Mẹo Giúp Bé Hợp Tác Khi Đi Khám Răng

  4512

Bố mẹ cần chú ý một số vấn đề dưới đây để giúp trẻ không sợ hãi và có thể hợp tác với bác sĩ nha khoa trong khám và điều trị.

Ngày nay nhiều bậc cha mẹ rất quan tâm đến việc chăm sóc răng miệng của con nhưng do không có kỹ năng khiến trẻ rất sợ bác sĩ nha khoa, không hợp tác khi cần điều trị, nhất là đối với trẻ nhút nhát hoặc quá hiếu động… Vì vậy, bố mẹ cần chú ý một số vấn đề dưới đây để giúp trẻ không sợ hãi và có thể hợp tác với bác sĩ nha khoa trong khám và điều trị.

Tập làm quen với nha sĩ

Đối với trẻ nhỏ trước khi đưa đến gặp bác sĩ nói chung và bác sĩ nha khoa nói riêng cần được cha mẹ nói chuyện, làm quen với câu chuyện, phim hoạt hình hoặc trò chơi bác sĩ – bệnh nhân. Tại nhà mỗi lần vệ sinh răng miệng cha mẹ cần sử dụng các các thao tác vui đùa như khám răng, chải răng, xem răng cho bé. Cha mẹ cũng cần đổi vai bác sĩ – bệnh nhân cho bé được làm quen.

Động viên khen ngợi trẻ giúp trẻ tự tin hơn khi gặp nha sĩ.

Trước khi điều trị, nên cho trẻ đến phòng răng sớm để trẻ tập làm quen và quan sát. Bé làm quen và có ý thức về điều trị, không điều trị trong lần hẹn đầu tiên.

Trẻ sẽ gặp người bệnh, trợ thủ và nha sĩ. Nếu thuận lợi, cho trẻ làm quen dần với một số dụng cụ nha khoa, giải thích các dụng cụ và quá trình khám bệnh một cách dễ hiểu và gần gũi với bé. Kỹ thuật này hơi khác với cuộc hẹn quan sát trong đó trẻ nhìn cha mẹ hoặc người khác điều trị. Trong cuộc hẹn quan sát, cần chú ý lựa chọn bệnh nhân rất hợp tác với điều trị, đặc biệt là những bệnh nhân có cùng độ tuổi với trẻ. Tuy nhiên, cuộc hẹn quan sát có thể có tác dụng ngược lại nếu trẻ thấy điều gì đó làm nó sợ hãi.

Nói chung, cuộc hẹn đầu tiên càng đơn giản, càng dễ chịu càng tốt. Trong cuộc hẹn này không làm bất kỳ điều gì khiến cháu đau và sợ hãi.

Nói, trình bày, làm và khen ngợi

Đối với cha mẹ, tại nhà trước vài hôm có lịch hẹn với bác sĩ cần giải thích cho bé lợi ích của việc khám răng, ngồi ghế, các dụng cụ điều trị. Cha mẹ là người động viên khen ngợi giúp trẻ tự tin khi điều trị. Có thể lấy hình ảnh răng xấu xí nếu không điều trị và hình ảnh răng đẹp khi đã được điều trị cho trẻ xem.

Đối với bác sĩ trước khi bắt đầu công việc (trừ việc gây tê tại chỗ và các thủ thuật phức tạp khác khó khăn khi giải thích như điều trị tủy) nói cho trẻ biết công việc sẽ làm. Sử dụng từ ngữ rất quan trọng trong kỹ thuật “nói, trình bày, làm”. Khi thực hiện, nha sĩ cần phải dùng một số từ ngữ thích hợp, dễ hiểu để trẻ có thể hiểu và chấp nhận thủ thuật. Song song với việc nói và làm thì bé cần được khen ngợi và giao tiếp giúp bé thấy yên tâm và gần gũi với nha sĩ, điều này giúp cho việc điều trị nha khoa cho trẻ diễn ra thuận lợi hơn và ngược lại.

Một số tâm lý của trẻ thường gặp:

- Tổn thương tình cảm: biểu hiện rõ ràng về tình trạng rối loạn về cảm xúc là sự lo âu. Khi sự lo âu của tình trạng này kết hợp với nỗi lo của một cuộc hẹn điều trị thì thường gây bột phát cơn giận dữ đột ngột. Trẻ em bị tổn thương tình cảm nói chung thường là những bệnh nhân nha khoa khó chịu. Trong hoàn cảnh điều trị tốt nhất, các bé vẫn không thấy vui.

- Nhút nhát, khép kín: trẻ nhút nhát sẽ bị căng thẳng thần kinh về việc điều trị nha khoa. Căng thẳng thần kinh này sẽ khiến trẻ có thái độ né tránh như khóc nhưng hiếm khi trẻ bột phát cơn giận dữ.

- Sợ hãi: Là một khó khăn lớn đối với nha sĩ trong điều trị răng trẻ em. Sự sợ hãi có thể là sợ đau, sợ chảy máu… những cũng có thể là một nỗi sợ chung chung không biết rõ.

Lời khuyên bác sĩ

Để các bé hợp tác tốt trong điều trị nha khoa thì cha mẹ cần tập thói quen đưa bé đến nha khoa từ khi răng mới mọc, điều này giúp bé không sợ sệt mỗi khi đến gặp nha sĩ, đồng thời hỗ trợ cho sự phát triển toàn diện về răng lợi của bé.

Trong quá trình điều trị nếu phản ứng không tốt là do sự sợ hãi quá độ, bắt buộc cha mẹ và nha sĩ không được làm cho trẻ sợ hãi thêm. Có thể hoãn lại cuộc điều trị nha khoa để làm cho trẻ bớt căng thẳng hoặc điều trị nha khoa dưới tác dụng của khí gây thư giãn hoặc gây mê.

Cha mẹ nên nhớ, các bé không thích uy quyền. Chính vì vậy, cha mẹ cần tôn trọng bé và cần giải thích, nói chuyện thường xuyên về việc khám răng. Điều này giúp bé dần dần nhìn nhận đúng hơn khi điều trị nha khoa.

Các bậc cha mẹ có thể nhận ra tâm lý của bé sợ hãi trước khi bắt đầu điều trị nha khoa. Đối với trường hợp trẻ bị rối loạn cảm xúc là khó xác định nhất. Do vậy, nếu có nghi ngờ bé có những rối loạn cảm xúc, căng thẳng thần kinh nên đưa trẻ đi khám chuyên khoa tâm lý.

+ Xem thêm:

CHĂM SÓC RĂNG MIỆNG CHO BÉ THẾ NÀO CHO ĐÚNG

CÁCH PHÒNG NGỪA SÂU RĂNG CHO TRẺ


Nguồn bài viết: suckhoedoisong
Chia sẻ cảm nghĩ của bạn về bài viết này: