Lợi Ích Bất Ngờ Của Việc Tập Con Tự Mặc Quần Áo Không Phải Mẹ Nào Cũng Biết

  4049

Không chỉ giúp bé tính tự lập, việc dạy cho trẻ tự mặc quần áo còn giúp các bé hiểu biết về cơ thể, phát triển khả năng ngôn ngữ và vận động.

Không chỉ giúp bé tính tự lập, việc dạy cho trẻ tự mặc quần áo còn giúp các bé hiểu biết về cơ thể, phát triển khả năng ngôn ngữ và vận động. 

Tại khoa vật lý trị liệu của các bệnh viện nhi ở TP HCM, không ít phụ huynh lo lắng khi con chậm chạp và ít phát triển vận động. Một số bố mẹ phát hoảng cho rằng con mình bất thường trong phát triển thể chất, tuy nhiên theo các bác sĩ, nguyên nhân khiến các bé ù lì là do bố mẹ không tập cho con vận động.

Trò chuyện với trẻ khi mặc quần áo là cách giao tiếp giúp bé phát triển nhận thức và ngôn ngữ.

Cử nhân Lê Thị Đào, đơn vị Vật lý trị liệu, Bệnh viện Nhi Đồng 2 (TP HCM), cho biết, tập cho trẻ mặc quần áo là một trong những cách giúp trẻ phát triển vận động và nhận thức từ rất sớm. Theo bà Đào, các nghiên cứu cho thấy trong thời gian từ 0 đến 10 tháng tuổi, trẻ chưa thể tự thân vận động nên phụ huynh phải giúp hoàn toàn, song kể từ tháng thứ 10, các bé đã có thể được tập các thao tác cơ bản nhất.

“Nhiều phụ huynh nghĩ ở độ tuổi này, bé còn quá nhỏ để hướng dẫn con tự lập, tuy nhiên thực tế, bé đã có thể giúp người lớn kéo một ống quần hoặc một cánh tay áo. Việc làm này kéo dài và thành thạo dần cho đến khi tròn 12 tháng tuổi, bé đã có thể biết hợp tác với người lớn để đưa 2 cánh tay vào tay áo, cho chân vào quần, hoặc nhấc chân vào giày”, bà Đào nói.

Từ 18 đến 24 tháng tuổi, các thử nghiệm đã có thấy bé biết đội nón, kéo mở dây kéo, biết cởi áo quần mà không cần trợ giúp. Một số bé có khả năng cho cánh tay vào áo thun, mang giày không cần trợ giúp nhiều, biết mở nút lớn, cởi quần và kéo quần trong một vài tháng tiếp theo.

Từ tháng thứ 26 đến tháng thứ 30, cha mẹ bắt đầu nghĩ đến việc tập bé tự đi vệ sinh, tập cho bé biết gọi bố mẹ khi có dấu hiệu đi ngoài. Lúc này hầu hết các bé biết cởi nhiều loại quần áo, không cần trợ giúp nhiều. Trẻ biết mặc áo sơ mi có nút, nhưng chưa biết cài nút. Trẻ sẽ biết cài nút áo lớn và có thể tự mặc quần áo, trẻ từ tháng thứ 31 nhưng vẫn cần người lớn giúp xác định vị trí để không mặc quần áo ngược. Một số bé chưa thể tự khóa quần và cài nút nên phụ huynh cần hướng dẫn thêm.

Khoảng thời gian từ 3 đến 4 tuổi, hầu hết các trẻ đều đã mặc quần áo tốt hơn và nhanh hơn vì kỹ năng vận động tinh và mức độ nhận thức của trẻ ngày càng hoàn thiện. Việc cởi nút nhỏ, mang giày cũng không cần trợ giúp nhiều.

Các chuyên gia vật lý trị liệu khẳng định, dạy trẻ mặc quần áo đồng thời cũng dạy trẻ các kỹ năng nhận thức (tay phải, tay trái, chân phải chân trái và các bộ phận khác), giúp bé có khả năng giữ thăng bằng, chức năng vận động và ngôn ngữ. Chính vì điều này, khi mặc quần áo cho trẻ, phụ huynh nên nói những câu như “đưa tay lên”, “đưa tay vào áo”, “bỏ chân vô quần”, “áo dùng để làm gì”, “chân trái con đâu”…

Khi bắt đầu dạy trẻ mặc quần áo nên bắt đầu bằng hành động dễ nhìn thấy, ví dụ dạy trẻ mặc quần trước mặc áo vì mặc quần dễ nhìn thấy hơn mặc áo. Phụ huynh cũng nên chia nhỏ các bước từ dễ đến khó, ví dụ như mẹ giúp trẻ tròng áo qua đầu và đưa tay vào tay áo để trẻ sẽ kéo áo xuống, sau khi thành thục, mẹ sẽ giúp trẻ tròng áo qua đầu nhưng trẻ sẽ tự đưa tay vào tay áo và kéo áo xuống và cuối cùng trẻ tự mặc áo.

Để giúp trẻ hứng thú, phụ huynh cần tạo không khí vui nhộn khi mặc quần áo như khen bé “giỏi”, nghĩ ra một bài hát, chơi “ú òa” khi trẻ chui áo qua đầu, cũng có thể cho trẻ tự lựa chọn loại quần áo mà bé thích…

Các thống kê cho thấy, phụ huynh có thể nhận biết khả năng phát triển của con qua việc dạy chúng mặc quần áo. Thông thường, những trẻ gặp khó khăn về vận động cũng sẽ gặp khó khăn khi mặc quần áo, nhất là trẻ kém phát triển trí tuệ.

“Việc dạy trẻ mặc quần áo sẽ giúp trẻ tự lập trong sinh hoạt hàng ngày, giúp trẻ có mối tương tác với người chăm sóc, đồng thời qua đó cũng dạy trẻ các kỹ năng khác. Đối với trẻ có khó khăn trong vận động để học các kỹ năng, trẻ cần gặp chuyên viên vật lý trị liệu để được tư vấn các tập luyện”, bà Đào nói.

+ Xem thêm:

HỌC CÁCH DẠY CON LÀM VIỆC NHÀ HIỆU QUẢ


Nguồn bài viết: sưu tầm
Chia sẻ cảm nghĩ của bạn về bài viết này: