Mẹ chồng nàng dâu.. chuyện đời muôn thuở đây mà!!!
Có một câu “ranh ngôn” cải biên mà tôi nghĩ, chị em nào khi bước chân vào nhà chồng cũng nên nghe qua. Đó là “Chồng mình là con người ta. Suy ra tính lại chẳng bà con chi”. Nghe thì có vẻ bạc bẽo và buồn cười, nhưng đấy chính là sự thật không thể nào chối cãi.
Nhiều người sẽ bảo, chưa gì đã tính toán với chồng, thì làm sao có thể trở nên một thành viên trong gia đình chồng? Nhưng có một thực tế đáng buồn rằng, đa số nhà chồng đều coi con dâu là “địch” chứ không phải “ta”, luôn săm soi, xét nét và chờ đợi được coi “phim hay”, “kịch hay” do nàng dâu mang lại.
Tôi đã và đang làm dâu, và là con ruột của một bà mẹ có đến mấy đứa con dâu. Tôi hoàn toàn không hiểu, vì đâu, mẹ tôi vốn không phải là người khắc nghiệt, hay bắt bẻ, nhưng với con dâu, cuối cùng vẫn không thoát khỏi cái vết xe đổ của các bà mẹ chồng. Tôi đã từng nhiều lần khuyên mẹ, đừng nên khắt khe quá, hãy cứ coi dâu như là con, mẹ tôi vẫn “ờ ờ, biết chứ”, nhưng cái cách đối đãi với mấy chị em dâu trong nhà vẫn luôn làm tôi cảm thấy bất nhẫn. Trong nhà, tôi còn có một đứa em gái chưa chồng. Nó cũng coi các chị dâu như thể kẻ cướp mất mấy ông anh trai của mình, cái gì cũng tỵ nạnh, hơn thua, chấp nhặt. Nhiều lần thủ thỉ nhắc nhớ em về một cái ngày nào đó, em cũng sẽ là dâu nhà người, nhưng em gái tôi vẫn không bỏ được cái tính đành hanh của nó… Đành dặn các chị em dâu của mình rằng, thôi thì chín bỏ làm mười, cứ mặc kệ những dèm pha kia đi mà sống, chứ nếu để bụng, chẳng lẽ mang chính hạnh phúc của mình ra mà đánh đổi? Đáng không?
Tôi vẫn nhớ ngày đầu tiên sau đám cưới, vừa đi trăng mật về tới nhà, là mẹ chồng tôi đã nói ngay rằng, đi chơi về rồi thì xuống nấu cơm chiều đi chứ, còn đợi ai hầu nữa! Câu nói ấy đã làm tắt phụt bao nhiêu cảm giác muốn “hòa đồng, coi nhà chồng như nhà mẹ ruột” của tôi lúc ấy. Tôi vốn say xe, và một hành trình dài gần ba trăm cây số làm tôi mệt lử. Nhưng tôi đã im lặng không than van hay bày tỏ, lặng lẽ vào bếp, bắt đầu hành trình là một thành viên “hờ” của cả nhà chồng.
Tôi không quên những ánh mắt dòm ngó dành cho mình, nhất cử nhất động của tôi đều không thoát khỏi cảm giác bị soi rất kỹ. Nhưng may thay, tôi đã nhận thức rất rõ vị trí của mình, là dù có thế nào, họ vẫn coi mình là “dâu”, chứ không phải “con”. Nên tự bảo vệ bản thân, tự lo cho mình, phòng thủ từ kinh tế cho tới mọi thứ khác là điều không bao giờ dư thừa. Chồng không phải là đồng minh trên “mặt trận” này. Càng chẳng nên cái gì cũng sẻ chia tâm sự, cởi mở hết mọi ruột gan của mình với phía nhà chồng. Tôi đã có kinh nghiệm xương máu về việc này. Lần đó, mẹ chồng thân mật hỏi, vợ chồng tôi dành dụm được nhiều ít, nói cho mẹ mừng, chứ mẹ chẳng xin đâu mà sợ. Tôi đành thốt ra một con số, tất nhiên là thấp hơn thực tế nhiều. Chẳng được mấy hôm, có ngay một bà chị chồng từ quê vô hỏi vay tiền, câu trước câu sau đã lộ ra rằng, mẹ nói đấy, chứ chị cũng không biết là vợ chồng em có tiền để mà hỏi mượn! Thật là…
Làm sao có thể thoát khỏi ảnh hưởng của mẹ chồng, em chồng, để không phải mệt mỏi đối phó từng ngày, từng ngày? Từ kinh nghiệm của đời mình, tôi đã chỉ cho các chị em dâu một chiêu cực kỳ đơn giản, rằng “cứ bơ đi mà sống”. Để ý làm gì, dành tâm trí đấu đá nhau mà chi? Một khi thâm tâm bạn hiểu rõ, nhà chồng thì muôn đời vẫn là nhà chồng, họ chẳng thể nào đón nhận bạn bằng tình thân ruột thịt, thì hà cớ gì bạn phải lăn tăn cho khổ mình khổ người? Tôi không tin rằng, có một gia đình chồng đủ nào độc ác và kiên nhẫn để “đấu” với một cô con dâu chẳng buồn “động thủ”, luôn lấy chiến lược “mặc kệ” để mà sống bao giờ.
Đọc tiếp:
LÀM DÂU NHÀ CHỒNG, CỨ CÓ TIỀN LÀ KHỎE CÁI THÂN
CƯỜI ĐAU CẢ RUỘT VỚI TÂM SỰ NGƯỜI ĐÀN ÔNG LỠ CƯỚI VỢ