Kiến Thức Vàng Khi Tiêm Chủng Cho Trẻ Em Mẹ Cần Biết

  14946

Để bảo vệ những mầm non tương lai, các bà mẹ hãy trang bị cho mình những kiến thức cần thiết về vacxin và tiêm chủng nhé!

Trước những thông tin về việc trẻ tử vong sau tiêm vacxin hay các trung tâm y tế thực hiện tiêm chủng cắt xén quy trình, tiêm không đủ liều lượng đang gây xôn xao dư luận thời gian gần đây, nhiều bậc phụ huynh tỏ ra vô cùng bối rối khi cho con em mình đi tiêm chủng.

Để cùng chung tay bảo vệ những mầm non tương lai của đất nước, các bà mẹ hãy trang bị cho mình những kiến thức cần thiết về vacxin và tiêm chủng nhé!

Việc cho trẻ tham gia tiêm chủng là vô cùng cần thiết

Trước hết ta cần phải khẳng định: cho trẻ tham gia tiêm chủng vacxin ngừa bệnh là thiết thực và vô cùng quan trọng. Các chị em không nên vì những thông tin trái chiều hiện nay hay sợ con ốm, sốt sau tiêm mà bỏ qua tiêm chủng.

Vacxin cần được tiêm đúng thời điểm và lịch trình của tổ chức y tế thế giới

Một số bà mẹ lo lắng con còn quá nhỏ và khó có khả năng thích ứng với vacxin nên muốn trì hoãn việc tiêm chủng và đợi con lớn mới cho đi tiêm. Quan niệm này là hoàn toàn sai lầm. Tổ chức y tế thế giới đã công bố lịch tiêm chủng cho trẻ em dựa trên nghiên cứu của hàng trăm các nhà khoa học, các bác sĩ và chuyên gia nhằm duy nhất một mục đích: tìm ra thời điểm thích hợp nhất để vacxin phát huy tác dụng và bảo vệ bé yêu. Không cho con tiêm đúng thời điểm qui định là bạn đã để con không được bảo vệ trong thời điểm đáng lẽ ra là vô cùng thích hợp.

Hãy yêu cầu nhân viên y tế pha vacxin trực tiếp ngay trước mắt bạn vì các lý do sau đây:


Khi đưa bé đi tiêm, mẹ nên từ chối vacxin pha sẵn để bảo đảm an toàn cho bé (Ảnh minh họa).

Hầu hết các vacxin chứa virus sống như sởi, quai bị, rubella, ho gà… đều được làm khô lạnh dưới dạng bột và cần một lọ dung dịch pha loãng chuyên biệt để kích hoạt trước khi thực hiện tiêm vào cơ thể. Từng dung dịch này được sản xuất cho một loại vacxin riêng, tuy trông chúng đều có màu trong suốt giống nhau nhưng trên thực tế, những dung dịch này không thể đổi dùng tùy tiện giữa các loại vacxin khác nhau và giữa các hãng sản xuất khác nhau. Do đó, việc pha vacxin hàng loạt trước khi tiêm có thể gây nhầm lẫn rất nguy hiểm.

Sau khi thực hiện pha loãng, vacxin đã được tái kích hoạt sẽ chỉ có thể để được trong một thời gian nhất định dưới điều kiện tránh sáng nghiêm ngặt. Đa số các vacxin như thủy đậu, sởi- quai bị - rubella, bạch hầu- uốn ván- ho gà, vacxin viêm màng não, viêm phổi… chỉ để được trong khoảng 30 phút sau pha.

Hầu hết các ống tiêm đều được sản xuất với mục địch sử dụng ngay sau khi bóc chứ không phải để lưu trữ vacxin.  Vi khuẩn có thể sinh sôi và phát triển ngay trong những ống tiêm vốn không hề có chứa chất kháng khuẩn. Thêm vào đó, những thành phần nhựa trong ống tiêm có thể tương tác với vacxin và gây giảm tác dụng.

Tại sao con tôi lại được tiêm ở bắp đùi thay vì ở cánh tay?

Các vết tiêm có thể được thực hiện ở bắp tay, bắp đùi, mông hoặc mu bàn tay... Tuy nhiên, hầu hết các bà mẹ có con nhỏ đều nhận thấy rằng vết tiêm vacxin cho trẻ thường là ở bắp đùi. Vậy, các bác sĩ và y tá đã dựa trên yếu tố nào để quyết định vị trí tiêm?

Có một thực tế là, mũi tiêm có thể thực hiện ở bất cứ vị trí nào trên cơ thể, miễn là nó không chạm vào động mạch và các dây thần kinh. Ngoài việc tránh các mạch máu và dây thần kinh ra, vị trí tiêm thường được xác định tại những nơi chứa nhiều mô để tránh chạm tới xương. Từ những yêu cầu trên, vị trí thích hợp nhất để tiêm cho trẻ dưới 1 tuổi được xác định là tại bắp đùi – nơi có rất nhiều mô và không có dây thần kinh chính nào đi qua. Đối với trẻ trên 1 tuổi, tiêm ở bắp tay lại là giải pháp thích hợp hơn cả bởi khi trẻ đã biết đi, vết tiêm ở bắp đùi sẽ gây đau nhức và khó chịu cho trẻ.

Một số loại vacxin yêu cầu được tiêm chính xác vào cơ trong khi đa số lại chỉ cần tiêm dưới da. Lý do là bởi những vacxin đó được khuyến cáo sẽ phát huy tác dụng tốt nhất ở một lớp mô nhất định. Mẹ không nên quá lo lắng việc con quấy khóc hay giãy giụa khi tiêm sẽ làm mũi tiêm không chính xác. Việc tiêm sai lớp mô sẽ không gây nguy hiểm cho bé nhưng tác dụng của vacxin sẽ bị giảm đi phần nào.

Không nên sử dụng thuốc hay đắp mẹo lên vết tiêm

Sau khi tiêm chủng, trẻ cần phải ở lại 30 phút tại điểm tiêm để các cán bộ y tế theo dõi. Các phản ứng như sốt nhẹ (dưới 38,5 độ), đau hoặc sưng tấy nhẹ tại vết tiêm, quấy khóc là những phản ứng hết sức bình thường. Các bà mẹ không nên dùng thuốc mẹo cho bé uống hay đắp lòng trắng trứng gà, khoai tây hoặc miếng dán hạ sốt trực tiếp lên vết tiêm bởi như vậy sẽ làm giảm tác dụng của vacxin. Khi các phản ứng trên kéo dài hơn một ngày hoặc trẻ có các dấu hiệu bất thường sau tiêm chủng như sốt cao trên 39 độ C, co giật, quấy khóc kéo dài, bú kém, khó thờ….mẹ cần đưa ngay trẻ tới bệnh viên hoặc các cơ sở y tế.

Việc tiêm ngừa cho trẻ luôn luôn là cần thiết và là yêu cầu bắt buộc để bảo vệ sức khỏe của trẻ đặc biệt là trong những năm tháng đầu đời. Hãy là một bà mẹ thông thái để bảo đảm an toàn tiêm chủng cho bé yêu của bạn.

+ Xem thêm:

BÍ MẬT TIÊM CHỦNG ĐẾN 99% CÁC MẸ THẮC MẮC

TUYỆT CHIÊU CHỮA HO CHO TRẺ EM KHÔNG CẦN UỐNG THUỐC


Nguồn bài viết: Hạnh Ng (Khampha.vn)
Chia sẻ cảm nghĩ của bạn về bài viết này: