Nghiên cứu cho thấy các bà mẹ từng bị nôn ói nhiều trong giai đoạn mang thai sẽ có ít nguy cơ bị sảy, hư thai hơn những người khỏe mạnh trong suốt thai kỳ. Các bé sinh ra từ những bà mẹ này cũng ít bị khuyết tật bẩm sinh và phát triển về dài hạn tốt hơn.
Phát hiện này có thể là tin vui cho nhiều thai phụ từng khổ sở vì những cơn buồn nôn, nôn ói khi chờ con ra đời. Nghén ảnh hưởng tới khoảng 85% bà bầu và được xem là do sự gia tăng nhanh chóng của gonadotropin - hoóc môn do nhau thai tiết ra.
Nhóm nghiên cứu từ Bệnh viện trẻ em ở Toronto, Canada, đã tìm hiểu trên các bà mẹ bị chứng ốm nghén ở mọi cấp độ, và phát hiện thấy lợi ích của tình trạng này trên diện rộng. Họ xem xét lại dữ liệu từ 10 công trình độc lập, được tiến hành ở 5 quốc gia từ năm 1992 tới 2012, liên quan tới 850.000 phụ nữ mang thai.
Các kết quả ghi nhận sự mệt mỏi và ói mửa trong thai kỳ có liên quan tới việc giảm nguy cơ bé bị nhẹ cân khi sinh hay chiều dài cơ thể ngắn. Các bà bầu bị buồn nôn cũng có tỷ lệ sinh non thấp hơn: 6,4% so với 9,5% ở các bà bầu khỏe mạnh. Tình trạng nghén còn khiến cho nguy cơ em bé bị khuyết tật bẩm sinh giảm đi từ 30 tới 80%. Nguy cơ sẩy thai ở những người không có hiện tượng nghén cũng cao hơn gấp 3 lần so với bà bầu hay buồn nôn.
Nhiều năm sau khi số liệu về mẹ được ghi nhận, các em bé ra đời được kiểm tra về trí thông minh. Kết quả cho thấy các bé có mẹ từng ốm nghén ghi điểm cao hơn về IQ, ngôn ngữ và hành vi nói chung.
Phụ nữ từ 35 tuổi trở lên dường như đặc biệt có lợi nhờ hiện tượng mà các nhà nghiên cứu gọi là "ảnh hưởng tích cực" này. Từ lâu, các bà bầu đã cố gắng mọi cách để chữa hoặc làm giảm bớt hiện tượng ốm nghén, từ việc uống trà gừng tới dùng vitamin hoặc các chất làm giảm độ axit trong dạ dày. Thậm chí có người uống đường và thuốc chống nghén, nhưng các nghiên cứu trước đây đều kết luận rằng không có cách nào chữa trị triệt để.
Nghiên cứu mới nhất cũng tìm hiểu ảnh hưởng của các loại thuốc chống nghén, và phát hiện chúng hầu như không làm thay đổi "ảnh hưởng tích cực" mà nghén đem lại cho em bé.
Nghiên cứu được công bố trên tạp chí Reproductive Toxicology số mới nhất.
+ Xem thêm:
ĂN GÌ ĐỂ GIẢM ỐM NGHÉN HIỆU QUẢ Ở PHỤ NỮ MANG THAI?
7 MẸO HAY HẾT ỐM NGHÉN KHI MANG THAI