Hăm tã không chỉ khiến cặp mông mịn màng của bé trở nên ửng đỏ, thậm chí lở loét mà làm con khó chịu, quấy khóc cả ngày. Mẹ phải nhớ những điều này để phòng và trị hăm thật nhanh cho con nhé!
Làn da bé vốn mỏng manh, dễ bị kích ứng nên những vùng đeo tã cả ngày rất hay bị hăm. Đặc biệt là mùa hè nóng nực, mồ hôi ra nhiều; nếu mẹ chậm thay tã cho con khiến nước tiểu, phân đọng quá lâu trên vùng tã dẫn đến bị hăm. Không chỉ thế, nhiều khi mẹ sơ ý mặc tã ngay cho con khi vừa tắm xong, da còn ẩm; dùng tã quá chật hay chất liệu không phù hợp với cơ địa của bé; cả việc lạm dụng nước giặt tẩy, nước xả làm mềm vải, khăn ướt có chất tẩy,... cũng là nguyên nhân gây kích ứng làn da nhạy cảm khiến con bị hăm. Ngoài ra còn một số nguyên nhân khác dẫn đến hăm tã như bé bị tiêu chảy lâu ngày hoặc mẹ lạm dụng thoa phấn rôm khiến lỗ chân lông bé bị bít tắc, khó thoát ẩm,...
Dù là nguyên nhân gì, hăm tã cũng thật "đáng ngại" vì gây xót, ngứa, đau rát khiến bé khó chịu, quấy khóc và bỏ ăn, bỏ bú. Vì thế, mẹ cần chữa trị cho bé càng sớm càng tốt. Mẹ có tham khảo những cách trị hăm tã an toàn từ những "bài thuốc lá dân gian" dưới đây:
1. Dùng nước lá trầu không
Lá trầu không có tính sát trùng, tiêu viêm rất tốt. Vì vậy mẹ có thể dùng lá này để chữa hăm cho bé như sau: Tùy vào tình trạng hăm nặng hay nhẹ mà mẹ dùng từ 2 - 4 lá trầu, rửa thật sạch, ngâm qua nước muối rồi cho vào nồi nước, đun sôi, để nguội. Sau khi vệ sinh sạch sẽ vùng hăm của bé, dùng khăn sạch thấm nước lá trầu không, vắt bớt nước rồi thấm khăn lên vùng da bị hăm. Thực hiện khoảng 3 - 4 lần mỗi ngày sẽ thấy hiệu quả rất tốt.
2. Trị hăm tã bằng lá Khế
Nước lá khế cũng có công dụng sát khuẩn, tiêu viêm, giảm ngứa,... cực hiệu quả, vì vậy, khi bé bị hăm tã mẹ có thể lấy một nắm lá khế rửa thật sạch, ngâm qua nước muối loãng 10 phút rồi vớt ra vẩy cho ráo nước. Tuốt bỏ phần gân cứng của lá, sau đó cho vào giã nát với vài hạt muối trắng, thêm chút nước sôi để nguội rồi chắt lấy nước. Sau khi vệ sinh vùng đeo tã cho bé, mẹ lấy khăn/mảnh vải thật sạch, mềm thấm vào nước lá khế rồi chấm lên vùng hăm cho bé. Mẹ làm khoảng 2 - 3 lần mỗi ngày, liên tục trong vài ngày sẽ thấy hiệu quả.
3. Lá chè xanh
Lyzozym trong lá chè xanh giúp tiêu diệt vi khuẩn bám trên da, trong khi chất tanin làm cho da khô thoáng hơn và dần phục hồi những vùng tổn thương. Đây là loại lá trị hăm khá hiệu quả và dễ dàng cho bé, chỉ cần mẹ tắm/rửa trực tiếp vùng hăm tã với nước lá chè xanh. Tuy nhiên, mẹ cũng cần lưu ý rửa thật sạch lá chè trước khi đun nước rửa/tắm cho bé, để loại bỏ hoàn toàn chất bẩn/thuốc trừ sâu, kí sinh trùng,... trên lá. Ngoài ra, không nên lạm dụng nấu nước chè quá đặc. Chỉ cần một nắm vừa phải vò nát rồi đun sôi, đợi đến khi nước âm ấm là có thể đem rửa cho bé.
4. Cây mã đề
Mã đề là loại cây thuốc sống rất khỏe, mẹ có thể dễ dàng tìm thấy ở bất cứ đâu, từ nông thôn đến thành thị vì chúng thường mọc hoang ở các vùng đất trống. Nếu nhà có trẻ nhỏ, mẹ nên xin sẵn về trồng phòng lúc dùng đến, vì đây là loại cây trị hăm tã cực kì tốt. Chỉ cần dùng một nắm nhỏ lá mã đề tươi, rửa sạch, ngâm nước muối loãng rồi vẩy ráo, đem giã nát với vài hạt muối trắng rồi vắt lấy nước, thấm nhẹ lên vùng da hăm cho bé. Nước lá mã đề nhanh chóng làm dịu vùng da đang bị kích ứng, thúc đẩy phục hồi tổn thương trên da giúp trị hăm hiệu quả.
5. Chữa hăm từ búp/lá ổi non
Hái một nắm búp ổi hoặc lá ổi non, đem ngâm rửa sạch rồi đun sôi, lấy nước rửa cho bé cũng là một mẹo trị hăm rất tốt. Đó là vì trong lá ổi non/búp ngọn có chứa tanin và các chất chống oxy hóa, chất chống viêm, kháng khuẩn giúp tiêu diệt vi khuẩn trên da và phục hồi vết thương.
6. Sử dụng dầu oliu
Ngoài rất nhiều công dụng làm đẹp và giá trị dinh dưỡng cao, mẹ còn có thể sử dụng loại dầu này trị hăm cho bé cũng rất hiệu nghiệm. Cách dùng đơn giản: Sau khi tắm sạch sẽ cho bé, mẹ thoa một lớp dầu oliu mỏng lên vùng da hăm, giúp giảm kích ứng, sưng đỏ và bớt ngứa.
Lưu ý quan trọng:
Mặc dù có tác dụng tốt trong việc điều trị hăm da, tuy nhiên khi sử dụng các loại lá trên, mẹ bắt buộc phải làm đúng hướng dẫn để tránh gây tác dụng phụ, thậm chí làm cho tình trạng hăm nặng nề hơn. Những lưu ý cần nhớ bao gồm:
- Rửa thật sạch các loại lá trước khi dùng để loại bỏ vi khuẩn, nấm, kí sinh trùng, chất bẩn, dư lượng thuốc hóa học,...
- Không dùng quá ít/quá nhiều đều mang đến tác dụng không mong muốn.
- Khi "bôi thuốc" cho bé, mẹ không nên để nước lá tràn từ vùng da hăm sang vùng da lành để tránh lây lan. Nếu rửa cho bé, mẹ nên bế con và xối nước rửa từ từ, không nên ngâm cả mông bé vào chậu rửa.
- Vệ sinh thật sạch và lau khô vùng da hăm trước khi chấm nước lá. Mẹ cũng nhớ phải rửa tay mình thật sạch nữa.
Ngoài ra, để phòng hăm cho bé, mẹ nên lưu ý thay tã cho con thường xuyên, đặc biệt là vào mùa hè. Nên thay ngay khi bé vừa ị, tè, nhất là khi bé bị tiêu chảy, tránh để phân và nước tiểu dính lâu trên da. Hạn chế dùng khăn giấy ướt. Khi bé tắm xong không nên đeo tã, bỉm ngay mà phải lau và đợi một lát cho da khô hẳn. Không lạm dụng phấn rôm vì có thể gây bít tắc dễ khiến bé bị hăm nhiều hơn. Mẹ cũng nhớ để ý chất liệu và kích cỡ tã để tránh gây kích ứng da con.
+ Xem thêm:
12 ĐIỀU MẸ PHẢI NHỚ ĐỂ BÉ KHÔNG BỊ MẨN NGỨA HĂM DA TRONG MÙA NÓNG
MÁCH MẸ CÁCH PHÒNG NGỪA HĂM TẢ CHO BÉ