Lịch Phát Triển Kỹ Năng Giao Tiếp Xã Hội Của Bé Từ 0-8 Tuổi

  8941

Dưới đây là lộ trình phát triển kỹ năng giao tiếp xã hội tiêu biểu của một em bé từ khi sinh ra đến khi bé được 8 tuổi. Mẹ cùng tham khảo nhé

Bé đã biết phản hồi lại người khác ngay từ thời điểm chào đời, nhưng bé sẽ còn phải học hỏi rất nhiều để biết cách kết bạn hay hôn mẹ và nói “con yêu mẹ”. Dưới đây là lộ trình phát triển kỹ năng giao tiếp xã hội tiêu biểu của một em bé từ khi sinh ra đến khi bé được 8 tuổi

Năm đầu đời

Từ mới sinh đến 3 tháng tuổi: Bé biết giao tiếp bằng mắt, kêu ư, a, và thể hiện những nét mặt khác nhau khi bạn chơi với bé. Bé cũng có thể bắt chước một số biểu cảm khuôn mặt của bạn.



Từ 3 đến 6 tháng tuổi: Bé đã biết cười và đáp lại khi bạn gọi tên bé. Bé hứng thú khi gặp những người mới và rất thích chơi ú oà. Bé đang học ý thức rằng mình là một cá thể tách biệt với mọi người.

Dấu hiệu báo động: Nếu con bạn có vẻ không hứng thú chút nào với việc giao tiếp với mọi người, hãy cho bé đi khám.

Từ 6 đến 9 tháng tuổi: Ở thời điểm này, bé thích những người quen thuộc với mình hơn và có thể có những dấu hiệu đầu tiên của nỗi sợ xa cách. Bé có thể tỏ ra hứng thú với đứa trẻ khác bằng cách nhìn và túm lấy cô/ cậu bé này hoặc lăn về phía người bạn mới.

Từ 10 đến 12 tháng tuổi: Bé thích chơi cạnh những đứa trẻ khác nhưng vẫn chưa biết cách chơi cùng. Bé cũng thích quan sát những đứa trẻ khác và bắt chước hành động của chúng. Nỗi sợ xa mẹ có thể đã rõ ràng hơn.

Giai đoạn đầy năm và chập chững

Từ 13 đến 18 tháng tuổi: Bé bắt đầu trò chuyện, và việc này sẽ giúp bé phát triển các mối quan hệ. Bé tiếp tục chơi bên cạnh (hơn là chơi cùng) các bé khác; hiện tượng này được gọi là chơi song song. Nỗi sợ xa cách có thể nói là đã lên đến đỉnh điểm.



Từ 19 đến 24 tháng tuổi: Bé biết bày tỏ tình cảm bằng cách ôm và hôn, dù một số bé không thích ôm ấp cho lắm và một số bé có giai đoạn thích tách biệt. Bé bắt đầu tránh né và tỏ ra đề phòng với những người không quen thuộc với bé và bắt đầu giao tiếp với trẻ khác để chơi cùng, nhưng vẫn chưa biết cách chia sẻ khi chơi cùng bạn.

Giai đoạn mầm non

Từ 2 đến 3 tuổi: Bé đã tỏ ra thích thú với một hai bạn nhỏ cùng tuổi. Bạn có thể bắt đầu quan sát thấy bé chơi với người bạn tưởng tượng ở tuổi này. Bé đã biết chia sẻ hơn và biết chơi luân phiên theo lượt, nhưng vẫn cần phải luyện tập thêm. Bé có thể thể hiện sự hung hăng, sẵn sàng cắn hoặc đánh bạn để bảo vệ chỗ chơi hoặc đồ chơi của mình. Bé bắt đầu cảm nhận cảm xúc của người khác tốt hơn nhưng vẫn xem mình là trung tâm và chưa thể đặt mình vào vị trí của người khác được. Bé chơi đùa vui vẻ nhất khi có mặt người lớn xung quanh.

Dấu hiệu báo động: Hãy nói chuyện với bác sỹ nhi nếu bạn lo ngại rằng con mình quá hung hăng và có xu hướng bạo lực thái quá.

Từ 3 đến 4 tuổi: Bé tự tin và độc lập hơn, nhưng bé vẫn cần sự quan tâm và hướng dẫn của bạn. Bé cũng học được nhiều từ việc quan sát và tương tác với những đứa trẻ khác, trong đó có bài học về cách xây dựng một mối quan hệ.

Bé có thể cãi nhau với bạn cùng chơi đặc biệt nếu bé có tính cách mạnh, bé vẫn quý mến người bạn nhỏ của mình. Bé bắt đầu biết “thêm thắt” cho các trò chơi và thích tạo ấn tượng cá nhân khi chơi cùng bạn, và cả khi chơi một mình. Bé đã có thể tham gia các trò chơi nhóm có luật chơi và thậm chí có thể chơi cờ với luật chơi tương đối linh hoạt. Bé đã có thể chia sẻ đồ chơi và chơi theo lượt mà không cần sự chỉ bảo của người lớn.
Bạn có biết rằng khả năng đồng cảm và chơi cùng nhau phát triển sớm hơn ở trẻ có anh chị em hoặc trẻ được gửi đi nhà trẻ.

Giai đoạn nhi đồng



Từ 4 đến 5 tuổi: Bé đã thể hiện sự đồng cảm và tạo dựng những tình bạn thực sự. Bé quan tâm đến những gì bạn bè nghĩ và muốn hoà nhập với các bạn. Bé đã có thể chia sẻ tốt hơn bao giờ hết, mặc dù vẫn hơi khó để bé đặt nhu cầu của người khác lên trên nhu cầu của mình.

Từ 6 đến 8 tuổi: Bé tỏ ra muốn tự kiểm soát thế giới của mình hơn và có thể tranh giành quyền quyết định với bố mẹ. Bé sẽ học cách cư xử với mọi người từ bố mẹ, vì vậy bạn hãy làm gương tốt cho con bằng cách thể hiện sự tử tế và hoà nhã của mình. Bé vẫn bày tỏ tình cảm âu yếm với bố mẹ nhưng sẽ e dè và tỏ ra miễn cưỡng hơn khi nũng nịu bố mẹ ở nơi công cộng trong những năm tới.

Bé có thể chơi đùa lâu hơn, và tham gia vào các trò chơi cùng những bé khác tốt hơn trước, một phần vì bé đã hiểu được luật chơi theo lượt tốt hơn và cũng bớt cay cú khi thua cuộc hơn. Ở tuổi này, bé đã sẵn sàng để ngủ lại qua đêm ở nhà người khác hoặc đi cắm trại qua đêm mà không cần bố mẹ.

Trẻ con ở tuổi này thường thích chơi với các bạn cùng giới tính với mình hơn. Bé có có thể có bạn thân, dù người bạn thân này có thể bị thay thế nhanh chóng. Bé cũng thích chơi với các bạn đồng trang lứa với mình và cũng tỏ ra kén chọn bạn bè hơn. Và bé cũng bắt đầu có sự bắt chước bạn mình, và bố mẹ đôi khi cũng đau đầu vì trẻ con học thói quen xấu của nhau khá nhanh.

Bé có thể thích ở một mình nhiều hơn, và có ý thức cá nhân rõ ràng hơn. Đây chính là giai đoạn chuyển giao quan trọng từ một đứa trẻ bước sang tuổi dậy thì và vị thành niên.

Bé bắt đầu thể hiện sự hài hước của mình theo cách tinh tế hơn và đã biết kể những câu chuyện cười có ý nghĩa.

Đến tuổi này, con bạn đã hiểu những tiêu chí làm người tốt và đây là lúc bạn cần hướng dẫn và động viên con để bé trở thành một đứa trẻ ngoan ở trường và một công dân tốt sau này.

+ Xem thêm:

BÉ NGỦ BAO NHIÊU TIẾNG MỘT NGÀY LÀ ĐỦ

12 BÍ QUYẾT GIÚP CON THÔNG MINH TỪ BÉ


Nguồn bài viết: wtt
Chia sẻ cảm nghĩ của bạn về bài viết này: