Mách Mẹ Trị Dứt Điểm Tật Ăn Cơm Ngậm Của Bé

  13231

Trẻ không chịu ăn, hay ngậm cơm trong miệng làm mỗi bữa cơm của bé với mẹ trở nên khó khăn và mệt mỏi. Phải làm sao đây các mẹ?

Chuyện ăn uống của trẻ luôn khiến các bà mẹ đau đầu. Vắt óc nghĩ ra món ngon cho trẻ mệt đã đành, nhiều trẻ khi đưa thức ăn tới miệng thì phun phèo phèo thậm chí ngậm miệng lại. Tiếc của tiếc công thì ít, mà xót con không chịu ăn uống sẽ dẫn tới còi cọc, suy dinh dưỡng thì nhiều. Giải pháp nào cho các mẹ?

1. Vì sao trẻ hay ngậm, phun thức ăn?
 


Ngậm thức ăn kéo dài khiến con biếng ăn, suy dinh dưỡng

Trẻ không ăn, hay phun thức ăn thường do các nguyên nhân sau:

Chế biến thức ăn không phù hợp với độ tuổi của trẻ

Ví dụ, hàm trẻ chưa phát triển mạnh nhưng mẹ lại chế biến thức ăn ở dạng thô, cứng quá nhiều khiến trẻ không nhai được và ngậm. Việc ngậm lâu dần sẽ hình thành thói quen hay ngậm mỗi khi ăn. 

Hoặc ngay từ nhỏ, mẹ có thói quen cho trẻ ăn thực phẩm xay nhuyễn nhiều khiến cơ hàm phát triển chậm, đến tuổi nhai nhưng hàm vẫn yếu và khi mẹ đút cháo hoặc cơm, trẻ sẽ ngậm và ăn rất lâu. Về lâu về dài, điều này dẫn tới thói quen, hễ khi có thức ăn vào miệng trẻ sẽ ngậm cơm.

“Trẻ ăn cơm vì bố mẹ”

Đây là cách ví von hình ảnh về thói quen ăn cơm mà các bà, các mẹ đang áp dụng, đó là “đánh trống, thổi kèn”, “làm trò” khi trẻ ăn. Thường, khi thấy con có dấu hiệu ăn chậm, ăn ít hoặc ngậm thức ăn, mẹ hoặc bố hoặc bà sẽ đứng ngoài cổ vũ, động viên con. Điều này tưởng hay mà hại, con sẽ không tập trung ăn, vừa ăn vừa chơi dẫn tới ăn càng ít và càng ngậm nhiều hơn. Thậm chí, một số trẻ chống đối bằng cách phun thức ăn ra ngoài và khóc.

Ép trẻ ăn

Thấy con ăn ít, tăng cân chậm nhiều mẹ lo lắng và thúc ép con ăn. Nhiều lần như vậy, con cảm thấy sợ ăn. Mỗi lần ăn là một cuộc chiến giữa mẹ và con, con khóc, mẹ quát. Và dĩ nhiên, việc trẻ ngậm khi ăn kéo dài là khó tránh khỏi.

Chế biến thực phẩm đơn điệu

Nếu ngày nào mẹ cũng chế biến các món hao hao giống nhau, không có sự sáng tạo trong mùi vị thực phẩm thì chắc chắn con sẽ không chịu hợp tác khi ăn và thường xuyên ngậm thức ăn trong miệng để chống đối.

2. Khắc phục tật ngậm thức ăn của con

Để con không ngậm thức ăn, ăn ngon miệng, các mẹ tham khảo các cách dưới đây:

Cho con ăn đúng độ tuổi


Cho con ăn dặm đúng độ tuổi

Việc ăn sớm hay ăn muộn đều ảnh hưởng tới thói quen ăn uống của con. Tốt nhất, để con không ngậm thức ăn, phun thức ăn, biếng ăn mẹ nên cho con ăn dặm đúng độ tuổi. Nên cho trẻ ăn khi trẻ bước sang 5 - 6 tháng tuổi. Ăn sớm quá, hệ tiêu hóa của con còn yếu, sẽ dẫn đến rối loạn tiêu hóa, đầy bụng và biếng ăn, khó tránh khỏi việc ngậm thức ăn.

- Từ 5 - 7 tháng tuổi, mẹ chỉ nên cho con ăn bột. Thức ăn cần được nấu chín và xay mịn để trẻ dễ nuốt. Độ tuổi này, chỉ cần một chút lợn cợn, trẻ sẽ ngậm, hoặc nhai, rất lâu để ăn thìa bột mới, chưa kể con có nguy cơ bị hóc, sặc thức ăn.

- Từ 7 - 10 tháng tuổi (một số trẻ 8 - 10 tháng tuổi, nếu cơ hàm chưa phát triển mạnh), mẹ cần tập cho con ăn cháo. Ban đầu, mẹ chỉ nên thăm dò cho con ăn 1 - 2 thìa. Nếu con có phản xạ nhai, nuốt tốt thì mẹ mới tăng thêm lượng cơm. Mẹ cần đầu tư thời gian chăm con như chia nhỏ bữa ăn để con tập nhai. Mỗi bữa cho ăn 2 - 3 thìa cơm, thời gian cách nhau khoảng 30 phút. Ăn khoảng 3 - 4 lần như vậy, con có thể nhai tốt thì mẹ tăng số lượng cơm nhiều như ăn bột là được. Tuyệt đối không chuyển ăn bột sang ăn cháo đột ngột vì có thể khiến con bị hóc hoặc ngậm thức ăn vì con chưa nhai được. Lâu dần dẫn tới thói quen ngậm thức ăn khi ăn.

Khi chuyển từ cháo sang cơm mẹ cũng nên tập dần cho con như cách trên để con làm quen và yêu thích hương vị thực phẩm mới.

Chia nhỏ bữa ăn

Với trẻ có thói quen ngậm thức ăn ngay từ đầu, mẹ cần phải chia nhỏ thời gian và bữa ăn để kích thích việc ăn uống ở con. Thay vì cho con ăn 4 tiếng/lần, mỗi lần 1 bát cơm hoặc bột, mẹ có thể cho con ăn 2/tiếng lần hoặc 1 tiếng/lần với nửa chén bột/cơm hoặc 1/3 chén bột/cơm. 

Chia nhỏ bữa ăn giúp dạ dày trẻ không bị đầy và ăn không ngán. Chưa kể, trẻ sẽ hấp thu tốt hơn, hệ tiêu hóa hoạt động ổn định. Thực hiện phương pháp này đều đặn mẹ sẽ giúp con từ bỏ thói quen ngậm cơm.

Không thúc ép con ăn

Mỗi giai đoạn khác nhau, nhu cầu dinh dưỡng cũng như ăn uống của trẻ khác nhau. Vì vậy, ở thời điểm này con biếng ăn nhưng ở thời điểm khác con sẽ ăn nhiều. Do đó, mẹ không nên thúc ép con, việc thúc ép sẽ khiến con sợ ăn, kén ăn và dẫn tới ngậm thức ăn thường xuyên hơn. 

Ngoài ra, mẹ cũng lưu ý, chất lượng bữa ăn quan trọng hơn số lượng. Thay vì mẹ cho con ăn nhiều nhưng giá trị dinh dưỡng ít, mẹ nên cho con ăn ít mà giá trị dinh dưỡng nhiều. Như vậy, con vừa hấp thu được nhiều dinh dưỡng, vừa không bị đầy bụng, khó chịu. 

Không kéo dài thời gian ăn

Vì con ngậm thức ăn nên thời gian ăn có thể lên tới 1 tiếng hoặc 2 tiếng đồng hồ. Điều này hết sức không nên. Mẹ chỉ nên cho con ăn trong khoảng thời gian từ 30 phút trở lại. Khoảng thời gian này vừa đủ để con ăn no, không cảm thấy chán ghét việc ăn và hạn chế tình trạng ngậm thức ăn. 

Nếu trong 30 phút, con ăn không hết, mẹ có thể dừng cuộc ăn (dù thức ăn còn nhiều). Về lâu về dài, con sẽ học cách ăn nhanh để no (vì ăn ít sẽ đói) và khắc phục tối đa tình trạng ngậm thức ăn ở con.

Thay đổi thực đơn liên tục


Thay đổi đơn liên tục và đẹp mắt

Việc làm này cũng giúp cải thiện tình trạng ngậm, phun thức ăn ở con. Ăn mãi một món, con sẽ chán ăn, nhưng thay đổi thường xuyên con sẽ yêu thích việc ăn uống hơn. Đồng thời, mẹ cũng đừng quên chế biến món ăn đẹp mắt để kích thích vị giác của con.

Tắt ti vi, âm nhạc, trò chơi khi con ăn

Vì những điều này sẽ khiến con mất tập trung ăn và dẫn tới việc ngậm thức ăn thường xuyên hơn. Tuyệt đối không “đánh trống, khua kèn”, người thân đứng ngoài cổ vũ vì càng làm trẻ mất tập trung cho việc ăn uống, thời gian kéo dài và khó chữa dứt điểm tật ngậm thức ăn của trẻ.

Thay vào đó, mẹ nên khuyến khích con ăn như vừa kể chuyện, nói chuyện vui vẻ lúc con ăn. Động viên, và khen con thật giỏi vì ăn nhai tốt, ăn nhanh. Mỗi cử chỉ, nét mặt vui vẻ, giọng nói êm ái của mẹ sẽ khiến bé yêu thích việc ăn uống hơn thay vì chống đối. Sự thật là mẹ càng quát, càng khó chịu con càng sợ, càng khóc và càng chống đối việc ăn uống hơn nhé.

3. Mẹ cần chuẩn bị gì để thay đổi thói quen ngậm cơm của con?

Điều mẹ cần chuẩn bị nhiều nhất đó là tinh thần và thời gian. Để thay đổi thói quen ngậm cơm, biếng ăn ở trẻ không phải là điều dễ dàng, một sớm một chiều là có thể làm được. Và khá nhiều mẹ stress, trầm cảm vì điều này. Theo đó mẹ phải:

- Tinh thần: Mẹ phải đối mặt với việc con có thể ăn ít hơn so với ngày thường nếu mẹ áp dụng phương pháp ăn trong khoảng thời gian nhất định. Đồng thời, con sẽ không tăng cân nhiều, thậm chí cân nặng sẽ dậm chân tại chỗ trong một thời gian dài. Ngoài ra, mẹ sẽ phải chuẩn bị tinh thần trước sự phản đối của người thân như bố mẹ nếu sống cùng nhà. 

- Thời gian: Để thay đổi thói quen ngậm cơm của con, mẹ cần rất nhiều thời gian. Vì khi trẻ ngậm cơm, con sẽ không chịu ăn nhiều, do đó, mẹ phải chia nhiều bữa, mất rất nhiều thời gian cho con ăn. Vì vậy, ngay sau khi nhận thấy con có dấu hiệu ngậm cơm, mẹ cần phải lên kế hoạch thay đổi con càng sớm càng tốt để đạt hiệu quả tối ưu.

+ Xem thêm:

Thực Đơn Một Tuần Cho Trẻ Ăn Ngon Chóng Lớn

Hướng Dẫn Mẹ Thực Đơn Ăn Sáng Cả Tuần Cho Bé Yêu Chân Dài Thêm

Thực Đơn Ăn Dặm Cho Bé 6 - 8 Tháng Tuổi


Nguồn bài viết: sưu tầm
Chia sẻ cảm nghĩ của bạn về bài viết này: