim chị suy quá lâu, phân suất tống máu EF chỉ còn 10% trong khi người bình thường trên 50%.

Quay lại giường bệnh, sản phụ bây giờ tỉnh táo, mở mắt nhìn bác sĩ. "Đau lắm bác sĩ", chị thở mệt đến nỗi không thể nói trọn một câu khi bác sĩ hỏi. "Sinh con trai hay con gái vậy chị", Sang tiếp lời. Đôi mắt mệt mỏi của chị ánh lên tia hạnh phúc khi nói về đứa con yêu dấu "Con trai". Sang vỗ về bệnh nhân: "Giờ chị chỉ cần nằm nghỉ, hít thở sâu và đừng nghĩ gì hết. Chị phải khỏe lên thật mau để còn xuất viện mà chăm cho con nữa. Con mới sinh, rất cần sữa".

Đến nay đã hai năm trôi qua, cậu sinh viên y khoa ngày ấy giờ là bác sĩ Sang vẫn còn nhớ câu chuyện về người mẹ trẻ này. "Đôi khi biết rằng nói dối là một điều tệ hại, nhưng với tôi đó là câu buộc phải nói. Tôi phải dối rằng chị có thể khỏe lại trong khi chính tôi cũng không biết chị có thể khỏe lên được không. Tôi phải nói dối rằng chị có thể gặp con chị trong khi chính tôi cũng không chắc chắn về điều đó, tim chị đã suy giai đoạn cuối", Sang suy tư.

Bé trai chào đời ở tuần thai 30 yếu ớt cũng không giữ được mạng sống dù người mẹ đã hy sinh vì con. Ảnh minh hoạ: Lê Phương.

Khi ấy được động viên, sản phụ nhìn Sang cười với đôi môi nhợt nhạt và tiếp tục thở gấp. Người chồng được phép vào thăm vợ. Một giờ, hai giờ, ba giờ trôi qua... Hết lọ thuốc này đến lọ thuốc khác, may mắn các chỉ số sinh tồn của bệnh nhân được duy trì. Chàng sinh viên năm cuối có thói quen khi trực thường sẽ cố gắng thức để có thể học hỏi thêm rồi ngủ bù ngày hôm sau. Và đêm đó, điều lo sợ cũng đến... 3h sáng, trái tim yếu ớt của sản phụ ngừng đập. 

Nhờ nữ điều dưỡng gọi bác sĩ trực chính, Sang lao vào cấp cứu cho bệnh nhân. Thuốc vận mạch được sử dụng liên tục. Mỗi khi xoa bóp tim, chàng sinh viên lại một lần cầu mong chị sống lại, cầu mong cho cả sinh linh bé bỏng chưa một lần thấy mẹ.

Sau một giờ nỗ lực hồi sức, trái tim của bệnh nhân mãi mãi không bao giờ đập trở lại nữa. Bác sĩ trực chính ra hiệu dừng hô hấp, Sang kiệt sức và tức giận. "Tôi giận chị, tại sao chị không mạnh mẽ cho con, sao biết mình bị bệnh tim mà lại muốn làm mẹ. Tôi không hiểu. Và tôi cũng không muốn hiểu. Chị có cần phải trả giá quá đắt cho cái nghĩa vụ thiêng liêng của người phụ nữ không?", Sang trăn trở.

10 giây sau khi êkíp bác sĩ trực ngừng mọi nỗ lực hồi sinh cho sản phụ, người chồng nhận được cuộc gọi từ bệnh viện phụ sản báo tin con anh cũng ra đi. Ông bố trẻ thảng thốt kêu lên "Không! Không..." rồi gục xuống. 30 phút sau, anh ngồi dậy và tự tay ký vào hồ sơ đưa thi thể vợ về với gia đình.

Cậu sinh viên Sang không thể tưởng tượng mình đã trải qua một đêm quá dài như thế nào. Bước ra hành lang bệnh viện, đồng hồ báo 5h sáng và bình mình đang lên... "Mẹ hay nói với tôi rằng bình minh mang ý nghĩa cho sự khởi đầu mới. Tôi tự hỏi sự khởi đầu của hai mẹ con chị ấy là gì? Có thể nó thật sự khởi đầu cho hai mẹ con trên thiên đường", chàng trai tự nhủ.

Ngày nay chia sẻ lại sự việc, bác sĩ Sang mong muốn những người mẹ đang bị stress, mệt mỏi, uất ức, khóc một mình vì áp lực chăm con sốt, con ói, con nôn, con ho, con khó ngủ... nên cảm thấy may mắn khi đang có được thiên chức làm mẹ. Nam bác sĩ cũng cảm thấy yêu thương mẹ mình nhiều hơn, thấy mình còn quá nhỏ bé và cần phấn đấu nhiều hơn nữa. 

Theo các bác sĩ tim mạch, về nguyên tắc trước khi mang thai người phụ nữ phải đảm bảo sức khỏe tốt, trong đó có sức khỏe tim mạch. Bệnh nhân tim cần phải được giải quyết bệnh trước khi mang thai để đảm bảo an toàn tính mạng cho cả hai mẹ con. Người bình thường trong quá trình mang thai đã nhiều nguy cơ, với thai phụ tim mạch thì càng rủi ro, đặc biệt là trong ba tháng cuối thai kỳ khi tim phải hoạt động nhiều, thể tích tuần hoàn tăng lên. Nếu đã mang thai, thai phụ cần phải được phối hợp theo dõi thường xuyên giữa bác sĩ tim mạch và sản khoa để có sự can thiệp kịp thời. 

Phụ nữ mắc các bệnh lý không thể mang thai thì có thể nhờ kỹ thuật mang thai hộ để được làm mẹ. Từ ngày 15/3/2015, Việt Nam cho phép mang thai hộ vì mục đích nhân đạo, chỉ định trong trường hợp phụ nữ không có tử cung hoặc dị dạng tử cung bẩm sinh không thể mang thai hay bị cắt tử cung; Phụ nữ mắc các bệnh mà việc mang thai có thể ảnh hưởng đến tính mạng của mẹ và thai nhi; Người sảy thai nhiều lần, tử cung không thể giữ thai đến đủ tháng và thất bại nhiều lần với kỹ thuật hỗ trợ sinh sản.


Nguồn bài viết: vnexpress
Chia sẻ cảm nghĩ của bạn về bài viết này: