Làm sao để chích ngừa cho trẻ sơ sinh mà không sốt để mẹ không phải vật vờ cả đêm chiến đấu với cơn sốt của con, khi chỗ chích ngừa sưng tấy và con thì nóng lên đến 39-40 độ.
Thời gian gần đây, khi mà mũi tiêm 5in1 của trẻ khan hiếm trong nước, nhiều gia đình đã đưa con bay sang Singapore chích ngừa, vì lo lắng không biết nguồn vacxin trong nước mới có lại. Tuy nhiên, dù là vacxin ở đâu, ở Việt Nam hay nước ngoài, thì trẻ chích về vẫn có thể bị sốt cao.
Chị Lê Nguyễn ở tại Thành Phố Hồ Chí Minh, cũng vừa cho con sang Singapore chích ngừa mũi 5in1 về bị sốt. Chị chia sẻ:
“Tôi đưa con đến nhiều bệnh viện đều được thông báo là hết vacxin 5in1, bảo về nhà chờ khi nào có thì mang con đến chích. Gia đình tôi nóng ruột quá, không biết khi nào mới có thuốc, nghe một người trong họ cũng có con nhỏ rủ tôi bay sang Singapore chích ngừa, có nhiều người đi lắm. Tuy là chi phí cho 2 vợ chồng đưa con đi lên đến trên 10 triệu, nhưng vì con nên tôi cũng đồng ý đi. Lúc đến bệnh viện bên Sing thì bác sĩ chích rất nhanh, thủ tục rất gọn lẹ, tuy nhiên sau đó khoảng vài giờ là con tôi bị sốt. Do chuẩn trước nên tôi có book phòng khách sạn ở lại một đêm, nên tôi đưa con về khách sạn. Bên đây chỉ có 2 vợ chồng, nên cả đêm chúng tôi phải vật lộn với cơn sốt của con. Con sốt lên đến hơn 39 độ, tôi và chồng tôi phải thay phiên nhau lau mát cho con, đâu có ngủ được. Đáng lẽ hôm sau là về nhưng thấy con còn mệt tôi đổi vé bay, dời thêm một ngày, đợi con khỏe rồi mới cho về nhà. Đúng là không có nỗi cực nào bằng việc chăm con bị sốt sau khi chích ngừa.”
Sau đây là tổng hợp các kinh nghiệm chích ngừa không sốt của nhiều mẹ có con nhỏ, đã áp dụng và thấy hiệu quả, các mẹ nên tìm hiểu và thử áp dụng cho con mình nha!
1. Chườm mát vào chỗ tiêm của bé
Ngay sau khi chích ngừa xong, mẹ nên chườm mát vào chỗ tiêm của bé, sẽ rất hiệu quả. Bé được làm mát ngay khi tiêm nên ngăn chặn sưng tấy chỗ tiêm, tránh bị sốt rất hiệu quả. Dung cụ làm mát nên sạch sẽ vệ sinh nhé mẹ! Mẹ có thể làm theo cách này: lấy khăn sữa sạch nhúng vào nước sôi, để nguội vắt khô rồi cho vào ngăn đá tủ lạnh khoảng 30′ lấy ra chườm lên vết tiêm của bé, đến khi khăn hết lạnh thì thôi, chia ra làm 4 lần như thế kể từ lúc đi tiêm về đến 12h đêm cùng ngày.
2. Giữ vết tiêm thông thoáng
Sau khi tiêm, thường thì bé sẽ luôn được dán một miếng băng cá nhân. Băng cá nhân này có tác dụng ngăn chảy máu từ vết tiêm (nếu có) và giữ vệ sinh khi bé đi trên đường bụi bặm, đồng thời để tránh việc bé đụng chạm tay vào vết tiêm gây nhiễm trùng. Về đến nhà mẹ nên tháo băng cá nhân này ra để vết tiêm được khô thoáng.
3. Dùng bông chứa cồn
Lúc con tiêm xong, mẹ lấy bông chứa cồn mà các cô y tá để nơi mũi tiêm ý, day day chỗ tiêm đến khi khô thì thôi.
4. Thuốc hạ sốt
Bé đi chích ngừa về thì mẹ lau mát cho bé, đừng mặc bỉm cho bé mà hãy để hở ra cho thoáng mát. Nếu bé bị sốt trên 38,5 độ, thì cho uống thuốc hạ sốt kèm lau mát, phải lau thường xuyên, cho uống nhiều nước nữa, cho bé bú mẹ càng nhiều càng tốt….
Lưu ý:
– Khi trẻ sốt cao trên 38,5 độ mới cần đến việc dùng thuốc hạ sốt, vì nó có chức năng hạ sốt mà, chứ không phải là phòng sốt. Do đó mẹ hoàn toàn không nên cho bé uống thuốc hạ sốt dự phòng ngay sau khi bé vừa được tiêm ngừa, vì làm như vậy là hoàn toàn không có lợi và đôi khi sẽ gây nguy hiểm cho bé.
– Chỗ tiêm bị sưng đỏ, đau…vấn đề này có thể tồn tại đến vài ngày nhưng đây hoàn toàn là phản ứng bình thường và sẽ tự khỏi, không đáng ngại. Có thể dùng phương pháp chườm lạnh ở chỗ tiêm để làm giảm đau cho trẻ.
5. Bé đang bệnh, mệt thì không nên đi chích ngừa
Mẹ cần quan sát bé thật kỹ và cho bé tiêm chủng khi bé thật khoẻ. Nếu hôm tiêm mà bé không khoẻ thì cần báo với bác sĩ và mũi tiêm đó có thể dời, không nhất thiết phải tiêm đúng ngày đâu các mẹ.
6. Không nên tắm sau khi chích ngừa
Sau khi tiêm xong, khu vực quanh vết tiêm nếu tiếp xúc với nguồn nước không sạch, chất bẩn sẽ len lỏi vào trong, có thể gây phản ứng như tấy đỏ, sưng, đơ cứng.
Lưu ý chung:
Đa số các bé đi chích ngừa về đều sốt, trộm vía có bé sẽ không bị sốt, việc sốt hay không cũng còn tùy thuộc vào thể trạng của từng bé, mẹ đừng lo lắng quá mà ảnh hưởng đến chất lượng sữa cho con. Thời gian tiêm phòng là cần sữa mẹ hơn bao giờ hết đấy!