Mách Mẹ Bầu Cách Thở Và Rặn Khi Chuyển Dạ Để Sinh Con Nhanh

  4360

Khi cổ tử cung mở hoàn toàn, mẹ sẽ được khuyến khích để bắt đầu rặn đẻ. Để chuyển dạ hiệu quả và sinh con khỏe mạnh, mẹ cần biết cách thở và rặn khi chuyển dạ.

Quy trình chuyển dạ của mẹ bầu

Giai đoạn đầu của cuộc chuyển dạ, cơn gò tử cung thường ngắn, kéo dài khoảng 10 đến 15 giây và tần số xuất hiện thường dài khoảng 10 phút có một cơn co. Càng gần đến lúc rặn sinh thì cơn co đến càng dồn dập và kéo dài hơn, khoảng 20 - 30 giây. Khi các cơn co trở nên thường xuyên hơn, 10 phút có hơn 3 cơn co, mỗi cơn co kéo dài khoảng 30 - 40 giây và sản phụ đau bụng dữ dội là lúc em bé sắp chào đời. Lúc này, thời điểm rặn đã đến.

Nếu bạn không sử dụng phương pháp sinh thường không đau, lúc này cơn gò tử cung và cơn rặn đến rất mạnh mẽ, như một cách đôn đốc tự nhiên để bạn rặn đẩy em bé ra ngoài, tự nhiên bạn sẽ cảm thấy mình có một nguồn năng lượng dữ trữ thôi thúc bạn rặn. Một số người mẹ chia sẻ rằng những lúc vào “giờ G” thế này họ cảm thấy được rặn sẽ tốt hơn và dễ dàng hơn là “nín rặn”. Dĩ nhiên là thế, bởi lúc này cơn mót rặn khiến mẹ thực hiện thao tác rặn theo bản năng và rặn một cách chăm chỉ như thể người mẹ cảm thấy cần thiết phải làm điều đó để sinh con khỏe mạnh. Lúc này chúng ta cần tuân thủ cách thở và rặn khi chuyển dạ chính xác.

Nếu bạn sử dụng phương pháp gây tê ngoài màng cứng, bạn sẽ cảm thấy bị tê liệt. Bạn sẽ không có nhu cầu để rặn đẩy con ra ngoài, do đó sự phối hợp của ý chí với cơ bắp của bạn sẽ có một chút khó khăn hơn để rặn đẻ hiệu quả. Bạn sẽ phải dựa trên mệnh lệnh chỉ huy của y tá, nữ hộ sinh, hoặc bác sĩ để giúp bạn tập trung sức lực rặn đẩy em bé. Tuy nhiên bạn đừng lo lắng về điều đó, hầu hết phụ nữ sinh bằng phương pháp sinh không đau (gây tê ngoài màng cứng) đều biết cách thở và rặn khi chuyển dạ rất hiệu quả và sinh con khỏe mạnh mà không cần sự hỗ trợ của các dụng cụ trợ sinh như kẹp hoặc hút chân không...


Hướng dẫn mẹ cách thở và rặn đẻ đúng cách

Kỹ thuật thở như sau:

Khi bắt đầu có cơn co xuất hiện, bạn nên tập trung vào hơi thở để tập thở nhanh dần. Bạn hãy hít vào bằng mũi và thở ra bằng miệng. Cơn đau càng tăng thì thở càng nhanh hơn và nông hơn, khi cảm nhận bớt đau thì thở chậm lại và thở sâu hơn. Đây là lúc bạn thở sâu và nhẹ nhàng bình thường để lấy lại năng lượng đã bị mất trước đó, đồng thời nên thư giãn toàn thân là tốt nhất. Ở những cú rặn quyết định, bạn sẽ cần phải thở sâu và giữ hơi ở trong phổi, đặt cằm tì vào ngực và kéo chân (đầu gối) về phía ngực trong khi dồn lực đẩy xuống dưới và cố gắng rặn đẩy em bé ra ngoài.

Kỹ thuật rặn như sau:

Khi cảm thấy bụng gò cứng dần và xuất hiện cơn đau đồng thời bạn cảm thấy rất muốn rặn, thôi thúc phải rặn và được bác sĩ cho phép, bạn hãy hít vào một hơi thở thật sâu sau đó nín thở, miệng ngậm chặt. Tư thế chuẩn khi rặn sinh mà các bác sĩ gợi ý để sinh con khỏe mạnh là: hai tay nắm chặt vào hai thành của bàn sinh, hai chân đạp mạnh vào hai ống treo cổ chân của bàn sinh, cằm tì ngực, lưng thẳng đồng thời áp sát vào bề mặt bàn sinh và mông cong lên phía trước để dồn hơi rặn đẩy thai nhi ra ngoài.

Có mẹ chỉ cần rặn một hơi là con chào đời, có mẹ thì phải 3 hơi mới thành công. Sau khi con chào đời, vẫn cách thở và rặn khi chuyển dạ này nhưng nhẹ nhàng hơn, mẹ sẽ đẩy nhau thai ra ngoài và hoàn tất cuộc sinh.

+ Xem thêm:

MÁCH MẸ CÁCH RẶN ĐẺ NHANH TRONG CHỚP MẮT

MÁCH MẸ BẦU CÁCH THỞ VÀ RẶN SINH KHI CHUYỂN DẠ


Nguồn bài viết: webtretho
Chia sẻ cảm nghĩ của bạn về bài viết này: