Lịch Phát Triển Kỹ Năng Vận Động Của Bé Từ 0-5 Tuổi

  15223

Từ một em bé sơ sinh mẹ luôn phải bế bồng đến một đứa trẻ chạy nhảy tung tăng là một quá trình phấn đấu đáng nể của trẻ trong những năm đầu đời.

Từ một em bé sơ sinh mẹ luôn phải bế bồng đến một đứa trẻ chạy nhảy tung tăng là một quá trình phấn đấu đáng nể của trẻ trong những năm đầu đời. Đó không chỉ là việc của đôi bàn chân bé nhỏ mà còn là sự vận động toàn thân rất phức tạp. Hãy xem bé học cách di chuyển như thế nào trong 5 năm đầu đời nhé!

Lưu ý rằng lịch trình dưới đây chỉ mang ý nghĩa tham khảo, các mốc thời gian mẫu dựa trên độ tuổi trung bình mà trẻ nhỏ đạt được các mốc phát triển chính; tuy nhiên, biên độ thời gian cho mỗi mốc phát triển là khá rộng và trẻ con mỗi đứa có một tốc độ lớn của riêng mình. Chẳng hạn có trẻ biết chập chững biết đi khá sớm từ lúc 8 tháng tuổi, nhưng có bé đến 17 tháng mới biết đi, và cả hai trường hợp đều hoàn toàn bình thường. Nếu bạn linh cảm thấy điều không ổn với con mình, hãy mạnh dạn đề cập với bác sỹ để được tư vấn cụ thể.

Năm đầu đời

Từ mới sinh đến 2 tháng tuổi: Trẻ sơ sinh đã có phản xạ bước đi ngay từ lúc chào đời. Khi bạn bế đứng bé trên mặt phẳng rắn, bé sẽ di chuyển chân như đang đi. Phản xạ này mất đi khi bé được 6 tuần tuổi.

Từ 3 đến 4 tháng tuổi: Bé có thể nâng được đầu và ngực lên khỏi sàn với sự hỗ trợ của tay khi bé được đặt nằm sấp. Động tác này giúp rèn luyện các cơ thân trên rất cần thiết cho việc đi lại sau này.



5 tháng tuổi: Bé có thể nhún chân khi được bế đứng. Cử động này là cách để bé rèn luyện sức mạnh của đôi chân. Lưu ý cho bố mẹ: Hãy nhớ kiểm tra tính an toàn của nhà bạn trước khi bé có thể tự di chuyển.

Từ 6 đến 8 tháng tuổi: Bé học ngồi. Tư thế ngồi giúp phát triển sức mạnh của cổ bé, khả năng kiểm soát đầu, khả năng thăng bằng và phối hợp cơ thể; tất cả những kỹ năng này đều cần thiết và quan trọng để bé có thể tập đi sau đó. Phần lớn các bé cũng tập bò trong khoảng 6 đến 10 tháng tuổi, nhưng một số bé có thể trốn bò và chuyển sang tập đi.

8 tháng tuổi: Bé có thể tự đứng khi vịn vào thứ gì đó xung quanh. Khoảng vài tuần sau, bạn sẽ thấy con mình bắt đầu đi men, hoặc bước từng bước chân sang ngang trong khi bám vào thành.

Từ 9 đến 10 tháng tuổi: Bé biết tự kéo mình đứng lên bằng cách bám thành ghế hay chân bàn. Bé cũng đã biết cách khuỵu gối để ngồi xuống sau khi đã đứng lên.

11 tháng tuổi: Bé có thế đứng mà không cần đỡ trong vài giây, và có thể bước đi nếu được bạn dắt tay bé.

Giai đoạn đầy năm và chập chững



Từ 11 đến 14 tháng tuổi: A, bé đã thực sự đi được những bước đi đầu đời! Ở mốc 13 tháng tuổi, cứ 4 bé thì có đến 3 bé đã có thể đi được dù còn khá vụng về lúng túng. Để giữ thăng bằng cho những bước đi đầu tiên, bé thường đưa hai tay ra trước khi chập chững bước đi. Không lâu sau đó, con bạn sẽ học được cách ngồi thụp xuống và đứng lên trở lại.

Từ 14 đến 15 tháng tuổi: Con bạn có thể sẽ rất thích trò chơi kéo và đẩy đồ chơi, và bé còn biết đi giật lùi nữa đấy.

Dấu hiệu cảnh báo: Nếu đến 14-15 tháng tuổi mà con bạn vẫn không thể chập chững bước đi, bạn hãy cho bé đi khám. Mặc dù thời điểm này vẫn nằm trong biên độ phát triển bình thường nhưng đây là lúc bạn nên cho bé kiểm tra xem có vấn đề gì khiến mốc phát triển bị trì hoãn.

16 tháng tuổi: Với sự hỗ trợ của người lớn, bé đã có thể bước lên hoặc xuống cầu thang.

18 tháng tuổi: Bé đã có thể nhảy theo nhạc.

Từ 19 đến 24 tháng tuổi: Con bạn đang tăng tốc từ đi sang chạy. Bé thích cầm thứ gì đó trong tay khi đi. Đến sinh nhật lên 2, bé sẽ học cách nhảy từ bậc thấp xuống sàn.

Giai đoạn mầm non



Từ 25 đến 30 tháng tuổi: Bé có thể tự đi lên cầu thang một mình nhưng vẫn chưa thể tự đi xuống được đâu bạn ạ. Bé đã chạy rất siêu và đã có thể tham gia vào các trò chơi vận động ngoài trời rất tốt.

Từ 31 đến 36 tháng tuổi: Bé có thể nhảy trên sàn chụm hai chân, và có thể nhảy sang hai bên. Khả năng chạy theo và điều khiển bóng sẽ đến rất sớm sau đó.

4 tuổi: Bé tập giữ thăng bằng và nhảy lò cò trên một chân. Bé cũng sẽ phát hiện ra mình thuận chân bên nào hơn.

Giai đoạn nhi đồng

5 tuổi: Bé trở nên thuần thục hơn tất cả các kỹ năng trước đó (đi, chạy, nhảy lò cò, nhảy hai chân, nhảy xa) và giờ đã có thể phối hợp chúng với nhau nhịp nhàng.

+ Xem thêm:

LỊCH PHÁT TRIỂN KỸ NĂNG NÓI CỦA BÉ TỪ 0-8 TUỔI

 LỊCH MỌC RĂNG VÀ THAY RĂNG CỦA BÉ TỪ 0-12 TUỔI


Nguồn bài viết: wtt
Chia sẻ cảm nghĩ của bạn về bài viết này: