KInh Nghiệm Đưa Vợ Đi Đẻ Ở Từ Dũ Của Ông Bố Trẻ

  9766

Kinh nghiệm đưa vợ đi đẻ ở Bệnh viện Từ Dũ 2015 được chia sẻ dưới đây là của ba bé Mít, mời các mẹ bầu tham khảo nhé.

Kinh nghiệm đưa vợ đi đẻ ở Bệnh viện (BV) Từ Dũ 2015 được chia sẻ dưới đây là của ba bé Mít, mời các mẹ bầu tham khảo nhé.

Tình hình là 2 vợ chồng mình vừa có con được 1 tháng hơn tại Từ Dũ vào giữa tháng 2/2015.

Khi con chào đời mạnh khoẻ, mình đã tính là sẽ viết bài này để bạn nào dự định sinh ở Từ Dũ có chút thông tin tham khảo. Mà con nhỏ bận quá, nay mới có chút thời gian.


Sau bao ngày chờ đợi, bao lần khám thai hồi hộp thì đúng ngày BV Từ Dũ dự sanh là vợ mình đau bụng, ra xíu xiu nước ối. Thế là đi sanh. Ảnh minh hoạ.

A. Chọn bệnh viện

Khi vợ mình mang bầu, mình cũng tìm kiếm thông tin rất nhiều trên mạng, và đắng đo lựa chọn nhiều bệnh viện: Phụ sản quốc tế Sài gòn, Hùng Vương, Đại học Y Dược, An Sinh, Từ Dũ,…

Và cuối cùng mình đã quyết định chọn Từ Dũ vì các lý do sau:

Lý do 1. Có khu dịch vụ.

Lý do 2. Từ <6 tuần, vợ chồng mình qua Từ Dũ khám thử. Không biết nội bộ Từ Dũ thế nào, nhưng có tiếng là ca khó đều chuyển về đây. Mình con đầu lòng nên chấp nhận cực khổ miễn con khoẻ mạnh.

B. Đi đẻ

Sau bao ngày chờ đợi, bao lần khám thai hồi hộp thì đúng ngày BV Từ Dũ dự sanh là vợ mình đau bụng, ra xíu xiu nước ối. Thế là đi sanh.

“Phụ tùng đi sanh”: Do nhà mình cách Từ Dũ khoảng 15 phút đi xe máy nên phần này mình không lo. Nói chung quan trọng nhất là tâm lý cả nhà vững, và tài chính sẵn sàng là ok.

1. Phần 1: Vào phòng cấp cứu

Đó là khu cấp cứu cổng Cống Quỳnh, vào là thấy ngay, và giai đoạn này mình nghĩ không cần lo lắm. vì chỉ có 2 trường hợp:

a. Chưa đau lắm. Mẹ còn tỉnh thì cứ làm theo hướng dẫn của bác sỹ/y tá.

b. Đã gấp lắm rồi, em bé sắp ra rồi thì tất nhiên sẽ được bác sỹ cho ngay vào khu sanh (trên lầu).

Nhưng chú ý là: Sau khi y tá khám ở khu cấp cứu này, quyết định cho mình nhập viện. Lúc đó, các mẹ sẽ chọn sinh thường hay dịch vụ. Trường hợp vợ mình chọn dịch vụ thì mình đi đóng 2 triệu tạm ứng. Xong xuôi thủ tục ở khu cấp cứu thì vợ mình lên trên lầu (khu sanh) và mình phải ở dưới chờ.

Lưu ý: Chỗ này cực kì quan trong, và làm mình sốc nhất. Bao nhiêu ngày chuẩn bị tâm lý cùng vợ “vượt cạn” thì tới lúc đó như bỏ phí hết. Từ Dũ bắt buộc phải như vậy, dù sinh thường hay dịch vụ. Chỉ khi bạn chọn “Box sinh Gia đình” thì hình như người nhà mới lên khu sanh cùng với mẹ được (cái này mình không chắc).

Vậy là mình phải qua khu chờ, mà Từ Dũ gọi là Khu Chăm sóc Khách hàng.


Sau khi y tá khám ở khu cấp cứu này, quyết định cho mình nhập viện. Lúc đó, các mẹ sẽ chọn sinh thường hay dịch vụ. Ảnh minh hoạ.​

2. Phần 2: Khu chăm sóc khách hàng

Tại khu Chăm sóc khách hàng này (nó nằm phía bên tay phải khu cấp cứu), bạn sẽ thấy 1 bàn trực gồm 2-3 y tá, nhiều thân nhân. Tất cả đều nhìn lên 3 màn hình LCD. Trên các màn hình này, sẽ hiện thông tin tên mẹ, đang sinh/mỗ, em bé trai/gái, ra đời lúc nào, trọng lượng.

Lưu ý: Và cái khó chịu là bạn phải ngồi nhìn màn hình và đợi…., chả biết trên lầu vợ mình thế nào, khi nào họ kêu tên thì lên. Có gì không rõ thì lên hỏi mấy y tá đó, họ sẽ giải đáp.

Đối với trường hợp của mình. Vợ vô cấp cứu là 16h30. Ngồi đợi mãi tới 22h50 mới nghe gọi “Mời người nhà của …”. Lên thì kêu đóng tiền ăn tối cho sản phụ, mình đóng 30 nghìn thì phải. Không nhớ rõ, nói chung cỡ đó và hỏi thêm: “Vợ em sinh chưa?”.

– “Chưa, còn đang chờ, đóng tiền để ăn tối có sức mà đẻ”.

Sau này vợ về kể mới biết, lúc đó trên phòng chờ sinh, vợ mình hên là mở 3 phân hơn nhưng không đau dữ. Tới 5 phân vẫn còn đi tới lui được. Y tá/hộ sinh ai cũng khen. Thế là ăn và chờ mở thêm để được sanh.

Về phần mình, đóng tiền xong vẫn ở khu Chăm sóc khách hàng đó ngồi đợi, lòng thì cứ nao nao. Không biết 2 me con trên đó thế nào. Nói tới đây thì các ông bố nào muốn kề vai sát cánh bên vợ thì không nên chọn Từ Dũ nha, rất khó chịu khoản này. Nhưng bù lại sau này mình nghĩ lại, lại thấy thích vì:

- Dù có ở đó, mình cũng chẳng giúp được gì, ngoại trừ nắm tay vợ.
- Từ Dũ đông, nếu thân nhân lên đó nữa thì sao quản lý cho nổi.
- Giảm nhiều tình trạng đút lót. Vì mình chẳng biết ai đỡ đẻ cho vợ mình, khi nào vợ mình sanh, và cũng chẳng lì xì cho ai hết. Có lên đó được đâu mà lì xì.

(Vợ mình sinh gần Tết, nên mình chọn sinh dịch vụ và không chọn bác sỹ. Vì sợ bác sỹ ăn Tết không vô cũng vậy thôi. Bác sỹ trực cũng OK).

Quay lại cái khu Chăm sóc khách hàng, mình ngồi đợi mãi tới 3h50′ sáng hôm sau (Gần 12 tiếng kể từ khi nhập viện) thì nghe gọi: “Người nhà của..”. Chạy lên thì chị y tá nói là: “Vợ em sinh rồi, giờ em đi đóng tiền thêm và quay lại đây. Sau đó chị ghi giấy lên gặp mặt con”. Trời ơi mừng, ba sắp gặp mặt con iu rồi. Và mình biết chắc là vợ mình sinh thường (Đúng như 2 vợ chồng mình mong muốn) vì : Nếu sinh mổ, họ sẽ gọi tên lên và đưa tờ giấy lên lầu (khu sanh) để ký giấy mổ.

Thế là mình chạy lẹ đi đóng tiền, đóng thêm 1 triệu nữa (tổng cộng tạm ứng tới thời điểm này là: 3 triệu).


Về phần mình, đóng tiền xong vẫn ở khu Chăm sóc khách hàng đó ngồi đợi, lòng thì cứ nao nao. Không biết 2 me con trên đó thế nào. Ảnh minh hoạ.​

3. Phần 3: Đặt phòng dịch vụ

Sau khi đóng tiền “đỡ đẻ”, quay lại khi Chăm sóc khách hàng, họ ghi tờ giấy và hướng dẫn mình lên lầu gặp mặt con. Và thân nhân chỉ được đi 1 người.

Mình lên lầu chừng 2′ là thấy hộ lý đẩy vợ con mình ra. Con mình nằm sấp trên ngực mẹ nó, mặt nghiêng về bên trái, mắt nhắm, tay chân hồng hào, tóc nhiều, mang bao tay, chân, đầu đội mũ. Mình liền mừng rỡ kêu lên: “Anh đây, ba đây con” và ôm hôn 2 mẹ con ngay lúc đó. Thực sự cảm xúc lúc đó quá khó tả, tới giờ nhớ lại còn xúc động. Chắc cả đời này mình không bao giờ quên. Bao ngày ba trông ngóng, bao ngày mẹ mang nặng, nhiều giờ mẹ đẻ đau. Cuối cùng, con mình cũng chào đời mạnh khoẻ. Cảm ơn vợ. Cảm ơn Con đã đến bên ba mẹ. Mình cũng không quên gỡ bao tay, chân, mũ của con ra kiểm tra con nữa. Nhờ phước ông bà, con “lành lặn, vuông tròn”. Và không quên nhét túi cho cô hộ lý 50 nghìn.

Sau đó hộ lý đẩy vợ con mình vào 1 phòng. Phòng này gọi là phòng “chờ sau sinh”. Gồm nhiều giường (khoảng 10 – 12), và ai cũng vậy, 1 thân nhân+ 2 mẹ con. Ở phòng này, mẹ con sẽ được thăm khám, nghỉ ngơi xíu. Chờ cho ba đi đặt phòng, sắp xếp phòng.

Lúc này, nhiệm vụ của mình là quay lại khu Chăm sóc khách hàng đặt phòng dịch vụ, cái mà trước sinh mình lo nhất là không có phòng. Vì họ qui định là, phải sinh xong mới được đặt phòng, và sinh Dịch vụ ưu tiên được đặt phòng Dịch vụ.

Mình cũng lại gặp chị y tá lúc nãy ở khu Chăm sóc khách hàng, và hỏi đặt khu N, chị nói còn phòng, loại nào cũng còn (1 người, 2 người, 3 người/ quạt, máy lạnh..) Mình chọn phòng mắc nhất là máy lạnh và 1 người. Giá 1,500,000 VND/ngày. Thời gian phòng tính theo giờ và mốc là 12h, 24h. Tức từ 0h – trước 12h trưa thi là nữa ngày. Và đóng tiền lúc nào là tính giờ ngay lúc đó.

Chị đó ghi giấy và kêu mình đi đóng tạm ứng 5 triệu (Tổng cộng tạm ứng tới thời điểm này là 8 triệu). Và hướng dẫn mình qua khu N chọn phòng trước.

Qua khu N, mình ở lầu 10. 1 em y tá trẻ dẫn mình đi chọn phòng (còn 4 phòng trống), mình chọn phòng gần khu ngồi trực của y tá nhất. Mỗi tầng có bàn trực và phòng trực/khám.

Sau khi chọn phòng, họ đưa chìa khóa phòng luôn. Và mình quay về chỗ vợ con đang nằm (phòng sau sinh). Báo y tá, họ khám lại cho vợ con mình 1 cái nữa, ok -> Chuyển xuống khu N luôn. Vậy là từ khi gặp vợ con tới khi qua khu N là khoảng 40′.

Xuống tới khu N, cho người hộ lý đẩy xe 50 nghìn. Xuống phòng N10 này rồi thì cảm giác khoẻ lắm các bạn ạ. Vì mừng là đã ổn định, vợ con khoẻ, có chỗ nằm ngủ nghỉ thoải mái nữa. Nói chung phòng như khách sạn. 2 giường + tivi+ tủ lạnh + toilet. Nước họ nấu bình thuỷ, phát cho mình.

Ở phòng này, đối với vợ mình sinh thường, mạnh khoẻ, bác sĩ khám mẹ+con 1 lần/ngày. Y tá đo nhiệt độ 1 lần/ngày, thăm khám hỏi han, 2-3 lần/ngày, tắm em bé 1 lần/ngày. Mỗi lần tắm, cho y tá 20 nghìn. Và khoái cái chỗ là khám con hay chích ngừa gì thì chỉ cần ẫm sang phòng khám kế bên của tầng N10 luôn, không cần đi xa.

Có vấn đề cứ kêu y tá thoải mái, thái độ không bực bội. Cá nhân mình thấy ok.


Ở phòng này, đối với vợ mình sinh thường, mạnh khoẻ, bác sĩ khám mẹ+con 1 lần/ngày. Y tá đo nhiệt độ 1 lần/ngày, thăm khám hỏi han, 2-3 lần/ngày, tắm em bé 1 lần/ngày. Ảnh minh hoạ.​

4. Phần 4: Thanh toán viện phí và thủ tục xuất viện

Con mình sau 2,5 ngày thì xuất viện. Trước khi xuất viện, 2 bác sỹ khám 2 lần. 1 lần là hằng ngày, 1 lần là trước khi xuất viện. Đợi kết quả bác sĩ khám ok thì y tá báo mình là sẽ được xuất viện, trước 12h trưa.
Khoảng 11h hơn thì y tá lại phòng kêu mình đi thanh toán viện phí và làm giấy chứng sinh ở N8. Xuống đây họ in ra 1 đóng hoá đơn… Cuối cùng trả lại mình 1,5 triệu. Suy ra mình sinh tốn khoảng 6,5tr tiền viện phí sau khi đã trừ bảo hiểm – gần 700 nghìn. Vợ mình nhận viện cấp cứu. Bảo hiểm chi trả 100% phí cơ bản qui dịnh, dịch vụ bảo hiêm không chi trả. Cái này mình cũng biết trước.

Có điều mình không ngờ rẻ đến vậy. Mừng muốn xỉu luôn.

Sau khi thanh toán viện phí thì lấy giấy ra viện để bảo vệ xét trước khi ra cổng. Và quay ra sau lưng có bàn làm giấy chứng sinh ngay chỗ đó luôn. Giấy chứng sinh rất quan trọng, để làm giấy khai sinh cho con sau này và có thời hạn là 2 tháng. Lấy giấy chứng sinh xong thì về nhà thôi.

+ Xem thêm:

ƯU VÀ NHƯỢC ĐIỂM CỦA VIỆC SINH THƯỜNG VÀ SINH MỔ.

NHỮNG DẤU HIỆU MẸ BẦU KHÔNG ĐƯỢC SINH THƯỜNG


Nguồn bài viết: hanhtrinhlamme
Chia sẻ cảm nghĩ của bạn về bài viết này: