Mẹ Cần Biết Để Phân Biệt Con Khóc Vì Đói Vì Gắt Ngủ Hay Vì Đau Bệnh

  12140

Nhận biết 6 Kiểu Khóc Của Bé Để Đối Phó. Bạn cứ thử tham khảo và lắng nghe tiếng khóc của chính con mình xem có đúng không nhé.

Khóc là hành vi bình thường của trẻ sơ sinh, là cách thức giao tiếp của bé với thế giới xung quanh mà không phải ai cũng hiểu.

Nhiều người mẹ đã chú ý và nhận ra được ở con mình – cũng như những trẻ sơ sinh nói chung – có 6 kiểu khóc tương ứng với nhiều lý do khác nhau. Nhờ sự “ở không” nghiên cứu này mà những người mẹ đó có thể nhanh chóng đáp ứng được nhu cầu cấp thiết của con, hoặc có thể bình tĩnh lờ đi khi vấn đề không có gì nghiêm trọng.

Bạn cứ thử tham khảo và lắng nghe tiếng khóc của chính con mình xem có đúng không nhé. Và lưu ý là ngoài tiếng khóc thì bạn cũng nên chú ý đến giai đoạn trước khi bé òa khóc – là lúc bé vẫn còn tương đối bình tĩnh để có thể bày tỏ nhu cầu của mình.

1. Khi con đói, tiếng khóc của con thường lớn và liên tục, bé sẽ không nín cho đến khi được ăn; đi kèm với tiếng khóc này có thể là hành động ngọ nguậy rất nhiều, bé ngậm môi hoặc đút tay vào miệng. Ngoài ra trước khi khóc còn có thể có âm thanh “neh neh” được tạo từ phản xạ mút, lưỡi bé ấn lên vòm miệng. Có trường hợp khi khóc quá dữ dội vì đói, bé đã đồng thời nuốt vào quá nhiều không khí, bị đầy hơi, và lại càng khóc nhiều hơn, vậy nên khi thấy con đói bạn hãy sớm cho bé bú để tránh tình trạng này.

2. Khi con khóc buồn ngủ, bạn có thể nghe thấy tiếng khóc của con khá nhỏ nhẹ, có thể nghe được cả tiếng thở của bé; bé có thể dụi mắt, mắt bị đỏ hoặc bị phồng lên ở dưới mắt. Bố mẹ thường coi nhẹ tiếng khóc này, nhất là vào những thời điểm không phải là giờ ngủ của con mà không nghĩ rằng hôm đó bé có thể muốn ngủ nhiều hơn, hoặc bé cảm thấy mệt hơn ngày thường.

3. Khi con cảm thấy bất tiện – có thể do bị lạnh, bị ngứa, do bé vừa làm bẩn tã, hoặc tư thế nằm không thoải mái… tiếng khóc của con có hơi hướng rên rỉ, khó chịu, đứt quãng và lặp lại; bé có thể đập tay hoặc dụi mặt. Bạn hãy tìm ra lý do để giúp con nhé.

4. Khi con cảm thấy đau, khó chịu, tiếng khóc của bé nghe gắt, bất thường, dữ dội, khó dỗ và có thể khóc lâu vài tiếng. Bé có thể có các hành động phụ họa như cong người lại, đập đạp xung quanh, toàn bộ cơ thể đều tỏ vẻ khó chịu… Ngoài ra, bé có thể bị sốt, khó ngủ hoặc khó thức dậy, cư xử không giống như bình thường. Lúc này bạn hãy tin vào bản năng của mình và đưa con đi khám hoặc ít nhất là gọi hỏi bác sỹ.

Có 1 trường hợp ngoại lệ đơn giản mà bạn có thể tự xử lý đó là bé khóc do đầy hơi sau khi ăn, đi cùng với các động tác co chân lên hoặc đạp chân; khi này bạn hãy bế đứng con và vỗ nhẹ liên tục lưng bé, bạn cũng nhớ lót sẵn khăn lên vai mình để khỏi bẩn áo nhé.

5. Khi con buồn chán, tiếng khóc của bé thường không to như vì các lý do khác. Trong trường hợp này, bạn không nên vội vàng phản ứng vì trong lúc bạn chưa phản ứng, có thể con đã tự tìm được thứ để chú ý đến và hết buồn, chẳng hạn như các hình treo nôi hoặc chính bàn tay của mình giơ lên trước mặt.

6. Khóc dạ đề – con khóc rất lâu, mỗi lần có thể kéo dài hơn 3 tiếng đồng hồ, hơn 3 tối mỗi tuần, kéo dài hơn 3 tuần… không vì lý do gì cả, ngoài khóc ra bé vẫn khỏe mạnh bình thường. Đây không phải là bệnh để chữa, tuy nhiên có 1 số mẹo liên quan mà bạn có thể làm để cuộc sống của cả mình và con được dễ chịu hơn. 

+ Xem thêm:

MÁCH MẸ 5 MÓN ĂN TRỊ KHÓC DẠ ĐỂ Ở TRẺ SƠ SINH

MẸ CẦN BIẾT: HIỆN TƯỢNG KHÓC DẠ ĐỀ Ở TRẺ SƠ SINH


Nguồn bài viết: sưu tầm
Chia sẻ cảm nghĩ của bạn về bài viết này: