Lịch Phát Triển Chiều Cao Cân Nặng Và Giấc Ngủ Của Bé Từ 0 Đến 1 Tuổi

  22666

Cùng tham hảo Lịch Phát Triển Chiều Cao Cân Nặng Và Giấc Ngủ Của Bé Từ 0 Đến 1 Tuổi để điều chỉnh chế độ ăn uống, ngủ nghỉ của con hợp lý nhé các bố mẹ.

Việc theo dõi sự phát triển của con qua từng giai đoạn, đặc biệt với các bé từ 0 - 12 tháng tuổi, sẽ giúp bố mẹ điều chỉnh chế độ ăn uống, ngủ nghỉ của con hợp lý qua đó giúp bé phát triển toàn diện về thể chất lẫn tinh thần.

0 – 1 tháng tuổi


- Chiều cao: Ở giai đoạn này, chiều cao trung bình của bé trai khoảng 49,9 - 54,7cm; bé gái khoảng 49,1 - 53,7cm. Nhìn chung, từ khi sinh tới 1 tháng tuổi, bé sẽ tăng khoảng 2,54cm.

- Cân nặng: Cân nặng của bé từ khi sinh tới khi 1 tháng tuổi tăng trung bình khoảng 142 - 198gr.

- Thức ăn: Giai đoạn này, thức ăn chính của bé vẫn là sữa mẹ. Một số bé sẽ uống sữa công thức song song cùng sữa mẹ hoặc sữa công thức hoàn toàn nếu mẹ ít hoặc không có sữa. Bé sẽ bú khoảng 8 – 12 lần/ngày, mỗi lần cách nhau khoảng từ 1,5 – 2 tiếng. Lượng sữa mỗi lần bé bú được khoảng 30 – 60ml.

- Thời gian ngủ: Giai đoạn này, giấc ngủ rất quan trọng với bé. Vì vậy, vào ban ngày, bé sẽ ngủ khoảng 5 – 6 tiếng, ban đêm từ 12 – 14 tiếng. Tổng thời gian bé ngủ khoảng 20 tiếng/ngày.

1 – 2 tháng tuổi

- Chiều cao: Bé đã cao hơn khá nhiều so với giai đoạn 1 tháng tuổi. Trung bình bé trai sẽ cao khoảng 56,4 - 58,4cm, bé gái khoảng 55 - 57,1cm. 

- Cân nặng: Bé sẽ tăng cân đều mỗi tuần và khi bước sang 2 tháng tuổi, cân nặng của bé tăng trong khoảng 1,1 kg/tháng. Cụ thể bé trai nặng khoảng 4,9 – 5,6kg, bé gái nặng khoảng 4,5 – 5,1kg.

- Thức ăn: Bé vẫn bú sữa mẹ hoặc sữa công thức trong giai đoạn này nhưng lượng sữa sẽ tăng lên tùy theo nhu cầu của bé. Nếu mẹ nhận thấy bé không tăng cân thì cần xem lại lượng sữa cho bé bú, cách cho bé bú. Hãy cố gắng cho bé bú sạch sữa trong bình. Nếu bé khóc khi bú được nửa bình và không chịu bú, mẹ có thể dừng lại khoảng 10 phút sau đó cho bé bú tiếp. 

- Thời gian ngủ: Giấc ngủ vẫn rất quan trọng với bé ở giai đoạn này. Trung bình bé sẽ ngủ khoảng 13 tiếng/ngày. Mẹ nên tập cho bé ngủ đêm nhiều, khoảng 10 – 12 tiếng, ban ngày ngủ từ 1 – 3 tiếng.

2 – 3 tháng tuổi

- Chiều cao: Bé sẽ tăng đều đặn khoảng 3cm/tháng. Như vậy, chiều cao chuẩn của bé trai khoảng 59,4 - 61,4cm; bé gái khoảng 57,7 - 59,8cm.

- Cân nặng: Ở giai đoạn này, bé sẽ tăng chậm hơn so với giai đoạn trước. Tháng thứ 3, bé sẽ tăng khoảng 113g/tuần và sẽ duy trì mức tăng này tới khi bé 7 tháng tuổi. 

- Thức ăn: Sữa mẹ, sữa công thức vẫn là thức ăn chính của bé. 

- Thời gian ngủ: Nhu cầu ngủ giai đoạn này của bé vẫn cao như tháng thứ 2. Trong đó, ban ngày bé ngủ khoảng 9 – 12 tiếng, đêm từ 1- 3 tiếng.

3 – 4 tháng tuổi

- Chiều cao: Bé sẽ cao chậm hơn so với 3 tháng đầu, đây là điều hoàn toàn bình thường và mẹ không cần lo lắng. Giai đoạn này, bé trai sẽ cao khoảng 61,8 – 63,9cm; bé gái cao khoảng 59,9 – 62,1cm.

- Cân nặng: Bé sẽ tăng khoảng 0,5kg/tháng. Cụ thể, bé trai nặng khoảng 6,2 – 7kg; bé gái nặng khoảng 5,7 - 6,4kg. 

- Thức ăn: Giai đoạn này, bé đã sẵn sàng ăn dặm ngoài sữa mẹ, sữa công thức. Mẹ có thểcho bé nếm các loại thực phẩm như trái cây, rau củ quả mềm. Quá trình chuyển đổi từ uống sữa hoàn toàn tới ăn dặm này rất nhạy cảm, bé có thể sẽ phun thức ăn ra ngoài. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là bé không thích thức ăn đó, mà có thể là bé đã no. Mẹ tuyệt đối không ép bé để tránh trường hợp bé sợ ăn và biếng ăn, mà chỉ nên cho bé làm quen với các mùi vị để tập ăn dặm trong những tháng sau.

- Thời gian ngủ: Bé ngủ ít và chơi nhiều hơn vào ban ngày. Trong đó, bé có thể ngủ liền mạch vào ban đêm từ 9 – 12 tiếng, ban ngày bé có thể ngủ 2 tiếng hoặc không ngủ.

4 – 5 tháng tuổi

- Chiều cao: Bé vẫn sẽ tăng đều ở mức 63,8 – 65,9cm đối với bé trai và 61,8 – 64cm đối với bé gái.

- Cân nặng: Tương tự như chiều cao, cân nặng bé sẽ tăng đều và không quá nhiều so với 3 tháng đầu. Mỗi tuần bé sẽ tăng khoảng 120gr.

- Thức ăn: Bé đã có thể làm quen với một số loại thức ăn mềm hoặc lợn cợn. Mẹ có thể chia nhỏ các bữa ăn cho bé như: ngày 500ml sữa + 2 bữa bột + 40ml nước trái cây như cam, dưa hấu (hoặc không). Mẹ nên cho bé làm quen từ từ với các loại thức ăn. Giai đoạn này bé chỉ nên ăn dặm với thực phẩm ngọt như bột gạo, trái cây, nui, bún và không ăn thịt, hải sản vì hệ tiêu hóa của bé còn yếu, nếu mẹ cho ăn sớm bé dễ bị rối loạn tiêu hóa, đau dạ dày.

- Thời gian ngủ: Lịch ngủ của bé khá gần với người lớn. Bé sẽ chơi nhiều vào ban ngày, ngủ giấc trưa khoảng 1 – 2 tiếng (nhiều bé không ngủ) và ban đêm từ 8 – 11 tiếng.



5 – 6 tháng tuổi

- Chiều cao: Bé vẫn sẽ tăng chiều cao đều đặn như những tháng trước. Cụ thể, bé trai cao khoảng 65,5 - 67,6cm; bé gái cao khoảng 63,5 – 65,7cm.

- Cân nặng: Giai đoạn này bé đã làm quen với việc ăn dặm nên cân nặng của bé sẽ “nhỉnh” hơn một chút so với tháng trước. Trong đó, bé trai sẽ nặng khoảng 7,1 – 7,9kg; bé gái nặng 6,5 – 7,3kg.

- Thức ăn: Bé vẫn bú đều sữa mẹ hoặc sữa công thức 400 - 500ml/ngày và mẹ cho bé ăn dặm 2 bữa bột/ ngày + nước hoa quả. Giai đoạn này, mẹ có thể cho bé ăn thêm bột thịt hoặc bột hải sản, tuy nhiên, mẹ cần kiểm tra xem bé có bị dị ứng thức ăn hay không bằng cách cho bé ăn một lượng ít và theo dõi khoảng 2 tiếng. Nếu bé có dấu hiệu dị ứng mẹ nên dừng cho bé ăn thực phẩm đó.

Ngoài ra, mẹ có thể tập cho bé thói quen ăn uống tự lập ngay từ khi bé 6 tháng tuổi bằng cách thiết lập lịch ăn uống điều độ theo giờ cho bé, tránh tạo thói quen vừa ăn vừa đi chơi. Không nên ép bé ăn, theo dõi lượng thức ăn mỗi cữ để điều chỉnh cho phù hợp.

- Thời gian ngủ: Bé vẫn sẽ ngủ tương tự như tháng trước, khoảng 10 -11 tiếng. Trong đó, hầu hết thời gian ngủ đều dành vào buổi tối, ban ngày bé sẽ ngủ ít hoặc không ngủ.

6 – 7 tháng tuổi

- Chiều cao: Giai đoạn này, bé sẽ tăng chiều cao chậm hơn so với những tháng trước. Trong đó, chiều cao trung bình của bé trai khoảng 67 – 69,2cm; bé gái khoảng 65 – 67,3cm.

- Cân nặng: Tương tự như chiều cao, bé sẽ tăng cân đều và ít hơn so với những tháng trước. Cụ thể, bé trai sẽ nặng khoảng 7,4 – 8,3kg; bé gái nặng khoảng 6,8 – 7,6kg.

- Thức ăn: Bé vẫn tiếp tục bú sữa mẹ và sữa công thức trong giai đoạn này khoảng 500ml/ngày. Ngoài ra, mẹ cần bổ sung thêm cho bé các thực phẩm ăn dặm như thịt, rau, trái cây. Bé cũng đã ăn được thực phẩm có độ đặc hoặc thô khá tốt. Mẹ nên tập cho bé ăn rau, củ để phát triển cơ hàm của bé. 

- Thời gian ngủ: Lịch ngủ của bé không khác so với lịch ngủ 6 tháng tuổi. Bé ngủ khoảng 10 – 11 tiếng/ngày, ít ngủ hoặc không ngủ vào ban ngày.

7 – 8 tháng tuổi

- Chiều cao: Bé vẫn sẽ tăng chiều cao khoảng 1,4cm. Trong đó, chiều cao trung bình của bé trai khoảng 68,4 – 70,6cm, bé gái cao khoảng 66,4 – 68,7cm. 

- Cân nặng: Cả bé trai và bé gái sẽ tăng khoảng 0,3kg, trong đó bé trai nặng từ 7,7 – 8,6kg còn bé gái nặng từ 7 – 7,9kg.

- Thức ăn: Ngoài sữa mẹ, sữa công thức, bé vẫn sẽ ăn thêm thực phẩm xay nhuyễn hoặc lợn cợn. Mẹ có thể nấu cháo cho bé thay vì bột, cắt lát trái cây hoặc rau củ luộc cho bé ăn. Giai đoạn này, mẹ cũng nên dạy bé tập bốc nhón thức ăn để có thể tự mình nếm được nhiều món ăn hơn.

- Thời gian ngủ: Bé vẫn ngủ từ 10 -11 tiếng và không ngủ vào ban ngày. Mẹ có thể tập cho bé ngủ khoảng 30 phút – 1 tiếng vào buổi trưa để bé có vui chơi thỏa mái vào buổi chiều.

8 – 9 tháng tuổi

- Chiều cao: Chiều cao trung bình của bé trai giai đoạn này là 69,7 – 72,2cm còn bé gái là 67,7 – 70,1cm.

- Cân nặng: Bé vẫn tăng cân đều trong tháng này, thậm chí một số bé chỉ tăng vài lạng và mẹ khó nhận ra sự thay đổi trong cân nặng của bé. Cụ thể, bé trai nặng 8 – 8,9kg, trong khi đó bé gái nặng 7,3 – 8,2kg.

- Thức ăn: Bé đã có thể ăn đa dạng thực phẩm vào giai đoạn này. Sữa trở thành thực phẩm bổ sung cho bé, còn thức ăn chính là tinh bột như cơm, gạo, bún, bánh mì. Mẹ cho bé uống dặm 400ml/sữa mẹ hoặc sữa công thức, 3 bữa chính với tinh bột + các loại rau củ mềm, trứng, thịt, hải sản. Bé có thể tráng miệng với sữa chua, trái cây. Ngoài ra, bé có thể hoàn toàn độc lập ăn mà không cần mẹ đút cho.

- Thời gian ngủ: Bé vẫn ngủ ở mốc thời gian từ 10 -11 tiếng và ngủ ít hoặc không ngủ vào ban ngày.

9 – 10 tháng

- Chiều cao: Từ tháng 9 – tháng 10, chiều cao của bé tăng rất ít, cả bé trai và bé gái đều tăng khoảng 1,3cm/tháng.

- Cân nặng: Bé gần như không thay đổi về cân nặng và ổn định, duy trì tới khoảng tháng 12. Lúc này, cơ thể bé cũng hoạt động nhiều hơn như tập bò, trườn nên đốt cháy khá nhiều calo. Đó là lý do bé chỉ tăng khoảng 454 – 907gr ở gai đoạn này.

- Thức ăn chính: Bé đã bước sang độ tuổi “già” của việc ăn dặm và kỹ năng cầm, bốc nhón trở nên nhuần nhuyễn. Mẹ có thể cho bé ăn thêm rau xanh lá, các loại trái cây cứng xắt miếng nhỏ, mì sợi. Sữa công thức, sữa mẹ vẫn được mẹ duy trì đều đặn.

- Thời gian ngủ: Bé gần như không ngủ vào ban ngày hoặc ngủ rất ít, thay vào đó, bé vẫn ngủ từ 10 -11 tiếng vào ban đêm.

10 - 11 tháng tuổi

- Chiều cao: Bé vẫn tăng đều chiều cao nhưng rất ít vào giai đoạn này. Bé sẽ tăng khoảng 1,2cm/tháng.

- Cân nặng: Tương tự như chiều cao, cân nặng đã có xu hướng ổ định và tăng nhẹ khoảng 0,2kg/tháng.

- Thức ăn chính: Đây là giai đoạn “tuyệt vời” để mẹ và bé cùng trải nghiệm những món ăn bắt mắt, thơm ngon. Bởi vì, bé sẽ có xu hướng biếng ăn trong giai đoạn này nếu mẹ lơ là việc đầu tư món ăn cho bé. Bé đã có thể ăn được cháo, mì, các loại trái cây, rau củ cắt nhỏ, cứng, mềm… Mẹ không nên ép bé ăn nếu bé cảm thấy chán, nên cho bé nếm những mùi vị thức ăn khác nhau trong mỗi lần ăn để bé cảm thấy yêu thích việc ăn uống hơn. 

Ở giai đoạn này, một số bé vẫn có thói quen uống sữa vào ban đêm, nhưng sẽ giảm dần. 

- Thời gian ngủ: Bé ngủ từ 10 -11 tiếng vào ban đêm và ít hoặc không ngủ vào ban ngày.

11 – 12 tháng tuổi

- Chiều cao và cân nặng: Chúc mừng mẹ đã cùng bé vượt qua mốc 1 năm tuổi với nhiều thay đổi thú vị ở bé, từ thói quen ăn uống tới lịch sinh hoạt, ngủ nghỉ và bảng biểu tăng chiều cao, cân nặng. Ở giai đoạn này, chiều cao của bé không nhích nhiều so với tháng trước, bé chỉ cao thêm khoảng 1,2 cm và năng thêm 0,2kg đối với cả bé trai và bé gái. 

- Thức ăn chính: Sữa mẹ trở thành thức ăn phụ cho bé, mẹ chỉ cần cho bé uống 400ml sữa mẹ hoặc sữa công thức, lượng uống có thể ít hơn. Và tăng khẩu phần ăn như tinh bột, đạm cho bé. Bé chuyển sang ăn cháo hoặc cơm nát thay vì ăn bột, có thể ăn hải sản, thịt các loại, rau củ quả mềm, rau lá, tráng miệng với trái cây hoặc thực phẩm bổ sung như phô mai, bơ, sữa chua, nước ép trái cây… 

- Thời gian ngủ: Cũng giống như giai đoạn trước, giai đoạn này bé ngủ từ 10 -11 tiếng/ngày, ngủ ít vào ban ngày và chủ yếu ngủ vào ban đêm.

+ Xem thêm:

LỊCH PHÁT TRIỂN KỸ NĂNG NÓI CỦA BÉ TỪ 0-8 TUỔI

LỊCH PHÁT TRIỂN KỸ NĂNG ĂN UỐNG CỦA BÉ TỪ 0-3 TUỔI


Nguồn bài viết: yeutre
Chia sẻ cảm nghĩ của bạn về bài viết này: