Lý Do Trẻ Sơ Sinh Tăng Cân Chậm Mẹ Cần Lưu Ý

  28464

Trẻ sơ sinh tăng cân chậm làm nhiều mẹ lo lắng bởi những tháng đầu là giai đoạn trọng lượng của bé cần phải tăng đáng kể.​

Thông thường một em bé mới sinh sẽ có xu hướng giảm cân hoặc tăng cân rất chậm so với trọng lượng ban đầu trong vài ngày đầu sau sinh. Khoảng thời gian sau đó bé sẽ “tăng tốc” bắt đầu tăng cân một cách đều đặn.

Tuy nhiên, nếu tình trạng trẻ sơ sinh tăng cân chậm mãi vẫn không “biến chuyển”, mẹ nên chú ý. Khi ấy, mẹ hãy thử xem bé yêu có mắc phải một trong những lí do phổ biến dưới đây hay không để có biện pháp xử lí kịp thời.

1. Bé sinh non

Bé chào đời khi mẹ mang thai từ 34-37 tuần được coi là sinh non ở mức độ nhẹ. Trong giai đoạn này, cơ thể bé rất yếu, hệ miễn dịch còn kém và chưa phát triển được như trẻ sơ sinh bình thường. Các bé rất cần sữa mẹ để cung cấp các men tiêu hóa giúp bé dễ hấp thu các chất dinh dưỡng.

Tuy nhiên, đối với trẻ sinh non, khả năng bú, nuốt và thở của bé chưa hoàn chỉnh nên bé bú không đạt hiệu quả hoàn toàn được. Do đó, cân nặng của bé sẽ không tăng được đều đặn và đúng chuẩn như những đứa trẻ sinh đủ tháng. Vì thế, sau khi trẻ bú xong, mẹ cần cho ăn thêm bằng ống tiêm nhỏ giọt hoặc thìa nhỏ.

Đối với trẻ sinh non, khả năng bú, nuốt và thở của bé chưa hoàn chỉnh nên bé bú không đạt hiệu quả hoàn toàn được (Ảnh minh họa)

2. Khoảng cách giữa các bữa ăn quá dài

Đây là một trong những lý do chính khiến trẻ sơ sinh tăng cân chậm. Khoảng cách giữa các bữa ăn càng dài thì bụng trẻ càng sản sinh ra nhiều khí gas, dẫn đến đầy hơi. Điều này khiến trẻ không muốn ăn, kết quả dinh dưỡng hấp thu ít và cuối cùng là sụt cân.

Theo các chuyên gia, trẻ sơ sinh cần ăn sữa 2 tiếng rưỡi một lần hoặc 8-12 lần trong một ngày. Một số trẻ sơ sinh ngủ rất nhiều nhưng nếu bé chưa bú đủ số lần, mẹ cần đánh thức bé dậy để cho bé bú. Khi bé không được bú đều đặn, cơ thể mẹ cũng không được kích thích để tăng lượng sữa tiết ra, càng làm bé không nạp đủ chất dinh dưỡng và không có hứng thú bú.

3. Sữa của bé không được pha đúng công thức

Một số phụ huynh pha sữa công thức cho con rất loãng vì sợ bé táo bón hoặc có những gia đình hoàn cảnh khó khăn nên đang muốn thực hiện chính sách tiết kiệm.

Tuy nhiên, sữa quá loãng sẽ không cung cấp đủ lượng dinh dưỡng cần thiết cho bé phát triển. Thậm chí, nó còn gây hại cho bé vì bé bị nạp vào một lượng nước quá lớn. Do đó, để trẻ tăng cân và hấp thụ được đầy đủ chất dinh dưỡng trong sữa bột, bố mẹ cần pha sữa đúng như công thức đã ghi trên nhãn sản phẩm.

4. Tắm cho bé sau khi ăn

Việc tắm cho bé ngay sau khi ăn là một sai lầm mà bố mẹ cần phải sửa ngay lập tức vì nó là nguyên nhân khiến trẻ chậm tăng cân hoặc sụt cân.

Sau khi ăn, trẻ sơ sinh cũng cần thời gian để dạ dày làm việc. Nếu đi tắm ngay, quá trình tiêu hóa của bé sẽ diễn ra chậm hơn, từ đó quá trình trao đổi chất của bé cũng chậm. Thậm chí, một số em bé còn có thể bị táo bón, nôn, khó tiêu, khí gas vì tắm ngay sau khi ăn. Vì thế, mẹ nên tắm cho em bé trước rồi mới cho ăn.

Việc tắm cho bé ngay sau khi ăn là một sai lầm mà bố mẹ cần phải sửa ngay lập tức vì nó là nguyên nhân khiến trẻ sơ sinh tăng cân chậm hoặc sụt cân. (Ảnh minh họa)

5. Trẻ sơ sinh bị giun

Giun ký sinh trong đường ruột sẽ hút bớt chất dinh dưỡng từ nguồn thức ăn bé ăn vào dẫn đến tình trạng khó tăng cân. Nếu nghi ngờ bé có khả năng bị nhiễm giun, bố mẹ nên đưa bé đi khám để được điều trị kịp thời. Bé hết bị giun sẽ tăng cân trở lại.

6. Do gen di truyền

Nếu các mẹ chăm sóc chu đáo nhưng bé vẫn chậm tăng cân thì cần xem lại yếu tố di truyền từ phía gia đình. Thông thường, hai bên nội ngoại của bé có ông bà, người thân, bố mẹ có vóc dáng nhỏ gầy thì bé ít nhiều cũng bị ảnh hưởng.

7. Bé ngủ nhiều hơn bú

Có nhiều trường hợp trẻ sơ sinh tặng cân chậm vì do lười bú, không chịu bú. Đôi khi đói bé sẽ đòi bú nhưng lại nhanh chóng “rơi” vào giấc ngủ khiến cho việc bú sữa bị gián đoạn và bé chỉ bú với một lượng rất ít. Nếu tình trạng kéo dài sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển của trẻ.

8. Bé có vấn đề về sức khỏe

Việc chậm tăng cân có thể liên quan đến sức khoẻ của bé, chẳng hạn bé bị thiếu máu, dị ứng sữa, tình trạng quá tải lactose, trào ngược dạ dày… Hoặc bé bị một số rối loạn ảnh hưởng đến khả năng hấp thu các dưỡng chất cần thiết cho sự phát triển.

+ Xem thêm:

Bé Bú Mẹ Tăng Cân Bao Nhiêu Mỗi Tháng Là Chuẩn

Mách Mẹ 3 Món Cháo Siêu Bổ Cho Bé Yêu Tăng Cân


Nguồn bài viết: eva
Chia sẻ cảm nghĩ của bạn về bài viết này: