Mẹ Thường Làm Những Cách Này Để Hạ Sốt Mà Không Biết Đã Gây Hại Cho Con

  9017

Khi bé sốt, bạn luôn tìm mọi cách để con yêu hạ nhiệt nhanh nhất, mà không ngờ việc làm này chính là nguyên nhân khiến con gặp nguy hiểm.

Khi bé sốt, bạn luôn tìm mọi cách để con yêu hạ sốt nhanh nhất, mà không ngờ việc làm này chính là nguyên nhân khiến con gặp nguy hiểm.


Vì quá lo lắng nên các mẹ thường có những hành động chăm sóc con không đúng cách khi chúng bị sốt​
1. Dán miếng hạ sốt

PGS. TS Nguyễn Tiến Dũng, nguyên Trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai, cho biết hiện nay trên thị trường bán chủ yếu là miếng dán lạnh, hạ nhiệt theo cơ chế hấp thụ nhiệt và phân tán ra ngoài nhưng thực tế chưa có nghiên cứu khoa học nào chứng minh tác dụng của loại miếng dán này.

Bệnh viện Bạch Mai từng tiếp nhận nhiều bé nhập viện trong tình trạng khó thở, người tím tái trong cơn co giật do phụ huynh chỉ dùng miếng hạ dán hạ sốt mà không cho bé uống thuốc, trong khi biện pháp này không đem lại tác dụng cho con họ.

Bên cạnh đó, nhiều bé còn bị viêm da vùng trán do dán quá lâu khiến lỗ chân lông bị bít. Đặc biệt, khi bé bị dị ứng với các chất trong miếng dán rất nguy hại. Nếu không phát hiện kịp thời cũng có thể ảnh hưởng đến sức khỏe, thậm chí gây tử vong cho trẻ.

“Khi bé bị sốt, có thể dùng khăn ấm lau toàn thân cho con, đặc biệt các mẹ nên lau nhiều ở trán, 2 hốc nách và bẹn, thay khăn 2-3 phút/lần để bé hạ nhiệt. Không nên cho con dùng miếng dán hạ sốt bởi vừa mất tiền vừa không giúp chúng hạ sốt, chưa kể đến việc còn gây hại cho bé", ông Dũng cho hay.

2. Chườm lạnh

Thay vì dùng khăn ấm lau người cho bé, chườm lạnh là biện pháp hầu như phụ huynh nào cũng áp dụng khi bé sốt nhưng thực chất biện pháp này không có tác dụng mà còn có thể gây hại.

Theo PGS Dũng, khi bé sốt bạn thường không hiểu rõ căn nguyên từ đâu, nếu sốt do nhiễm khuẩn, viêm phổi, chườm lạnh sẽ làm bệnh trầm trọng thêm. Đặc biệt, phụ huynh tuyệt đối không dùng đá chườm vì có thể gây bỏng lạnh, khiến con bị suy hô hấp.

Đắp khăn lạnh, tắm lạnh hay chườm lạnh các bạn chỉ được thực hiện trong trường hợp say nóng, say nắng. Tuy nhiên, vị chuyên gia này không khuyến khích vì hiệu quả không cao.
​ 
Khi bé bị sốt, có thể dùng khăn ấm lau toàn thân cho con, đặc biệt lau nhiều ở trán, 2 hốc nách và bẹn, thay khăn 2-3 phút/lần để bé hạ nhiệt.​

3. Đóng kín cửa

Bác sĩ Dũng cho biết sốt quá cao sẽ gây hiện tượng co mạch ngoại vi nên con người lúc này sẽ có cảm giác ớn lạnh, rét run, chân tay lạnh ngắt nhưng thực chất nhiệt độ trong người rất nóng, lên đến 40-41 độ C. Vì thế, càng đắp chăn, càng đóng kín cửa, thân nhiệt càng lên cao, khi đó, bé lại càng lạnh, đến khi lên đỉnh điểm, con sẽ bị co giật, tím tái.

"Khi bị sốt là không được đắp chăn, không được đóng kín cửa mà phải mở cửa, quạt cho thông gió, để không khí trong nhà lưu thông. Với cách này chỉ một lúc sau bệnh nhân sẽ hết cảm giác rét, cơ thể dần ấm lên. Trong khi đó, hầu hết mọi người lại làm ngược lại, khiến bệnh càng nặng thêm", tiến sĩ Dũng khuyến cáo.

Chuyên gia lưu ý thêm việc tạo môi trường, không khí thông thoáng rất quan trọng trong việc thoát nhiệt của người bệnh, làm cơn sốt tan biến, thậm chí bé không cần phải uống thuốc.

4. Uống thuốc hạ sốt

Nhiều bậc phụ huynh đều có chung tâm lý là phải hạ sốt thật nhanh cho trẻ bằng mọi cách như uống thuốc, đặt thuốc ở hậu môn, dùng thuốc kết hợp. Bác sĩ Dũng nhấn mạnh: “Phụ huynh không cho bé uống thuốc hạ sốt khi nhiệt độ dưới 38,5 độ C. Cũng không cho con uống thuốc co giật sớm, điều này sẽ làm khó cho bác sĩ khi thăm khám”.

Ở các bé, thân nhiệt ở miệng từ 37,5 độ C trở lên, ở nách từ 37,2 độ C tức là con đang sốt, song không phải trường hợp nào cũng cần dùng đến thuốc hạ sốt. Khi sốt nhẹ, thân nhiệt trẻ ở mức 37,5-38,5 độ C, chỉ cần cởi bớt quần áo, cho trẻ uống nhiều nước, hoặc bú mẹ nhiều hơn.

Nếu bé ở nhiệt độ từ 38,5 độ C trở lên, mẹ có thể dùng loại thuốc được ưu tiên dùng, ít tác dụng phụ nhất hiện nay là paracetamol với liều 15mg/kg cân nặng. Khoảng cách giữa các lần uống từ 4-6 tiếng. Sau uống khoảng gần một tiếng thuốc mới bắt đầu phát huy tác dụng và hạ sốt dần. Trong thời gian chờ thuốc có tác dụng, các mẹ tránh nôn nóng cho con uống thêm thuốc.

5. Ăn kiêng

Khi bé bị ốm thường kèm theo các biểu hiện sốt, tiêu chảy, nhu cầu năng lượng và các chất dinh dưỡng mà con cần nhiều hơn bình thường. Tuy nhiên, nhiều phụ huynh lại bắt bé phải ăn kiêng khem như không cho con ăn dầu hoặc mỡ, không cho bé bú, không cho con ăn rau xanh, chất tanh bởi sợ chúng đi ngoài nhiều hơn.

Bác sĩ Dũng khuyến cáo chăm sóc và nuôi dưỡng bé trong và sau khi bị ốm rất quan trọng vì nó sẽ làm cho con mau khỏi bệnh, mau phục hồi sức khỏe và giúp con tăng cường sức đề kháng đối với bệnh tật. Đặc biệt, trường hợp sốt mất nước, không được bù nước (uống nước Oresol) và ăn uống thiếu chất, bé dễ bị nguy cơ suy dinh dưỡng, sức đề kháng yếu, lâu lành bệnh.

+ Xem thêm:

MẸO NHỎ GIÚP CON KHÔNG SỐT KHI CHÍCH NGỪA

NHỮNG MÓN ĂN GIÚP BÉ HẠ SỐT MẸ NÊN BIẾT


Nguồn bài viết: sưu tầm
Chia sẻ cảm nghĩ của bạn về bài viết này: