Khi Nào Bà Bầu Nên Đi Siêu Âm Thai?

  7640

Từ tuần thứ 12 trở đi, siêu âm có thể xác định được tuổi thai cũng như những dị tật bất thường của thai nhi.

Theo TS Trần Danh Cường – Phó Giám đốc Trung tâm chẩn đoán trước sinh (Bệnh viện Phụ sản Trung Ương) cho hay, siêu âm thai là một phương pháp chẩn đoán an toàn, đã được tổ chức thực phẩm và dược phẩm Mỹ (FDA) cho phép ứng dụng trong y học thực hành.

Theo đó, hình ảnh siêu âm được hình thành bằng cách sử dụng các sóng âm thanh. Máy gửi các sóng âm thanh thông qua cơ thể; sau đó, phản xạ trở lại và chuyển đổi thành một hình ảnh được hiển thị trên màn hình.


Siêu âm có thể giúp nhận biết tình trạng sức khỏe của thai nhi. Ảnh minh họa.

Siêu âm màu cho phép phát hiện được nhiều dị tật: thần kinh, não, gan, tim, thận, cột sống, chân tay, hàm mặt… Với một số bệnh lý di truyền, các dị tật bẩm sinh quá nặng nề không thể khắc phục thì đình thai (bỏ thai) có thể là một biện pháp được thực hiện.

Tuy nhiên, việc siêu âm cần được chỉ định đúng vào những thời điểm quan trọng để giúp cho việc chẩn đoán đạt sự chính xác cao nhất. Siêu âm khảo sát hình thái học thai nhi nếu ở thời điểm sớm hơn thì chưa nhìn rõ các cấu trúc hoặc ở thời điểm muộn hơn thì thai kỳ lại quá lớn, nước ối giảm sẽ khó khảo sát và nếu có bất thường thì việc chấm dứt thai kỳ cũng phải cân nhắc vì thai có thể sống sau sinh.

Những thời điểm có thể siêu âm

Theo các bác sĩ sản khoa, trong suốt quá trình thai nghén có 3 thời điểm bắt buộc mẹ bầu phải đi siêu âm thai.

Từ tuần 12 -14 của thai kỳ: Đây là thời điểm bác sĩ siêu âm có thể xác định tuổi thai một cách chính xác nhất. Ngoài ra, việc siêu âm thai trong thời kỳ này là bác sĩ có thể đo khoảng sáng sau gáy nhằm dự đoán một số bất thường nhiễm sắc thể (những bất thường này có thể là nguyên nhân gây bệnh down, dị dạng tim, chi, thoát vị cơ hoành…).

Một điều đặc biệt là, nếu bạn mang thai đơn hay đôi thì đây cũng là thời điểm bác sĩ siêu âm có thể cho bạn kết quả chính xác nhất.


Từ tuần 12 -14 của thai kỳ là thời điểm đầu tiên có thể siêu âm. Ảnh minh họa.

Từ tuần 21 – 24 của thai kỳ: Thời gian này đặc biệt quan trọng bởi vì hầu hết các cơ quan bên trong thai nhi đều được bác sĩ siêu âm kiểm tra để đảm bảo thai phát triển bình thường. Các cột sống, hộp sọ, não, tim, phổi, thận, cánh tay và chân của thai nhi ở thời kỳ này đều có thể được nhìn thấy. Ngoài ra, bác sĩ có thể phát hiện hầu hết các bất thường về hình thái của thai nhi như sứt môi, hở hàm ếch, dị dạng ở các cơ quan nội tạng. 

Từ tuần 30 – 32 của thai kỳ: Vào thời điểm siêu âm này, những bất thường xuất hiện muộn như bất thường ở động mạch, tim và một vùng cấu trúc não sẽ được bác sĩ siêu âm phát hiện.

Ngoài ra, khi siêu âm bác sĩ còn kiểm tra dây rốn xem nó còn đủ tốt để vận chuyển dinh dưỡng nuôi bào thai hay không, vị trí của nhau thai và tình trạng nước ối (đục hay trong, nhiều hay ít).

Lưu ý:

Tuy hiện nay, chưa có nghiên cứu nào khẳng định việc siêu âm có ảnh hưởng không tốt tới thai nhi. Nhưng mẹ bầu cũng không vì thế mà lạm dụng vì có những vùng rất nhạy cảm với sóng siêu âm như mắt hoặc tuyến sinh dục.

Không kể đến việc gây tốn kém cho thai phụ, siêu âm thai quá nhiều còn có thể ảnh hưởng đến sự phát triển của thai nhi và sức khỏe bà bầu. Thai nhi được siêu âm bừa bãi (không hạn chế số lần), trọng lượng sau khi sinh ra thấp hơn hẳn những trường hợp siêu âm theo đúng quy định.

Ngoài ra, đã có những nghiên cứu nêu ảnh hưởng lâu dài của siêu âm như nghe kém... Nhất là đối với những thai dưới 8 tuần tuổi – thời điểm mà các tổ chức thai đang được sắp xếp thì không ai dám chắc chắn bất kỳ loại tia nào (trong đó có tia siêu âm) không ảnh hưởng đến sự hình thành của thai.

+ Xem thêm:

SIÊU ÂM THAI NHI Ở TUẦN THỨ 12 ĐỂ LÀM GÌ?

10 DẤU HIỆU DỰ ĐOÁN GIỚI TÍNH CỦA CON KHÔNG CẦN SIÊU ÂM


Nguồn bài viết: Mạc Nhiên (Đời sống & Pháp luật)
Chia sẻ cảm nghĩ của bạn về bài viết này: