Một trong những nguyên tắc muốn xoa dịu, hạ hỏa sự tức giận của trẻ đó là bố mẹ không bao giờ nên dạy dỗ con vào những lúc cảm xúc tiêu cực đang dâng trào như thế.
Trẻ con cũng có các cung bậc cảm xúc như người lớn, nhưng vì các con còn nhỏ nên chưa biết cách phản ứng sao cho đúng, mà khi nóng giận rồi thì các bé đâu còn là những thiên thần dễ thương nữa, lúc đó trước mặt các mẹ chỉ còn là một "cô bé lửa" hay "cậu bé lửa" thôi. Vậy có cách nào để các bé giải phóng sự tức giận một cách tích cực hơn không?
6 cách giúp trẻ hạ hỏa nhanh chóng
Đếm số
Sẽ rất khó để cấm trẻ la hét hoặc khua chân múa tay khi chúng đang tức giận nhưng nếu bạn chỉ cho con rằng: mỗi khi con bực bội, cảm thấy như sắp phát hỏa lên thì hãy đếm số, đếm to hoặc trong đầu cũng được, miễn là đếm số 1,2,3,4…
Quá trình đếm số sẽ giúp não bộ tập trung vào một việc logic khác thay vì bị cảm xúc lấn át, do đó giúp con trẻ tránh được những lựa chọn sai lầm khi đang giận dữ.
Yêu cầu được ôm
Quy ước rằng mỗi khi con cảm thấy sắp phát khùng lên, khi con cảm thấy thực sự giận 1 điều gì đó, hãy yêu cầu được ôm (Ảnh minh họa).
Quy ước rằng mỗi khi con cảm thấy sắp phát khùng lên, khi con cảm thấy thực sự giận 1 điều gì đó, hãy yêu cầu được ôm. Nếu con giận mẹ, hãy yêu cầu bố ôm, nếu con giận bố, yêu cầu mẹ ôm, hoặc thậm chí nếu con đang bực với mẹ cũng có thể yêu cầu chính mẹ ôm con (cái này nên lập thành quy ước và không ai được làm trái).
Cách này có lẽ hơi lạ lùng, với một số gia đình không quen ôm nhưng thực chất việc tiếp xúc vật lý sẽ giúp khoảng cách giữa các thành viên gần lại với nhau hơn, và giúp các con mở lòng hơn. Nghiên cứu cho thấy hầu hết mọi cơn tức giận đều chứa đựng nỗi buồn, một lý do sâu xa nào đó. Và một cái ôm sẽ giúp các con cảm thấy ổn hơn. Khi con yêu cầu ôm càng sớm thì cơn giận sẽ càng qua nhanh và nước mắt đến nhanh chóng, rồi cảm xúc vỗ về thân thiết sẽ ùa về (đây chính là sức mạnh của gia đình). Dù rằng không bà mẹ nào muốn con mình phải khóc, nhưng khóc thường là dấu hiệu tốt sau mỗi lần cãi vã, vì theo sau nước mắt sẽ là sự ăn năn và không khí yên bình của gia đình sẽ hiện hữu trở lại.
Hoạt động nhẹ nhàng
Con hay có thói quen đánh bạn, ném đồ vào bạn, hoặc nói những từ không hay? Chắc chắn là không thể để con tiếp tục, bất kể độ tuổi. Nhưng nếu chúng ta dùng kỷ luật với trẻ, nhất là khi “cơn thịnh nộ” đang dâng cao thì mọi công sức chỉ là đổ sông đổ bể. Vì sao ư? Cũng lại suy từ chính chúng ta thôi, khi giận thì mọi lí lẽ ta đều bỏ ngoài tai. Trẻ nhỏ càng có lý do để làm vậy. Nên thay vì thái độ cứng rắn ngay khi con đang tức tối thì cha mẹ hãy kiên nhẫn chờ đợi “giông bão qua đi”, rồi nhẹ nhàng yêu cầu con cùng làm một hoạt động yên tĩnh như đọc sách hoặc chơi hình xếp. Sau đó nói với con rằng mỗi khi con cảm thấy không vui hãy tìm đến sách, hoặc trò xếp hình, xếp gỗ, lắp ghép… để bình tâm trở lại.
Tạo cho trẻ thói quen chơi những trò chơi nhẹ nhàng, tập trung là một cách hữu hiệu để ngăn ngừa sự bùng phát cảm xúc không đáng có, nhất là với những trẻ có khuynh hướng bộc lộ cảm xúc mạnh mẽ.
Hát một bài hát
Trẻ con cũng có các cung bậc cảm xúc như người lớn, nhưng vì các con còn nhỏ nên chưa biết cách phản ứng sao cho đúng (Ảnh minh họa).
Khi trẻ đang có dấu hiệu sắp “bốc hỏa”, hãy khuyến khích con hát một bài hát nho nhỏ, hoặc bạn cũng có thể bắt nhịp trước. Đó có thể là bài hát bạn vẫn cùng con hát trước khi đi ngủ, hoặc một bài hát bé rất yêu thích.
Bóp một vật gì đó trong tay
Khi trẻ cần có thứ để giải tỏa cảm xúc, hãy đưa cho trẻ một con búp bê, một quả bóng cao su hoặc chiếc gối để con “cào, cấu, bóp, véo” tùy ý. Dĩ nhiên chỉ nên dùng cách này khi trẻ thực sự mất kiểm soát, và hãy tạo cho trẻ thói quen tĩnh tâm vì những hành vi này nếu thực hiện nhiều có thể dẫn đến tính bạo lực. Ít nhất để đối phó với một cơn giận ập đến thì cách này sẽ không hại đến ai cả.
Nói ra cảm xúc của mình
Khuyến khích con trẻ nói ra cảm xúc của mình với những câu khẳng định như: Con cảm thấy bực vô cùng nếu mẹ không cho con đi công viên” hoặc “Con giận lắm mỗi khi bạn Bin không chơi với con!”… Bộc lộ cảm xúc bằng từ ngữ cụ thể là một cách kiểm soát và chăm sóc tinh thần lành mạnh!
Để những phương pháp trên hiệu quả, bố mẹ nên lưu ý những điều sau:
1. Nói với con khi con đã bình tĩnh
Khi cảm xúc tiêu cực được xử lý đúng cách các bé sẽ ngày càng vui vẻ hơn (Ảnh minh họa).
Đừng bao giờ dạy trẻ thứ gì khi chúng đang tức giận, cũng giống như chúng ta thôi, "cả giận thì mất khôn". Hãy dạy con vào lúc con đã thực sự bình tâm, hoặc khi bạn và con đang ngồi tâm sự cùng nhau (nói chuyện với con về những gì con cảm nhận, con mong muốn là một điều cần thiết và nên làm thường xuyên). Một đứa trẻ biết xử lý cảm xúc một cách thông minh là đã có được tiền đề để thành công trong cuộc sống rồi.
2. Dạy con bạn bằng cách làm mẫu cho con
Bố mẹ nên chuẩn bị sẵn sàng tinh thần để "nhập vai" vào tình huống. Các tình huống đó bố hoặc mẹ sẽ cảm thấy tức giận nhưng thay vì la hét hay ném đồ đạc như các con, bố/mẹ sẽ cho con thấy cách xử lý vừa thẳng thắn vừa lịch sự, giúp con hiểu rằng chúng ta hoàn toàn có thể kiểm soát cơn giận. Nhớ là con trẻ luôn học theo những gì ta làm hơn là nghe bố mẹ nói!
3. Nhắc nhở, nhắc nhở và nhắc nhở
Nếu con bạn tức giận, quên đi lỗi của con một lát (có lẽ hơi khó lúc đầu nhưng người bố/mẹ nào cũng sẽ làm được!) đợi con bình tĩnh lại, ôm con vào lòng khi con có dấu hiệu dịu lại (có thể mặt con vẫn hậm hực nhưng thấy cơ mặt trẻ giãn bớt ra là lúc thích hợp để ôm rồi!), rồi nhẹ nhàng nhắc con nhớ lại cách bố mẹ đã dạy con khi con cảm thấy mình bực bội.
Hãy kiên nhẫn, có thể 1, 2 lần chưa quen nhưng những lần sau trẻ sẽ có phản ứng tự nhiên hơn, có kiểm soát hơn. Nhớ là nhắc nhở khéo léo, không phải đang càm ràm suốt ngày bên tai con, có thể sẽ phản tác dụng!
+ Xem thêm:
Xử Lý Tình Huống Khi Trẻ Ăn Vạ
5 Tuyệt Chiêu Dạy Con Nghe Lời Cực Hay Của Mẹ Mỹ