Làm Gì Khi Bé Chậm Nói

  4077

Bé sáu tháng tuổi đã biết ê, a… Bé một tuổi đã nói được từ đơn: ba, má, ông, bà… Bé hai tuổi đã nói được từ kép: đói bụng, ăn cơm…

Bé sáu tháng tuổi đã biết ê, a… Bé một tuổi đã nói được từ đơn: ba, má, ông, bà… Bé hai tuổi đã nói được từ kép: đói bụng, ăn cơm… Nếu bé không chịu nói, cần xem xét những tình huống sau.

Chậm nói bình thường

- Cha mẹ ít nói chuyện với con vì cho rằng bé không biết gì. Vì không được… giao tiếp nên bé chậm nói.

- Giao con cho người nuôi trẻ. Do không có tình cảm thân tình nên họ chỉ làm tròn nhiệm vụ vệ sinh, cho bé ăn mà không nói chuyện với bé. Đã có trường hợp, bé chín tháng tuổi, nói được tiếng "ba", khi mẹ đi làm lại giao con cho người giúp việc, từ đó bé… im luôn. Mẹ đưa bé đi khám thính lực, kết quả bình thường nhưng mãi đến khi bé được 28 tháng, đi nhà trẻ bé mới nói.

- Quan niệm sai lầm. Cho rằng bé xem ti vi sẽ mau biết nói nên nhiều phụ huynh thường cho con xem các mục quảng cáo với hình ảnh nhanh, âm thanh hấp dẫn bé. Nhưng thực tế, do chỉ tiếp thu một chiều nên bé càng chậm nói. Hậu quả là ngày càng nhiều bé sau thôi nôi vẫn chưa chịu nói.

Cần biết cách kích thích bé cất giọng. Các cụ xưa rất giỏi kích thích bé nói, cụ thể như bé đòi ăn, bà tranh thủ ép bé nói ngay “nói "cơm" đi, bà cho ăn”, hoặc bé giơ tay đòi ẵm thì bà nói: “Nói "ẵm" đi, bà ẵm”. Dạy từng từ một rõ ràng, khúc chiết. Khi bé biết nói từng từ thì dạy cách nói từ kép: “ẵm em”, “đi chơi”… Mới biết nói, bé thường nói ngọng, đừng bắt chước nói ngọng lại khiến bé sẽ ngọng rất lâu. Hãy dạy bé và chỉnh những từ ngọng bằng cách nói to và rõ để bé học nói lại cho chuẩn. Cho bé xem ti vi nhưng vẫn ngồi cạnh, giải thích cho bé, hỏi han giúp bé mở miệng. Những bậc phụ huynh đi làm nên tranh thủ buổi chiều tối “tâm sự” với bé, càng gần con, chơi và nói chuyện với con. Nhưng, nếu nhà neo người, tốt nhất cho bé đi nhà trẻ từ sớm. Ở môi trường này bé sẽ mau biết nói vì phải “đấu tranh” đòi quyền lợi: ăn, chơi…

Chậm nói bất thường

- Bé sinh ra bình thường nhưng đến ngày đầy năm mà bé vẫn không chịu nói, ba mẹ đưa đi bệnh viện (BV) kiểm tra mới biết bé bệnh viêm tai giữa từ lúc vài tháng tuổi khiến cho bé không nghe được.

- Bé nói được nhưng ngọng, có thể do nghe không rõ nên khó phát âm chuẩn. Những trường hợp này cần đi khám.

BS Đặng Hoàng Sơn, Trưởng khoa Tai mũi họng, BV Nhi Đồng 1 TP.HCM hướng dẫn cách phát hiện bệnh trẻ điếc sớm: “Bé sáu tháng nhưng mặt vẫn bơ bơ, không khóc ré hay giật mình thảng thốt khi nghe tiếng động thì cần kiểm tra bằng cách vỗ tay, đập bàn xem bé có quay lại nơi phát ra âm thanh không. Nếu bé không có phản ứng, cần đưa đi khám sớm để phát hiện nguyên nhân và điều trị”.

Hiện nay, không ít BV sản có chương trình tầm soát những trường hợp có thể bị điếc như: sinh non, suy hô hấp, nhiễm trùng sơ sinh, mẹ dùng thuốc khi mang thai, bé bị vàng da, mẹ mắc bệnh Rubella khi mang thai… Nếu phát hiện bé có bệnh sẽ chuyển sang BV Nhi Đồng 1 TP.HCM để được điều trị sớm.

Để phòng bệnh, BS Đặng Hoàng Sơn khuyên: Chích ngừa Rubella cho phụ nữ trong tuổi sinh đẻ, điều trị dứt điểm các bệnh lý đường hô hấp ở trẻ em, khám định kỳ hàng năm…

+ Xem thêm

LỊCH PHÁT TRIỂN KỸ NĂNG NÓI CỦA BÉ TỪ 0-8 TUỔI 

LỊCH PHÁT TRIỂN KỸ NĂNG ĂN UỐNG CỦA BÉ TỪ 0-3 TUỔI


Nguồn bài viết: phunuonline
Chia sẻ cảm nghĩ của bạn về bài viết này: