Mẹ Cho Con Bú Không Uống Những Thứ Sau Kẻo Con Bị Tiêu Chảy

  9931

Uống thuốc lá (thuốc nam) theo lời mách, kết quả lợi chưa thấy đâu chỉ thấy nhãn tiền con tiêu chảy ròng rã từ ngày này sang ngày khác...



Dùng thuốc các kiểu mà không đỡ

Trong nhóm các cháu nhỏ phải xử lý tiêu chảy khá khó khăn, chúng tôi rất ấn tượng với cháu bé 1 tuổi, con chị Nguyễn Hà Tr. (Thanh Xuân, Hà Nội). Cháu nhỏ mới có hơn 1 tuổi nhưng đã đi tiêu chảy gần một tháng nay. Cháu đã được đi chữa ở bệnh viện nhi Trung ương, khoa nhi Bệnh viện Bạch Mai. Rồi cũng sang cả Việt Pháp và vài bệnh viện khác nữa. Nhưng cháu cứ xì xoẹt ngày 3-5 lần, phân cũng không có nhiều nhưng phân rất nát và không đẹp. Cuối bãi thường có bọt chút ít. Phân có mùi chua và tanh.

Sau khi đến với chúng tôi, chúng tôi thừa nhận tình trạng này của cháu. Chúng tôi đã cho đi xét nghiệm phân nhưng cũng không tìm thấy gì khác biệt. Bởi lẽ cháu đã uống khá nhiều thuốc và khá nhiều loại men tiêu hóa nên dấu hiệu bệnh lý trong phân đã bị che mờ đi rất nhiều. Điều duy nhất chúng tôi có được đó là khám bụng và quan sát phân của cháu. Chúng tôi đã phải sử dụng thêm thuốc chống tiêu chảy kép loại, nâng liều lên đạt đến tối đa. Hàng ngày cháu đi có giảm còn 3 lần/ngày nhưng vẫn không hết chua và hết bọt. Chúng tôi có dặn dò mẹ bé kỹ càng cần phải thực hiện chế độ ăn kiêng theo chế độ hậu sản nhằm lành mạnh hóa dòng sữa mẹ. Bà mẹ, ông bố và cả người bà đều xác nhận sự việc này. Rằng bà mẹ ăn kiêng khem rất kỹ cả tháng nay. Chúng tôi gần như bất lực thì tôi chợt thấy lúc nghỉ ngơi, bà mẹ lôi từ ba lô ra một chai màu đen để uống. Chúng tôi hơi ngạc nhiên là lẽ ra trong lúc này bà mẹ cần phải uống sữa hay nước trắng thì mới có tác dụng. Tuy nhiên loại nước bà mẹ sử dụng lại là loại nước màu đen. Hỏi ra mới biết, một ngày chị Tr., phải uống hết 2 chai 1 lít nước này. Đó là nước sắc thuốc lá, nhằm làm tăng lượng sữa. Đây chính là nguyên nhân.

Chúng tôi tiến hành cắt nước thuốc lá trong chế độ ăn uống của bà mẹ. Thật tuyệt vời, sau hai ngày, tình trạng phân của bé ổn hẳn. Không còn bọt nữa. Chính nước sắc thuốc lá là nguyên nhân gây ra tình trạng này. 

Bà mẹ ngạc nhiên: em tưởng thuốc người ta kê tốt cho mẹ thì phải tốt cho con.

Nhưng có tốt thật không?

Thuốc lá còn gọi là thuốc nam, thuốc bắc, về nguyên bản, đó là cách thức điều trị của y học cổ truyền. Nó có những giá trị nhất định trong điều trị bệnh. Chẳng hạn như bệnh viêm da cơ địa (còn gọi là bệnh eczema) điều trị bằng thuốc nam, thuốc bắc khá đáp ứng. Nhưng không phải vì thế mà thuốc lá tốt với mọi trường hợp và mọi bệnh nhân.

Với các bà mẹ đang cho con bú, lợi thu được ít hơn rất nhiều tai hại có thể xảy ra. Tại sao vậy? Tại vì mấy lý do sau đây.

1. Thuốc lá có chứa chất bảo quản ở nồng độ rất cao. Nguyên liệu làm thuốc là các loại thảo dược. Đây là những sản phẩm hữu cơ, tức là có thể bị thối và lên men. Do không có khả năng ngăn cách không khí và mầm bệnh nên người ta phải dùng chất diêm sinh với nồng độ cao (có chứa đậm đặc lưu huỳnh, là một chất vô cùng độc hại) tẩm hấp vào thuốc. Nhờ đó thuốc mới không bị thối hỏng nhưng cũng vì thế người dùng uống vào sẽ bị tác hại. Trước mắt là lưu huỳnh đi qua sữa mẹ, vào đường ruột con và làm cho hệ vi khuẩn ruột bị "chết hàng loạt".

2. Thuốc lá có thể nhiễm nấm mốc. Do cách bảo quản, điều kiện bảo quản, cơ sở vật chất của mỗi tiệm thuốc nam bắc khác nhau nên mầm bệnh ngoại lai khác nhau. Một số chỗ bị nhiễm nấm mốc trắng xóa. Nhưng mắt thường không thể biết được. Hậu quả, mẹ uống, con bị tiêu chảy sườn sượt vì những chất độc của vi khuẩn và nấm. Ví dụ như aflatoxin từ nấm.

3. Thuốc lá có nhiều hoạt chất lạ. Trong cách thức điều trị, người ta dùng toàn cây, toàn lá, toàn thân hoặc toàn rễ mà không chiết xuất được chất cần dùng. Ngoài những chất có tác dụng sinh học thì chúng còn chứa rất nhiều chất ngoại lai. Những chất này không thể bị tiêu hóa được bởi hệ tiêu hóa trẻ thơ. Và đương nhiên, phân sẽ có mùi chua và có bọt do bị sống phân.

4. Uống thuốc đông y cần phải kiêng khem. Gần như kiêng đủ thứ: tôm, cua, cá, trai, nghêu, gà, trứng, rau ngót, rau cải... Kiêng như vậy, không còn chất dinh dưỡng, sữa mẹ nghèo nàn. Có cho con bú, chất lượng dinh dưỡng thu được cũng ở mức rất thấp. Dẫn tới con dễ có nguy cơ rơi vào trình trạng tiền suy dinh dưỡng.

Với những phân tích như trên, chúng tôi khuyên: trong các trường hợp bất đắc dĩ, bà mẹ phải dùng thuốc y học cổ truyền điều trị thì nên ngừng hãm việc cho con bú. Thay thế bằng sữa nuôi công thức. Còn tất cả các trường hợp có thể ngừng được thì nên đợi đến khi cháu 1,5 tuổi (18 tháng) mẹ bắt đầu điều trị và thôi cho con bú vào thời điểm này. Không nên áp dụng vừa cho bú, vừa nghe bà hàng xóm và uống thập cẩm các loại thuốc vào làm tăng sữa rồi làm tăng luôn cả sự "tháo cống" đường ruột cho con.

+ Xem thêm:

15 BÀI THUỐC TRỊ TIÊU CHẢY HIỆU QUẢ CHO BÉ

CHẾ ĐỘ ĂN UỐNG CỦA TRẺ KHI BỊ TIÊU CHẢY


Nguồn bài viết: webtretho
Chia sẻ cảm nghĩ của bạn về bài viết này: