Năm 2017 Bệnh Thuỷ Đậu Tăng 50% Số Người Mắc Bệnh

  4202

Thời tiết lạnh, ẩm tạo điều kiện thuận lợi cho mầm bệnh phát triển, gia tăng nguy cơ mắc các bệnh truyền nhiễm, trong đó có thủy đậu.

Ngày 4/1, Bộ Y tế tổ chức hội nghị trực tuyến tăng cường công tác phòng chống dịch bệnh mùa đông xuân. Thời tiết lạnh, ẩm tạo điều kiện thuận lợi cho mầm bệnh phát triển, gia tăng nguy cơ mắc các bệnh truyền nhiễm, trong đó có thủy đậu.

Theo tiến sĩ Trần Đắc Phu, Cục trưởng Y tế Dự phòng, số ca bệnh thủy đậu hàng năm ở mức cao gần như khắp cả nước. Trong năm 2017, cả nước ghi nhận gần 40.000 ca bệnh, tăng gần 50% so với năm 2016. Số bệnh nhân bắt đầu có xu hướng tăng từ tháng 1, đạt đỉnh vào tháng 3 với 8.000 ca trong khi trung bình các tháng dưới 3.000 người bệnh.

Người lớn, trẻ nhỏ đều có thể mắc thủy đậu nếu không có miễn dịch. Ảnh minh họa: T.X

Người lớn, trẻ nhỏ đều có thể mắc thủy đậu nếu không có miễn dịch. Ảnh minh họa: T.X

“Hiện văcxin phòng thủy đậu mới chỉ được tiêm dịch vụ, số bệnh nhân nhiều song bệnh diễn biến không nặng nên độ bao phủ tiêm văcxin không cao”, tiến sĩ Phu nói.

Tại TP HCM, số bệnh nhân thủy đậu cũng tăng 46%. Tiến sĩ Phan Trọng Lân, Viện trưởng Pasteur TP HCM cho rằng cần tuyên truyền phù hợp để bố mẹ đưa con đi tiêm phòng thủy đậu, ngoài 10 loại văcxin bắt buộc trong chương trình tiêm chủng mở rộng.

Biểu hiện của bệnh thủy đậu gồm mệt mỏi, nhức đầu, sốt nhẹ, chảy nước mũi, đau họng, các nốt ban đỏ ở vùng da đầu, mắt rồi lan ra toàn thân. Ở người khỏe mạnh, thủy đậu thường lành tính và ít để lại di chứng. Ở trẻ sơ sinh và phụ nữ có thai, do khả năng bảo vệ suy giảm nên bệnh có thể dẫn đến nhiều biến chứng, đặc biệt phụ nữ mang thai ở tuần 13-20. Trẻ sơ sinh mắc thủy đậu lây truyền từ mẹ diễn biến cũng rất nghiêm trọng với tỷ lệ tử vong lên đến 30%.

Phần lớn người bị thủy đậu thường tự khỏi và không để lại sẹo, tỷ lệ biến chứng chỉ 1% do nhiễm trùng huyết, viêm não... Bệnh không có triệu chứng nặng nề ngoài những mụn nước nhưng dễ gây nhiễm trùng da nơi mụn mọc. Khi đã mắc bệnh, con người sẽ có miễn dịch suốt đời và ít khi tái phát. Tuy nhiên, vẫn có trường hợp tái nhiễm có hay không có biểu hiện lâm sàng.

Các chuyên gia khuyến cáo, khi trẻ nhỏ mắc bệnh, cha mẹ cần cách ly trẻ với những người khác chưa có miễn dịch. Tốt nhất là cho trẻ nghỉ học đến khi khỏi hẳn để tránh lây lan bệnh. Cha mẹ khi chăm sóc trẻ cũng cần chú ý để không bị lây bệnh. Đồ dùng như quần áo, khăn mặt của người bệnh cần được ngâm giặt bằng xà phòng, phơi nắng, là ủi. Người lớn có thể lây bệnh từ trẻ hoặc trở thành trung gian truyền bệnh.

Người bị thủy đậu nếu có nốt phỏng dạng nước đục không trong, nghĩa là có bội nhiễm vi khuẩn. Trẻ mắc thủy đậu nếu ho, sốt tăng, đau đầu, nôn, chậm chạp hơn... thì cần đến bệnh viện, tránh biến chứng nguy hiểm đến tính mạng.

Tổ chức Y tế Thế giới khuyến cáo đối với thủy đậu, tiêm văcxin là cách phòng bệnh đơn giản và hiệu quả nhất cho bản thân, cho cộng đồng. Phụ nữ nên tiêm văcxin phòng bệnh trước khi có thai; không được tiêm khi đã mang thai. Trẻ từ một đến 12 tuổi, chỉ cần một liều văcxin là đủ giúp ngăn ngừa bệnh thủy đậu. Từ 13 tuổi trở lên, mỗi người cần được tiêm hai liều cách nhau ít nhất sáu tuần.

+ Xem thêm:

Trẻ Bị Thuỷ Đậu Có Cần Cách Ly Không? Bao Lâu Thì Khỏi ?

Ngừa Sởi Thuỷ Đậu Đừng Đợi Có Dịch Rồi Mới Cho Con Chích Ngừa


Nguồn bài viết: vnexpress
Chia sẻ cảm nghĩ của bạn về bài viết này: