Mẹ Bầu Bị Tiểu Đường Thai Kỳ Dễ Sinh Non

  3310

Bệnh đái tháo đường thai kì rất nguy hiểm. Vậy, theo bác sĩ có những nguy hiểm nào đối với mẹ bầu và thai nhi?

Được chẩn đoán đái tháo đường thai kì, mẹ bầu nên nhập viện để kiểm soát đường máu và được bác sĩ tư vấn chế độ sinh hoạt.

9 tháng 10 ngày là hành trình kì diệu nhất trong cuộc đời mỗi người phụ nữ. Quãng thời gian đó, mẹ bầu luôn mong con được khỏe mạnh. Tuy nhiên, để bé được chào đời không phải là điều đơn giản. Mẹ bầu phải trải qua rất nhiều sự thay đổi tâm, sinh lí và đôi khi những thay đổi này ảnh hưởng đến sức khỏe cả mẹ và thai nhi. Trong đó, đái tháo đường thai kì là một bệnh nghiêm trọng, phổ biến mà mẹ bầu dễ mắc phải.

Hẩu hết, mẹ bầu mắc bệnh đều cảm thấy lo sợ, hoang mang. Nhưng, nếu có chế độ sinh hoạt hợp lí, đảm bảo khoa học và điều trị tốt thì mẹ và con sinh ra sẽ có sức khỏe tốt.

Mẹ bầu cùng trò chuyện với bác sĩ Trương Đức Châu (khoa  Nội tiết sinh sản, bệnh viện Nội tiết Trung ương) để hiểu rõ hơn về bệnh đái tháo đường thai kì:

Chào bác sĩ, bác sĩ có thể cho biết mẹ bầu nào có khả năng mắc đái tháo đường thai kì?

Đái tháo đường thai kì là tình trạng rối loạn đường máu trong thời kì mang bầu. Mọi người cần phần biệt mẹ bầu bị đái tháo đường trong thời kì mang thai và đái tháo đường trước đó.

Những mẹ bầu có nguy cơ đái tháo đường thai kỳ là những bà mẹ trên 35 tuổi, mang thai nhiều lần, có tình trạng béo phì trước khi mang thai, tăng cân nhiều trong quá trình mang thai. Hoặc tiền sử mẹ bầu bị đái tháo đường thai kì từ những lần mang thai trước, gia đình có người bị đái tháo đường.

Vậy, đâu là triệu chứng nhận biết mẹ bầu mắc đái tháo đường thai kì?

Thông thường, mẹ bầu bị đái tháo đường ít có triệu chứng, chủ yếu được phát hiện trong những lần khám thai định kì bằng nghiệm pháp tăng đường huyết.

Đối với những mẹ bầu có nguy cơ mắc đái tháo đường thai kỳ cao, trong những lần thăm khám đầu tiên phải sàng lọc sớm. Còn, mẹ bầu ít nguy cơ đái tháo đường thai kì, bác sĩ thường chỉ định làm nghiệm pháp này ở tuần thai thứ 24 đến 28 hoặc sớm hơn.

Được biết, bệnh đái tháo đường thai kì rất nguy hiểm. Vậy, theo bác sĩ có những nguy hiểm nào đối với mẹ bầu và thai nhi?

Khi mẹ bầu mắc đái tháo đường thai kì, mẹ bầu sẽ có nguy cơ sản giật, tiền sản giật cao hơn các mẹ khác. Trong quá trình sinh, mẹ có nguy cơ tăng huyết. Thậm chí, đái tháo đường có thể gây thai to hoặc suy dinh dưỡng bào thai. Nguy hiểm hơn là đẻ non, thai chết lưu. Khi chuyển dạ, có nguy cơ hạ đường máu thai nhi sau sinh, không cấp cứu kịp thời có thể gây tử vong. Nếu mẹ không kiểm soát đường trong máu, bé sinh ra có thể bị đái tháo đường, béo phì,…

Mẹ bầu có nên nhập viện điều trị khi bị đái tháo đường?

Khi bác sĩ chẩn đoán đái tháo đường thai kì, tất cả các mẹ bầu nên nhập viện để kiểm soát đường máu và được tư vấn chế độ ăn, sinh hoạt và theo dõi thai hàng ngày tại các cơ sở chuyên khoa.

Phần lớn các bệnh nhân sẽ kiểm soát đường máu bằng chế độ ăn, chế độ tập luyện. Tuy nhiên, khi bệnh nhân không kiểm soát được đường máu khi thực hiện các biện pháp trên thì sẽ được sử dụng insulin để đưa đường máu về mục tiêu. 

Thưa bác sĩ, trong thời gian thai kì bị đái tháo đường, mẹ bầu cần có chế độ ăn uống như thế nào?

Khi nhập viện, các chuyên gia dinh dưỡng sẽ tư vấn cho mẹ bầu chế độ ăn phù hợp. Khi bị đái tháo đường thai kì, chế độ ăn của mẹ bầu nên giảm đường, giảm tinh bột nhưng phải đảm bảo đủ năng lượng cho mẹ và bé. Khẩu phần ăn hằng ngày có thể tăng thịt, cá, trứng và uống sữa không đường hoặc sữa dành cho người tiểu đường.

Mẹ bị đái tháo đường thai kỳ, sau khi sinh con có bị đái tháo đường không?

Mẹ bị đái tháo đường thai kì có nguy cơ bị đái tháo đường. Vì vậy, sau khi sinh 6 đến 12 tuần mẹ nên đi khám, kiểm tra xem có bị đái tháo đường hay không. Hoặc, bác sĩ sẽ hướng dẫn và 3 tháng sau nên đi kiểm tra định kì.

Bác sĩ có lời khuyên gì dành cho những chị em phụ nữ bị đái tháo đường mà mong muốn sinh con?

Theo tôi, trong trường hợp này, chị em phụ nữ cần có sự tư vấn của bác sĩ. Các bác sỹ sẽ cho lời khuyên và có sự chuẩn bị về cách sử dụng thuốc trước, trong và sau quá trình mang thai để thai được an toàn.

Cảm ơn bác sĩ đã chia sẻ!  

+ Xem thêm:

LỊCH KHÁM THAI VÀ CHÍCH NGỪA MẸ BẦU CẦN NHỚ

5 LOẠI HẠT CỰC TỐT CHO NÃO THAI NHI


Nguồn bài viết: eva
Chia sẻ cảm nghĩ của bạn về bài viết này: