Lưu Ý Về Khám Sức Khỏe Định Kỳ Cho Bé Mẹ Nên Biết

  5799

Đại đa số các mẹ đều hoàn toàn “mờ mịt” về việc khám bệnh định kỳ cho con sau khi trẻ ra đời. Dưới đây là Lưu Ý Về Khám Sức Khỏe Định Kỳ Cho Bé

Sau khi sinh con, cần phải khám cho con vào những mốc thời gian nào, lưu ý những vấn đề gì,… đó là điều vẫn còn ít mẹ hiểu rõ. 

Đại đa số các mẹ đều thừa nhận rằng, họ hoàn toàn “mờ mịt” về việc khám bệnh định kỳ cho con sau khi trẻ ra đời. Không có một thông tin cụ thể nào để mẹ có thể tìm hiểu về các vấn đề cần quan tâm trong quá trình nuôi dạy con cái trong giai đoạn đầu đời, điều đó mang lại không ít vấn đề về việc ngộ nhận về những biểu hiện sinh lý bình thường của trẻ. Nhất là đối với những người mẹ trẻ và mới sinh con lần đầu. 

Mẹ&Bé đã có cuộc trò chuyện với bác sỹ Nguyễn Trí Đoàn (Giám Đốc Chuyên Môn - Bệnh viện Quốc tế Victoria Healthcare) về vấn đề khám định kỳ cho trẻ.


BS Trí Đoàn cho rằng, trẻ nên được chăm sóc một cách toàn diện chứ không phải đi khám mỗi tháng chỉ để cân và chích ngừa. (Ảnh minh họa)

Chào bác sỹ! Hiện tại, có nhiều người mẹ vẫn mơ hồ về việc khám định kỳ cho con sau sinh. Bác sỹ nghĩ sao về vấn đề này?
- BS Trí Đoàn: Đây là một câu hỏi hay vì thực tế lịch khám định kỳ của trẻ sơ sinh không giống như khám định kỳ của người lớn. Người lớn thì có thể 1 năm khám 1 lần, lấy một số lượng máu đủ nhiều để làm mọi xét nghiệm cần thiết. Trẻ thì không thể làm những xét nghiệm như vậy được. Trẻ chỉ được xét nghiệm tầm soát trước sinh, để tầm soát những bệnh bẩm sinh để bác sỹ kịp can thiệp ngay khi trẻ ra đời, nếu không, trẻ sẽ bị những vấn đề hậu quả suốt đời. Do đó, khi mới sinh, bác sỹ cần phải kiểm tra trẻ ngay.

Vậy theo bác sỹ, lịch khám định kỳ nên chú trọng những mốc thời gian nào? 
- BS Trí Đoàn: 2 tuần lễ sau sinh thì trẻ nên tái khám. Lúc đó, mẹ được quyền hỏi bác sỹ cách nuôi trẻ như thế nào, điều gì tốt và bàn luận nhiều vấn đề khác để có cơ hội đưa ra những thắc mắc mà một trẻ sơ sinh thường biểu hiện ra. Có nhiều biểu hiện của trẻ làm cho mẹ lo lắng nhưng thực sự trẻ không có bị bệnh gì cả. Ví dụ như biểu hiện trẻ thường vặn mình hay trằn trọc, mà chỉ vì những triệu chứng đó mà đôi khi bị phán là thiếu canxi. Đây cũng là cơ hội để mẹ trao đổi với bác sỹ. Và bác sỹ sẽ kiểm tra những vấn đề từ lúc trẻ sinh ra chưa hoàn thiện như tim có đóng lại hết các ngăn chưa, hoặc một số bất thường khác... 
Sau đó thì lịch tái khám ở mốc 2 tháng, 4 tháng, 6 tháng tuổi. Từ sau 6 tháng là mỗi 3 tháng một lần: 9, 12, 15, 18 tháng. Rồi tái khám lúc 2 tuổi. Sau 2 tuổi thì tái khám theo từng năm. 


BS Trí Đoàn khuyên các bà mẹ đừng có đi khám cho con mỗi tháng, cữ giãn ra, 2 tháng, rồi mỗi 3 tháng… sau đó đợi dài ngày hơn hẳn hãy đi tái khám. (Ảnh minh họa)

Trong những lần khám định kỳ cho trẻ, chúng ta nên lưu tâm đến vấn đề gì thưa bác sỹ?
- BS Trí Đoàn: Mỗi một lần khám bác sỹ sẽ kiểm tra về phát triển trí não; khám những mốc vận động, vận động thô và vận động tinh, về tinh thần; giao tiếp về mặt xã hội, ngôn ngữ. Mỗi lứa tuổi sẽ có các giao tiếp khác nhau như giao tiếp bằng mắt, biết cười, âm thanh đầu tiên như thế nào. Những lần khám ở các độ tuổi đó, bác sỹ kiểm tra thêm cho bé. Và đa số mỗi lần khám định kỳ, nếu trẻ chưa đạt đến mốc đó thì lần kế xem xét có phát triển tiếp tục lên hay không, có vấn đề gì hay không, đồng thời cần xem xét trẻ phát triển như thế nào, có đúng theo kênh của trẻ hay không. 

Bên cạnh đó, cần phải xem xét những vấn đề khác như cho bú có khó khăn hay không, rồi đến vấn đề về chích ngừa vaccine cho trẻ. Một lần đi khám định kỳ cần phải làm hết những vấn đề đó. Hơn nữa, bác sỹ còn nên bàn đến những nguy cơ khác như nhà có người hút thuốc lá không, nếu có thì phải chấm dứt. Chia sẻ những thông tin tác hại của thuốc lá, gây hại cho trẻ ra sao, những hệ luỵ của việc hút thuốc thụ động. Ngoài ra, thông thường vào độ tuổi ở tháng thứ 6 – 7, trẻ bắt đầu mọc răng, lúc đó cần tư vấn về việc vệ sinh răng miệng như thế nào…

Trẻ nên được chăm sóc một cách toàn diện chứ không phải đi khám mỗi tháng chỉ để cân và chích ngừa. Thường các bác sỹ đồng nghiệp của tôi chỉ cho trẻ cân “cái rộp”, nhìn vào chỉ số so sánh thấy đứa bé không tăng cân đủ là sẽ quay qua trách mẹ, lại bắt đầu luẩn quẩn cái vòng suy dinh dưỡng. Tôi thường khuyên các bà mẹ đừng có đi khám cho con mỗi tháng, cữ giãn ra, 2 tháng, rồi mỗi 3 tháng… sau đó đợi dài ngày hơn hẳn hãy đi tái khám.  

Cám ơn bác sỹ về cuộc trò chuyện này!

+ Xem thêm:

CHẾ NGỰ NỔI LOẠN CỦA TRẺ TUỔI 2-3

DẤU HIỆU BÉ BỊ RÔM SẢY NẶNG CẦN GẶP BÁC SĨ


Nguồn bài viết: afamily
Chia sẻ cảm nghĩ của bạn về bài viết này: