Thời tiết nóng lạnh thất thường khiến hô hấp của trẻ bị ảnh hưởng. Khi thấy trẻ húng hắng ho, ngủ ít… nhiều người xót con vội vàng mua các loại sirô cho trẻ uống. Trẻ biếng ăn, cha mẹ cho trẻ uống sirô kích thích thèm ăn... Việc sử dụng sirô không phù hợp ảnh hưởng xấu đến sức khỏe của trẻ.
Thị trường có hàng chục nhãn hiệu thuốc ho dưới dạng sirô như Phénergan, Théralène, Promethazin, Alimemazin,Clorpheniramin, Atussin, Toplexil… Các loại sirô này được bán ở nhà thuốc với giá vài chục ngàn/sản phẩm, không cần toa của bác sĩ. Nhiều trang mạng bán hàng online rầm rộ giới thiệu, chào hàng đủ loại men tiêu hóa xách tay được chiết xuất 100% từ thiên nhiên, dưới dạng sirô với công dụng giúp trẻ ngủ ngon, ăn nhiều, tiêu hóa tốt, giá vài trăm ngàn đồng/sản phẩm.
PGS-TS Nguyễn Hữu Đức - ĐH Y Dược TP.HCM cho biết, nhiều người cứ nghĩ các loại sirô được chiết xuất từ thảo dược nên không sợ ngộ độc. Tuy nhiên, phần lớn các loại sirô có tác dụng giảm cơn ho nhanh, cơn buồn ngủ đến rất nhanh hoặc trẻ sẽ ăn ngon, tiêu hóa tốt, chứng tỏ trong thuốc có thêm một số hoạt chất hóa học, nếu lạm dụng hoặc dùng sai liều lượng sẽ gây hại cho sức khỏe của trẻ.
Ho là một phản xạ bảo vệ cơ thể, giúp tống đàm, dịch nhầy, vật lạ trong đường thở, làm sạch đường thở. Sirô ho sẽ tạm thời ức chế cơn ho, phù hợp với các bệnh ho do viêm họng, cảm cúm, nhưng cần dùng theo sự chỉ định của bác sĩ.
Theo PGS-TS Nguyễn Hữu Đức, không ít trường hợp bệnh tăng nặng do phụ huynh tự mua các loại sirô ho cho trẻ uống. Có nhiều nguyên nhân gây ho ở trẻ, nhưng thường gặp là do trẻ mắc các bệnh đường hô hấp như viêm mũi họng, viêm amiđan, viêm xoang, viêm thanh quản, viêm tiểu phế quản, viêm phổi… Phải tìm ra nguyên nhân gây ho thì mới điều trị dứt bệnh.
Nếu trẻ bị ho do nước mũi chảy xuống họng, chỉ cần dùng thuốc nhỏ mũi, vệ sinh sạch mũi thì trẻ sẽ hết ho; dùng sirô ho nhiều khi không có tác dụng.
Trường hợp trẻ ho kèm sốt, mũi khô, khó thở, thở nhanh, cánh mũi phập phồng, co ngực lõm… cần phải lập tức đưa trẻ đi khám. Bởi nếu trẻ bị viêm phổi, viêm thanh quản, hen suyễn, phản xạ ho là để tống xuất đàm nhớt. Trong khi đó, sirô ho lại ức chế phản xạ ho, làm bệnh nặng thêm, bệnh sẽ tiến triển rất nhanh và thậm chí tử vong do suy hô hấp.
Các loại sirô còn gây hại thần kinh bởi một số có chứa kháng histamin, có tác dụng an thần nhẹ, ức chế thần kinh trung ương để giảm ho. Dùng sirô ho về lâu dài sẽ làm ảnh hưởng đến hệ thần kinh của trẻ. Trẻ dưới hai tuổi có thể bị kích động, co giật vì sirô ho.
“Riêng với những trường hợp trẻ biếng ăn, ngủ kém, có thể do rối loạn chức năng sinh lý, cơ thể trẻ sẽ tự thích nghi và điều chỉnh. Không nên dùng các loại sirô lâu dài để kích thích ăn ngon vì cơ thể trẻ có nguy cơ lệ thuộc thuốc” - PGS-TS Nguyễn Hữu Đức khuyến cáo.
+ Xem thêm:
KHI NÀO NÊN CHO BÉ BỊ HO UỐNG KHÁNG SINH
9 BÀI THUỐC TRỊ HO VIÊM HỌNG CHO MẸ BẦU