Mẹ Xử Lý Sai Cách Khi Con Sốt Trẻ Dễ Có Nguy Cơ Tử Vong

  7417

Đã có nhiều trường hợp trẻ nguy kịch, tử vong do người lớn xử lý không đúng cách khi trẻ bị sốt.​

Trong thời điểm thời tiết giao mùa như hiện nay, trẻ rất dễ bị ốm sốt. Tuy nhiên, nếu không biết cách xử lý, nhiều cha mẹ vô tình khiến bệnh của trẻ càng nặng hơn, thậm chí nguy hiểm đến tính mạng.

Không nên cho ngón tay hay bất cứ vật gì khi trẻ đang lên cơn giật. Ảnh minh họa

Nói về điều này, theo chia sẻ của bác sĩ  Đinh Tấn Phương - Trưởng khoa Cấp cứu, Bệnh viện  Nhi Đồng 1 trên báo Phụ nữ TP.HCM dẫn chứng, mới đây, bé P.K.D., (3 tuổi, ngụ tại H.Bình Chánh, TP.HCM) suýt tử vong do xử lý sốt theo kiểu dân gian. Thấy cháu co giật, bà nội vội vàng vắt chanh vào miệng bé (theo quan niệm dân gian, vắt chanh sẽ hết co giật). Ngay sau đó, bé ho tím tái.

Theo lời bác sĩ Phương, khi bệnh nhi nhập viện không còn co giật, nhưng bị biến chứng viêm phổi hít do sặc nước chanh. Bé phải nằm viện điều trị viêm phổi cả tuần sau đó.

Một trường hợp khác là bé T.D.T. (5 tuổi, ngụ tại Trà Vinh) bị co giật do viêm màng não, nhập khoa Nhiễm - thần kinh BV Nhi Đồng 1 điều trị viêm màng não.

Phát hiện bệnh nhi hô hấp có dấu hiệu bất thường, các BS chụp phổi, phát hiện dị vật là… chiếc răng. Trước đó bé bị co giật, hai hàm răng cắn chặt. Người nhà sợ bé cắn lưỡi đã lấy muỗng nạy răng, lỡ tay làm gãy một chiếc răng của bé.

Mỗi ngày, Khoa Cấp cứu BV Nhi Đồng 1 tiếp nhận trên 10 bé bị co giật. 70% trẻ bị co giật do sốt cao (lành tính), số còn lại là động kinh có liên quan tới các bệnh lý nguy hiểm đi kèm như viêm màng não, viêm não, chấn thương sọ não, tiêu chảy làm rối loạn điện giải…

Tiến sĩ Nguyễn Tiến Dũng, nguyên trưởng Khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) cho biết trên báo Vnexpress, nếu sốt cao thông thường do virus, trẻ co giật rồi hết, không gây hại gì. Cha mẹ cũng không cần phải cho trẻ uống thuốc chống co giật.

Bác sĩ cũng lưu ý trước đây khi trẻ lên co giật, cha mẹ được khuyên nên nhanh chóng cho vật gì đó như ngón tay, thìa... chèn hai bên răng bé để trẻ đỡ cắn lưỡi. Khuyến cáo mới hiện nay thì ngược lại, không nên cho ngón tay hay bất cứ vật gì khi trẻ đang lên cơn giật. 

Liên quan đến vấn đề trên, chia sẻ trên báo Sức khỏe & đời sống, bác sĩ Minh Ngọc phân tích, khi sốt nhẹ, 37,5 - 38 độ C, phụ huynh chưa cần dùng thuốc cho trẻ. Việc tùy tiện dùng thuốc khi chưa có chỉ định rất nguy hiểm, có thể gây hại cho sức khỏe của trẻ.

Ngoài ra, không lau mát cho trẻ bằng rượu, cồn, bởi những nguyên liệu này có thể làm mát nhanh nhưng cách này rất nguy hiểm vì trong rượu, cồn chứa một số hóa chất có thể thấm qua da khiến trẻ bị ngộ độc.

Thói quen chườm đá lạnh cho trẻ khi sốt cũng rất nguy hiểm vì cơ thể bé đang nóng, nếu chườm đá lạnh, nhiệt độ nóng lạnh chênh lệch quá mức có thể gây bỏng lạnh, khiến trẻ bị suy hô hấp ngay lập tức. Đặc biệt việc cạo gió cho trẻ có thể khiến trẻ bị rối loạn đông máu, việc cầm máu vô cùng khó khăn.

Việc ủ quá ấm cho trẻ khi sốt cũng rất nguy hiểm vì có thể làm thân nhiệt trẻ càng tăng cao, gây nguy cơ sốt co giật ngay lập tức. Ngoài ra, không nên kiêng nước cho trẻ, khi trẻ sốt việc vệ sinh cơ thể bằng nước ấm sẽ giúp trẻ cảm thấy dễ chịu hơn và là phương pháp hạ nhiệt hữu hiệu. Tuy nhiên, nên tắm cho trẻ nhanh hơn ngày thường để tránh nhiễm lạnh.

+ Xem thêm:

Mẹ Tây Hạ Sốt Cho Con Bằng Một Que Kem

Bố Mẹ Tuyệt Đối Đừng Hạ Sốt Theo Những Cách Này Nhé Có Khi Lại Hại Con


Nguồn bài viết: sưu tầm
Chia sẻ cảm nghĩ của bạn về bài viết này: