Tôi nghiệm ra một điều, không có mẹ chồng nào đáng sợ bằng nỗi sợ bản thân mình nghèo khó. Không có tiền, về nhà chồng bạn sẽ luôn phải đi luồn về cúi, mất hết tự do. Nếu bạn có công việc độc lập, thu nhập cao, bạn chẳng có lí do gì phải sợ người khác.
Tôi tự nhận mình là người phụ nữ hiện đại, suy nghĩ thoáng và cật lực phản đối tư tưởng kiểu “lấy chồng là gánh cả nhà chồng”. Khi kết hôn với một anh trưởng nam tôi vẫn giữ được “bản sắc” của mình và không bao giờ phải sợ hai chữ “mẹ chồng”.
Mẹ chồng tôi có năm người con, ba trai và hai gái. Hai cô con gái lấy chồng xa, ít khi về nhà. Hai anh con trai nhỏ đều lấy vợ ở quê. Chồng tôi lấy vợ ở lại Thành phố. Gia đình anh thuộc diện trung lưu, mẹ anh đúng chuẩn phụ nữ truyền thống, nền nếp, đảm đang. Anh bảo ngày nhỏ luôn ao ước lấy được người vợ như mẹ anh, không ngờ lớn lên lại lấy tôi, một người chú ý ăn diện, làm đẹp và sống hướng ngoại thay vì chăm chăm vào bếp.
Ngày đầu tiên về ra mắt gia đình anh, khi bà cụ khéo léo hỏi dò tôi chuyện bếp núc, tôi không ngại nói thật mình vụng về, chỉ làm được một số món đơn giản. Tôi nói với mẹ chồng thời này muốn nấu món gì ngon lạ cứ lên mạng lục lọi công thức. Mẹ chồng tôi có vẻ không hài lòng. Bà thường có ý khen hai cô con dâu sau khéo léo, đảm đang. Nhưng kể từ khi tôi chính thức bước chân về nhà chồng, mẹ chồng tôi đã thay đổi cách nghĩ.
Tôi làm trưởng phòng một công ty xây dựng, lương ngót nghét 15 triệu, chưa kể những khoản phụ thu khác. Chồng tôi cũng có việc ổn định, thu nhập khá. Mỗi khi có giỗ chạp, hai em dâu vào bếp, hì hục nấu nướng, dọn dẹp từ trước đó hai ngày, còn tôi bao giờ cũng là người về sau và làm những công việc lặt vặt, nhẹ nhàng. Nhưng mẹ chồng tôi vẫn vui vẻ, đon đả, chẳng bao giờ làm mặt nặng mày nhẹ với tôi. Lí do đơn giản là tiền.
Các cụ ở quê sống cần kiệm, vất vả, tiền bạc không dư dả nên mỗi khi về biết ý, tôi đều giúi vào tay mẹ chồng 5-7 triệu đồng. Chồng tôi còn đóng góp thêm. Người ta nói “người có của, người có công”. Tôi không có công nhưng đóng góp bằng “của” lợi hại hơn hai em dâu, vất vả dưới bếp mà vẫn không vừa lòng mẹ chồng.
Để mấy bà thím, bà dì không lên tiếng chê bai, tôi cũng tế nhị tặng họ ít quà. Nói chung, nhờ kỹ năng dùng tiền “bôi trơn”, tôi chẳng bao giờ phải lo mẹ chồng hay nhà chồng ăn hiếp. Hai cô em dâu dù bằng mặt không bằng lòng nhưng trước sự niềm nở của bố mẹ chồng, không có cớ gì để trách cứ tôi. Dù biết sau lưng có thể bị “đâm thọc”, nhưng tôi chẳng mấy quan tâm vì làm sao làm vừa lòng hết mọi người, tôi chỉ cố gắng để mỗi khi về nhà chồng được nhẹ nhàng, thanh thản, không phải mệt mỏi như gánh bao đá trên lưng.
Những khi gặp hàng xóm, mẹ chồng tôi luôn miệng khen tôi tốt bụng, luôn gửi tiền bạc, quà cáp về cho bà. Tôi không phải là người thực dụng nhưng là người biết tận dụng sức mạnh của đồng tiền. Những ngày bố mẹ chồng vào chơi, tôi cũng không tiếc công sức, đưa ông bà đi đây đó, có khi mua tour để các cụ đi du lịch khuây khỏa. Biết tôi đối xử với bố mẹ mình tốt nên chồng tôi cũng nể nang. Với cha mẹ vợ, anh cũng biết trước sau.
Từ kinh nghiệm bản thân, tôi nghiệm ra một điều, không có mẹ chồng nào đáng sợ bằng nỗi sợ bản thân mình nghèo khó. Không có tiền, về nhà chồng bạn sẽ luôn phải đi luồn về cúi, mất hết tự do. Nếu bạn có công việc độc lập, thu nhập cao, bạn chẳng có lí do gì phải sợ người khác.
+ Xem thêm:
Mẹ Chồng Luôn Tìm Cách Phá Hoại Gia Đình Tôi
Bị Mẹ Chồng Chửi Vô Dụng Vì Sinh Con Gái Con Dâu Đáp Trả