Nhiều bậc cha mẹ thừa nhận, dù không muốn đánh đòn con nhưng vẫn làm vì không có lựa chọn nào khác. Dưới đây là những gợi ý để thay thế “tét đít” bé khi cha mẹ bất lực.
Các nghiên cứu khẳng định rằng, nếu cha mẹ đánh đòn con tức là đã dạy cho bé thói hung hăng, bạo lực để giải quyết vấn đề. Xa hơn, những bé thường xuyên bị đánh đòn thường thiếu tự tin, dễ bị trầm cảm khi lớn lên.
Vì vậy cha mẹ có thể suy ngẫm về 8 cách sau đây để thay thế mỗi lần muốn đánh đòn con.
1. Bố mẹ hãy bình tĩnh
Nếu bạn cảm thấy quá tức giận, không thể kiểm soát và muốn đánh con, bạn nên tạm rời khỏi bé ngay khi có thể. Nên dành thời gian cho riêng bạn để lấy lại bình tĩnh. Trong thời gian ấy, biết đâu bạn sẽ tìm ra một giải pháp hữu ích dạy con mà không dùng tới bạo lực.
2. Hãy dành thời gian cho chính mình
Không ít cha mẹ đánh con vô lý vì đang mệt mỏi, kiệt sức. Do đó, điều quan trọng là phụ huynh cần có thời gian nghỉ ngơi riêng như đi bộ, đọc sách, thư giãn...
3. Nghiêm khắc vừa đủ
Một trường hợp cha mẹ dễ tét đít con là khi các bé làm trái ý của cha mẹ. Cuối cùng, bạn phải đánh vào đít con để buộc bé làm theo lời mình. Một giải pháp cho tình huống này là bạn cúi xuống ngang tầm với con, nhìn vào mắt bé, chạm vào bé nhẹ nhàng và nói cho bé, một câu ngắn nhưng nghiêm khắc những gì bạn muốn bé làm.
4. Cho bé chọn
Cho bé được lựa chọn là giải pháp thay thế hiệu quả khi bạn muốn đánh đòn con. Nếu bạn thấy con đang nghịch thức ăn trên bàn, nên hỏi bé: “Con muốn ngừng ném thức ăn hay muốn rời khỏi bàn?”. Nếu bé còn nghịch đồ ăn, bạn nên nhẹ nhàng nhưng cương quyết yêu cầu bé rời khỏi bàn. Sau đó, nhắc bé là bé có thể quay lại bàn khi nào bé hứa là không ném thức ăn nữa.
5. Hiểu về hậu quả logic
Ví dụ, bé nhà bạn làm vỡ chậu hoa và bạn trừng phạt con bằng cách đánh đòn. Bị mẹ đánh đau, bé sẽ hiểu ra rằng không bao giờ được làm vỡ chậu hoa nhưng đồng thời, bé cũng nảy sinh tâm lý muốn che giấu lỗi của mình (bằng cách nói dối, đổ lỗi cho người khác hoặc quyết không chịu nhận lỗi). Thậm chí, bé còn nghĩ rằng mình xấu xa hoặc nuôi ý định đánh lại mẹ.
Do đó, cách để thay thế hình phạt đánh đòn trong trường hợp trên là bạn nói với con: “Mẹ đã nhìn thấy con làm vỡ chậu hoa. Con định sửa lỗi của mình thế nào?’. Bé có thể chọn cách lấy chổi và hót rác để cùng mẹ dọn dẹp đống đổ vỡ hoặc tự nguyện rút lại món đồ chơi mà mẹ định mua cho cuối tuần này.
Bé học được gì trong tình huống này? Sai lầm là một phần tất yếu của cuộc sống. Không vấn đề gì nếu bé chẳng may mắc lỗi mà quan trọng là bé biết làm gì để sửa lỗi và tránh mắc lỗi ở những lần sau.
6. Rút lui đúng lúc
Khi cáu giận, các bé cũng sẵn sàng “tuyên chiến” với cha mẹ. Trong tình huống căng thẳng này, tốt nhất cha mẹ nên rút khỏi “chiến sự” ngay lập tức nhưng không rời đi một cách nhu nhược hay giận dữ mà cần bình tĩnh nói: “Mẹ sẽ ở phòng bên cạnh cho đến khi con hết giận thì thôi”.
7. Hành động nhanh
Khi bé sờ vào thứ gì đó mà cha mẹ không muốn, nên nhanh chóng nắm tay bé rời khỏi khu vực nguy hiểm. Cho bé một món đồ chơi hay thứ gì khác để đánh lạc hướng.
8. Thông báo trước cho bé
Bé cứng đầu có thể do một phần lỗi từ phụ huynh. Các bé có thể “nổi cơn tam bành” khi không hiểu rõ hoặc cảm thấy bị cha mẹ ép buộc. Thay vì ép bé rời khỏi khu trò chơi, bạn nên nhắc nhở bé là chỉ được chơi khoảng 5 phút nữa là phải đi về. Điều này giúp bé có thời gian hoàn thành nốt trò chơi còn dang dở.
“Thương cho roi cho vọt, ghét cho ngọt cho bùi” là chân lý trong cách dạy con của nhiều gia đình. Chị Tuyết cũng ủng hộ quan điểm này và triệt để áp dụng.
+ Xem thêm:
ĐỌC XONG BÀI NÀY BẠN SẼ TỪ BỎ VIỆC ĐÁNH ĐÒN CON
TRẺ ÍT BỊ ĐÁNH ĐÒN THÔNG MINH HƠN