Khi trẻ bị sốt đa phần các bà mẹ nghĩ rằng bé phải ăn cháo, uống sữa vì nếu ăn cơm bé sẽ sốt lâu hơn. Điều này có thật sự không đúng vì: Cơm không phải là “thủ phạm” gây sốt của trẻ.
Trẻ sốt là do trẻ bị nhiễm trùng, nhiễm siêu vi trùng. Vi trùng và siêu vi trùng có thể gây ra viêm họng, viêm phổi, sốt xuất huyết, tiêu chảy...Vậy, để trẻ hết sốt thì phải “trị” con vi trùng gây sốt chứ không phải bắt trẻ nhịn cơm.
Trái lại nếu trẻ thích ăn cơm thì hãy động viên trẻ ăn để trẻ tăng sức đề kháng giết vi trùng và không suy dinh dưỡng sau khi bị bệnh. Chỉ nên kiêng cơm cùng những thức ăn cứng nếu trẻ bị sốt do thương hàn vì sợ biến chứng thủng ruột mà thôi.
Cụ thể, chế độ ăn cuả trẻ bị sốt (không phải sốt thương hàn) như sau:
Trẻ nhỏ hơn 6 tháng:
- Bú mẹ nhiều lần, cho trẻ bú bất cứ lúc nào trẻ muốn. Mẹ phải uống thêm sữa và nước để đủ sữa cho trẻ vì trẻ sốt bị mất nước nên rất cần nước.
- Nếu trẻ bú bình: lượng sữa trong một ngày là 150ml cho mỗi cân nặng cơ thể, chia làm 8-10 lần. Cho trẻ uống nước “đã khát” mới cho bú bình vì nếu không bù đủ số nước bị mất do sốt thì trẻ sẽ bỏ bú sữa. Có thể làm mát sữa cho trẻ “háu bú”.
Trẻ từ 6 đến 24 tháng:
- Bú sữa đang dùng: là sữa mẹ hoặc sữa bình trẻ đang dùng và pha như bình thường.
- Bột hoặc cháo có đủ chất dinh dưỡng như bình thường nhưng ăn nhiều cữ trong ngày (4-5 cữ) nhưng mỗi lần ăn ít một (1/3-1/2 chén).
- Chất đạm tốt nhất là sữa, trứng, thịt gà, thịt heo. Tránh làm những món cầu kỳ có xương (lươn, cá) vì mẹ bối rối do con bệnh nên nếu sơ suất sẽ nguy hiểm cho trẻ và thời gian làm món ăn cầu kỳ dành để chăm sóc trẻ thì tốt hơn.
- Cho trẻ uống thêm nước trái cây mát sau khi bú và sau khi ăn bột hoặc cháo.
Trẻ từ 24 đến 60 tháng:
- Ăn cơm như bình thường, nhiều lần, ít một.
- Bữa ăn nên có thêm canh chua hoặc những loại canh mà trẻ dễ ăn như canh khoai mỡ, canh rau ngót, canh nấu thịt, cua mồng tơi....giúp trẻ ngon miệng, dễ ăn.
- Ăn thêm một cữ tối nếu trẻ thèm ăn và thức khuya do sốt.
- Cho trẻ ăn những món mà trẻ thích.
- Ăn thêm những món phụ nhưng bổ dưỡng như bánh Flan, yaourt…
- Uống thêm nước, sữa, yaourt, nước trái cây mát.
Lưu ý:
- “Làm mát” thức uống của trẻ bằng cách cho thức uống vào tủ lạnh hoặc ướp đá bên ngoài, không được cho đá vào thức uống của trẻ vì tránh nhiễm trùng do đá gây ra.
- Khi sốt, trẻ rất khát nên nước mát và thức ăn lỏng, mềm dễ hấp dẫn trẻ, giúp trẻ ăn nhiều hơn và dễ hấp thu hơn.
- Khi sốt trẻ cần nhiều nước và vitamin nên trẻ cần uống thêm nước trái cây.
- Không nên ép trẻ ăn quá nhiều mà chỉ khuyến khích trẻ ăn khi bị bệnh vì trẻ sẽ ói và sợ ăn. Sau khi hết bệnh sẽ “sợ ăn” luôn.
+ Xem thêm:
BÉ BỊ SỐT TAY CHÂN LẠNH MẸ CHỚ CHỦ QUAN