Hầu hết các bé đều có một hay vài giai đoạn đình công sữa. Mẹ cần quan sát để nhận biết dấu hiệu bất thường của bé.
Trẻ bỏ bú dường như là vấn đề khiến các mẹ stress nhất khi nuôi con nhỏ. Thậm chí, một số người còn chia sẻ rằng họ có cảm giác "bất lực" như thể mình không biết làm mẹ khi bé lắc đầu, khóc thét khi mẹ đưa bầu ngực đến gần miệng. Điều này có thể xảy ra ở bất cứ tháng tuổi nào, một lần hay nhiều lần, liên quan đến vấn đề sức khỏe của bé hoặc đơn giản chỉ là đặc điểm của một giai đoạn phát triển (giai đoạn đình công sữa). Mẹ không nên quá căng thẳng mà cần quan sát để nhận biết điều gì khiến bé khó chịu và kiên nhẫn với bé. Thông thường, bé sẽ bú ngoan trở lại khi cảm thấy đói.
Bé bỏ bú có thực sự là vấn đề nghiêm trọng?
Bé không ăn vài cữ những vẫn vui vẻ, khỏe mạnh bình thường thì không có gì đáng lo cả. Hãy để bé bú theo nhu cầu, vừa tốt với trẻ vừa đem lại tâm lý thoải mái cho mẹ. Một trong những sai lầm lớn nhất của các bà mẹ là luôn cho bé bú nhiều hơn so với nhu cầu thực tế (đặc biệt là với các bé uống sữa công thức), khiến dạ dày phải làm việc quá nhiều và quá sớm. Tuy nhiên, nếu cảm thấy không yên tâm, mẹ có thể tham khảo ý kiến của bác sĩ.
Nhận biết bé bú đủ sữa như thế nào?
Chẳng có điều gì bất biến nên việc đếm số lần bé bú để khẳng định bé đã uống đủ sữa hay chưa sẽ không chính xác. Thay vào đó, mẹ hãy quan sát số lần bé đi tiểu tiện, đại tiện trong ngày và màu sắc nước tiểu, phân. Nếu mẹ thay cho bé ít nhất 5 chiếc bỉm đầy mỗi ngày và nước tiểu màu nhạt thì chứng tỏ bé đã bú đủ theo nhu cầu của mình. Còn nếu thấy nước tiểu màu đậm và có mùi khó ngửi thì mẹ nên đưa bé đi khám bác sĩ. Một em bé được bú đủ sữa sẽ có nước da hồng hào, mắt sáng, tăng cân và hệ cơ tốt.
Nguyên nhân nào khiến bé bỏ bú?
- Nguyên nhân từ trẻ: Bé không tính bú bình, bé mọc răng, đau tai, thời tiết khó chịu khiến bé bỏ bú, bé bỏ bú sau khi tiêm phòng...
- Nguyên nhân từ sữa: Sữa chảy nhanh, nhiều làm bé sợ, sữa chảy quá chậm trong khi bé đói khiến bé cáu gắt, thay đổi loại sữa (với bé uống sữa công thức)...
- Nguyên nhân từ mẹ: Thực phẩm gây ảnh hưởng tới sữa, mẹ dùng nước hoa, hút thuốc, nhuộm tóc... gây ra mùi khó chịu với bé, mẹ uống thuốc...
Làm gì khi bé bỏ bú
- Cố gắng bình tĩnh nhất có thể và giúp bé thay đổi tâm trạng bằng cách đi dạo, chơi đồ chơi, hát cho bé nghe... Khi bé đã bình tĩnh và vui vẻ hơn, mẹ hãy cho bé thử bú lại.
- Đứng cho bé bú hoặc thay đổi tư thế cho bé bú để tạo sự thích thú cho bé.
- Cho bé bú sau khi tắm, massage hoặc khi bé đang thiu thiu ngủ.
+ Xem thêm:
TRẺ SƠ SINH BÚ MẸ LÀM GIẢM NGUY CƠ UNG THƯ MÁU
CÁCH CHO CON BÚ HIỆU QUẢ ĐỂ DUY TRÌ SỮA MẸ