Tuần thứ 9
Ở thời điểm này, bạn vẫn thấy buồn nôn và đau đầu nhưng đừng lo lắng, hiện tượng này sẽ ngày càng giảm dần. Nếu có triệu chứng gì bất thường, hãy đến gặp bác sĩ để được tư vấn cụ thể, vì ba tháng đầu thai kì rất quan trọng đối với sự hình thành và phát triển của bé.
Tay chân bé được hoàn thiện và xương phát triển mạnh. Các khớp của bé giờ đây đã có thể gập duỗi được. Bàn tay bé lúc này co lại trước ngực và bàn chân dài hơn. Hình dáng cột sống cũng rõ ràng hơn, và các dây thần kinh cột sống bắt đầu tỏa ra từ tủy sống. Trán bé tạm thời phình to với bộ não đang phát triển ở vị trí rất cao trên đầu, phần đầu bé lúc này có kích cỡ bằng ½ chiểu dài của cơ thể. Bé lúc này dài khoảng hơn 3cm và có những cử động nhẹ.
Tuần thứ 10
Điều khác biệt đáng chú ý nhất trong cơ thể bạn là kích thước vòng một tăng lên do các tuyến sữa bắt đầu phát triển.
Không còn là một phôi thai, thai nhi của bạn đã thực sự bước vào một giai đoạn mới, trở thành một bào thai. Các cơ quan quan trọng gồm thận, ruột, não và gan đều đã vào vị trí và vẫn đang tiếp tục phát triển.
Tuần thứ 11
Đã đến lúc bạn cần có một chế độ ăn uống đầy đủ dưỡng chất và chăm sóc sức khỏe hợp lí để chuẩn bị cho những tháng sắp tới. Bạn cũng nên mặc những bộ quần áo rộng rãi, thoáng mát để đảm bảo cơ thể được thoải mái nhất và tốt cho sự phát triển của bé yêu.
Bé đang trải qua nhiều sự thay đổi phức tạp, đặc biệt là sự phát triển của các giác quan. Các tế bào thần kinh cũng phát triển rất nhanh. Lúc này, bé dài khoảng 5cm.
Tuần thứ 12
Đây là một cột mốc quan trọng vì bạn đã kết thúc ba tháng đầu của thai kì. Nguy cơ sẩy thai đã không còn nữa và các cơn ốm nghén đã giảm đáng kể. Cảm giác hứng thú với chuyện ăn uống đã trở lại với bạn. Vì vậy, hãy chuẩn bị nhiều thức ăn vặt và ăn ngay khi cảm thấy đói.
Hầu hết các mẹ đều tiến hành siêu âm ở thời điểm này. Và bạn chắc chắn sẽ rất hạnh phúc khi nhìn thấy những hình ảnh của một sinh linh bé nhỏ đang lớn dần lên trong cơ thể mình. Hãy chia sẻ niềm vui này với những người thân yêu của bạn. Và cũng đừng quên bổ sung thêm các vitamin và sắt nhé!
Thân mình của bé phát triển để dần tương xứng với phần đầu. Nhịp tim của bé cũng nhanh hơn: bạn có thể nhận ra âm thanh của nhịp đập đều đặn này khi siêu âm. Lúc này, bé đã dài khoảng 7cm, và nặng khoảng 20g.
+ Xem thêm:
BÀ BẦU ĂN GÌ TỐT NHẤT TRONG 9 THÁNG THAI KỲ?